Chúng ta đang bước vào giữa cuối tháng 9 năm 2008 với nhiều thông tin sốt dẻo trên các báo, đài liên quan đến nạn ô nhiễm môi trường, đến vi phạm các tiêu chuẩn hàng hóa tiêu dùng.
KCN trên sông Thị Vải thuộc huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu. ( ảnh tư liệu ) |
Việc xác định thủ phạm gây ô nhiễm đã khó, nay xử lý lại khó hơn vì đủ lý lẽ như viện dẫn những văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa rõ ràng, không xác định được nhà máy nào gây ô nhiễm, chưa xác định được mức ô nhiễm cụ thể… theo kiểu “bằng chứng đâu” trong việc xử lý những tiêu cực trong bóng đá! Việc sử dụng đường ống ngầm đổ chất độc hại ra sông Thị Vải của Nhà máy Vedan đã diễn ra 14 năm nay mà không ai biết!
Đến lượt hàng trăm cơ sở bán lẻ xăng dầu trên cả nước “móc túi” người tiêu dùng bằng các thủ đoạn đong đếm gian dối (thậm chí thiếu đến 5-10%), cũng không ai kiểm tra được.
Buồn cười là tất cả những nơi vi phạm như vậy đều từng bị thanh tra, bị phạt hành chính. Nhưng, như ta đã biết, mức phạt không đủ sức răn đe vì thấp hơn rất nhiều mức lợi mà sự gian lận hay vi phạm đó đã đem lại.
Những thông tin như vậy trở thành chuyện khôi hài kiểu con voi chui qua lỗ kim!
Những tin tức thời sự đó khiến ta liên tưởng đến tình hình ở Đà Nẵng.Vẫn có nhiều cây xăng đong đếm thiếu cho người tiêu dùng. Vẫn có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước nhiều năm qua chung quanh khu công nghiệp Hòa Khánh, Đầm Rong, Phú Lộc. Mới đây, cá chết hàng loạt ở hồ Công viên 29-3 và hồ điều tiết ở cuối đường Hà Huy Tập (quận Thanh Khê) lại cũng được kết luận là do ô nhiễm nguồn nước. Nhưng đã có cơ sở nào, nhà máy nào bị đóng cửa vì vi phạm các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng? Chưa hoặc không bao giờ! Và do đó, môi trường ở Đà Nẵng sẽ tiếp tục bị đe dọa; túi tiền của người tiêu dùng tiếp tục bị bòn rút bằng những thủ đoạn rất cũ đó. Không rõ trong những tiêu chí về “nếp sống văn minh đô thị” của Đà Nẵng, có quy định những điều đã hiển nhiên trong luật cũng như cả trong phạm trù đạo đức này không!
Nhiều người đặt câu hỏi: Chúng ta có biết bao nhiêu cơ quan quản lý, cơ quan giám sát, lực lượng thanh tra, kiểm tra liên ngành lẫn chuyên ngành trong mọi lĩnh vực. Ngoài việc thi hành pháp luật, thì những người làm việc trong những đơn vị ấy đều là công chức ăn lương của Nhà nước. Nghĩa là họ được trả lương từ tiền nộp thuế của người dân để thi hành phận sự. Vậy, môi trường mỗi ngày càng ô nhiễm, tác động xấu đến sức khỏe người dân, ảnh hưởng đến sản xuất và nạn ăn cắp người tiêu dùng vẫn tiếp diễn như báo chí phanh phui có phải là do những công chức, cơ quan công quyền liên quan không hoàn thành chức trách không? Hay là họ chỉ làm việc theo các đợt “ra quân” và “chiến dịch”, rồi sau đó: Mặc kệ!
Câu hỏi và những lời ta thán đó cần được hiểu là: Bộ máy Nhà nước cồng kềnh không hiệu quả của chúng ta đã và đang bào mòn lòng tin của người dân mỗi ngày! Mà trong mọi thứ lòng tin, thì lòng tin vào người thi hành công vụ luôn cần được tuyệt đối hóa, bởi thiếu nó sẽ thiếu đi sự ổn định và an toàn của đời sống, vốn là thế mạnh của xã hội chúng ta.
NGUYỄN HOÀNG SA