.

Mới mưa đã ngập

.

Mưa hơi nặng hạt một tí mà một số nơi ở các thành phố lớn của nước ta không ngập mới là chuyện... lạ. Ở Đà Nẵng, đâu cũng có các khu vực, điểm ngập úng, từ nội thị ra tới ven đô, từ khu dân cư, khu tái định cư ra đến quốc lộ. Mùa mưa đã gần kề, người dân thấp thỏm lo không biết năm nay sẽ ngập tới đâu?!

Bao giờ hết ngập để đường phố Đà Nẵng có một khuôn mặt mới trong mùa mưa bão?

Chỉ riêng trên địa bàn quận Liên Chiểu đã có đến 47 khu vực, điểm ngập úng - theo thống kê của Phòng Quản lý đô thị quận. Trong đó, “nóng” nhất là ngã ba Cơ khí – điểm nối giữa quốc lộ 1A và đường vào cổng KCN Hòa Khánh. Nhiều năm qua, nơi đây đã diễn ra tình trạng ngập úng gây ách tắc giao thông với mức ngập từ 0,4 – 0,6 mét, các cơ quan chức năng đã tốn nhiều cuộc họp, nhiều giấy bút.

“Mặt tiền” KCN và môi trường dân sinh

“Hệ thống” thoát nước chính ở ngã ba Cơ khí chỉ là một mương đất rộng có chỗ chỉ 0,7 mét, chạy dọc theo đường kiệt ngang qua khu dân cư tổ 35, phường Hòa Khánh Bắc. Kỹ sư Nguyễn Nhường, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Liên Chiểu cho biết, khu vực này còn có một cống đưa nước thoát qua đường Nguyễn Lương Bằng (quốc lộ 1A) ra hồ Bàu Mọc, nhưng đường ống quá hẹp nên ngập vẫn cứ ngập. Khơi thông, nạo vét mương, cống chỉ là “nóng đâu phủi đó”, không giải quyết căn cơ vấn đề.

Theo ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, đất ở khu dân cư tổ 35 (Hòa Khánh Bắc) đã được UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) giao cho Nhà máy Đại tu Thống Nhất (Nhà máy Cơ khí giao thông 5) phân phối cho cán bộ, nhân viên nhà máy làm nhà ở, trồng hoa màu cải thiện đời sống, có giấy tờ chứng minh nguồn gốc sử dụng đất. Mưa lớn, đoạn mương đi qua khu vực này ngập gần 1 mét, chưa kể hầm bà lằng các loại chất thải trong KCN chảy ra bốc mùi hôi thối, ô nhiễm, bởi hệ thống mương ngầm thoát nước của KCN lúc đó mất tác dụng.
 
Lối thoát duy nhất vừa để giải quyết tình trạng ngập úng, gây ách tắc giao thông nói trên, vừa cải thiện môi trường dân sinh, theo đề nghị của UBND quận Liên Chiểu và Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng, là xây dựng cống thoát nước kết hợp với đường bê-tông rộng 4 mét ngang qua khu vực tổ 35 phường Hòa Khánh Bắc. Ngày 6-8-2008, UBND phường đã tổ chức họp dân tổ 35, thông báo chủ trương của thành phố về xử lý ngập úng khu vực này. Tại cuộc họp, tất cả 27 hộ dân nằm dọc theo đường đều đồng tình ủng hộ, tự nguyện tháo dỡ vật kiến trúc, hiến đất để làm đường, làm cống. Một tuần sau, ngày 13-8-2008, UBND quận Liên Chiểu gửi Báo cáo số 132/BC-UBND về nội dung này lên UBND thành phố và các cơ quan chức năng.

Con mương đất như thế này thì làm sao “chống chọi” với những đợt nước mưa cuồn cuộn từ cổng vào KCN Hòa Khánh đổ về!

Cho ý kiến chỉ đạo phản hồi về vấn đề này, lúc đầu UBND thành phố không tán thành việc xây dựng mương thoát nước chống ngập nói trên vì “không phù hợp với quy hoạch” (Điểm 3, Công văn số 5027/UBND-QLĐTư ngày 21-8-2008). Tuy nhiên, sau đó, tại phiên họp giao ban cuối tháng 8 vừa rồi, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh đã đồng ý chủ trương và giao cho Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng xây dựng mương thoát nước tại địa điểm nói trên.

Bất hợp lý trong quy hoạch thoát nước

Xét cho cùng, “thủ phạm” gây nên ngập úng cục bộ sau khi có mưa ở Đà Nẵng là tình trạng thiếu đồng bộ, bất hợp lý trong quy hoạch thoát nước. Thiếu một “nhạc trưởng”, các dự án cứ “vô tư” dẫm chân lên nhau, cái nọ xọ cái kia. Đường hết đào lên lại lấp xuống, ở các khu dân cư mới thì mạnh ai nấy đổ đất, san nền không theo quy hoạch, vô hình trung làm thành những “đê bao” giữ nước.

Trận mưa lớn đầu tháng 11 năm ngoái, nước ngập lai láng khắp khu vực các tổ 19, 20, 21 phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), do Dự án Liên Chiểu – Thuận Phước khi làm đường Nguyễn Khuyến đã lấp mương thông ra cống Bàu Sáu. Dân bức xúc “kêu trời”, Phòng Quản lý đô thị quận quyết định thuê xe múc đào đường, mở lối thoát nước để cứu úng cấp thời cho dân. Năm nay, để khỏi tái diễn cảnh cũ, người dân nơi đây mong sớm có một mương thoát nước.

Ngập úng cũng có nhiều lý do. Cứ cho là một số điểm trên những đường cũ như Trưng Nữ Vương, Phan Châu Trinh, Núi Thành... ngập úng năm sau cao hơn năm trước do hệ thống thoát nước hư hỏng, chắp vá, không đồng bộ, kinh phí bảo dưỡng hằng năm quá ít. Thế nhưng, một số đường mới mở như Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Trần Cao Vân, Hà Huy Tập, Cách mạng Tháng Tám... cũng chẳng hơn gì. Đường Nguyễn Văn Linh, “cái nhìn đầu tiên” của khách phương xa sau khi xuống Sân bay quốc tế Đà Nẵng mà cũng có đoạn bị dìm trong nước hàng giờ sau khi dứt mưa thì huống gì...

Năm ngoái, Phòng Quản lý đô thị quận Liên Chiểu “phá đường” để cứu úng cho dân.
Trong khi các hồ điều tiết nước ngày càng bị thu hẹp hoặc bị lấp thì bê-tông hóa càng nhiều sẽ càng tăng nguy cơ ngập úng. KCN Hòa Khánh lớn nhất Đà Nẵng với 423,5 ha, đã “lấp đầy” được gần 100% nhà xưởng doanh nghiệp, có nghĩa là khoảng 4 triệu m2 đất đã “được” con người che phủ bằng các loại mái che và đường (bê-tông, nhựa). Hệ quả của việc làm thiếu thân thiện với thiên nhiên này là chỉ sau chưa tới 2 giờ mưa, nước đã ngập trắng toàn bộ cánh đồng Trung Sơn (thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), nơi thấp trũng so với KCN. Anh Nguyễn Tài ở tổ 1 Trung Sơn bức xúc: “Trước, mưa còn thấm đất, chứ có mô như chừ, ào một cái là lút hết. Rác rến, xác súc vật nổi lềnh bềnh, nước hôi hám, ô nhiễm. Tới mùa mưa là cả làng nơm nớp lo”.

Mùa mưa đã tới sát bên chân. Người dân Trung Sơn đã “đi trước một bước” bằng cách bỏ công nạo vét mương chống ngập. Còn người dân ở tổ 35 Hòa Khánh Bắc và ngã ba Cơ khí thì mong con mương mới sớm được hoàn thành để không phải ráng chịu ngập thêm một năm nữa. Thêm vào đó, “mặt tiền” KCN Hòa Khánh sẽ được đẹp hơn trong mắt các doanh nhân trong và ngoài nước, cả với khách vãng lai trên quốc lộ 1A.

VĂN THÀNH LÊ

 

;
.
.
.
.
.