Ở bất cứ cơ quan hành chính Nhà nước nào cũng có bảng nội quy về tiếp dân. Trong đó ghi rõ, người dân khi đến làm việc cần thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự. Nhưng trên thực tế, ở cấp phường, xã người dân dường như “phớt lờ” nó đi.
Quần cụt, dép lê đến làm việc
Đến khi nào mới hết cảnh người dân “nhếch nhác” ở chốn công quyền như thế này? |
Từ năm 2005, thành phố đã có những nghị quyết, quyết định về việc xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh đô thị nhằm nâng cao ý thức về văn hóa-văn minh của người dân từ trong gia đình cho đến nơi công cộng. Các tổ dân phố cũng thường xuyên tuyên truyền và không ít gia đình đã được nhận bằng khen “Gia đình văn hóa”. Nhưng, không hiểu tại sao vẫn có quá nhiều người dân vô tư quần cụt, dép lê đến nơi “công quyền”.
Một người dân đang chờ giải quyết công việc ở đây nói: “Có ai bắt buộc đâu. Mà lên phường chứ đi đâu mà bận đồ Tây. Lên ký có tờ giấy chứ mấy”. Ở trung tâm thành phố đã vậy, vùng ngoại ô còn nhiều chuyện đáng nói hơn. Anh Đ.C.L, cán bộ xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang cho biết: “Do cơ quan hành chính của xã nằm gần chợ nên nhiều lúc các mẹ, các chị tranh thủ đi chợ xong ghé vào, trên người mặc nguyên bộ đồ còn nghe mùi cá. Thậm chí có hôm còn chứng kiến cảnh hai bác xe thồ vừa phì phèo thuốc lá, vừa văng tục khi đang ngồi chờ ký giấy”.
Mặc dù ở bất cứ cơ quan nào cũng có những bảng hiệu ghi rõ: Không hút thuốc lá nơi công cộng, đi nhẹ, nói khẽ, nhưng số người thực hiện được chẳng là bao. Anh Trọng Hòa, cán bộ bộ phận “một cửa” ở phường An Hải Tây nhận xét: “Thanh niên là người hay mắc lỗi nhất về trang phục cũng như trong cách ứng xử. Ngày càng có ít em mặc quần dài và áo có cổ khi đến làm việc. Nhiều lúc chướng quá mới nhắc khéo, không thì cũng cho qua. Riết rồi cũng quen”.
Và những nỗi khó xử
Đã có không ít cán bộ rơi vào tình trạng dở khóc dở cười vì thói quen “vô tư” cố hữu của nhiều người dân khi đến làm việc. Anh Hòa kể: “Có những trường hợp chị em phụ nữ mặc đồ khá “mát mẻ”, mình yêu cầu về đổi đồ thì bị vặn lại là không thấy có quy định. Đành im lặng cúi đầu làm việc mà không dám nhìn lên nữa”. Là cơ quan hành chính gần dân, nên khi giải quyết công việc, cán bộ và người dân ở xã, phường vẫn còn mang nặng tâm lý “cả nể”, “cậy quen”.
Chính vì vậy mới dẫn đến nhiều trường hợp các anh, các chị cứ xộc thẳng vào khu vực làm việc của cán bộ để “Anh ký cho em một chữ” mặc dù vẫn thấy ghi rõ “Không phận sự miễn vào”. Anh L. nói: “Nhiều lúc ngại lắm, nhưng người trong thôn cả nên nói nặng cũng không được mà nói nhẹ càng không xong. Cứ vậy rồi thành thói quen”.
Thấy rõ những bất cập từ chuyện trang phục đến cách cư xử của người dân khi đến cơ quan phường, xã nhưng do không có một chế tài cụ thể nên ngoài việc “tế nhị nhắc nhở” ra, cán bộ đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Một lãnh đạo phường chia sẻ: “Cái này phụ thuộc vào ý thức của người dân thôi, chứ bây giờ mà đưa ra một tiêu chí bắt buộc cũng khó, vì như vậy sẽ có nhiều người cho rằng mình muốn xa cách với dân”. Nên chăng cần có biện pháp tuyên truyền thích hợp và hiệu quả hơn để mỗi người dân là một đại diện cho nếp sống văn hóa nơi địa phương mình.
|
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA