.
NGHỊCH LÝ CẤP NƯỚC:

Bài 1: “Khát” nước sạch bên cạnh nhà máy

.

Năng lực sản xuất và hạ tầng cấp nước hiện bảo đảm cung cấp nước sạch sinh hoạt ở thành phố đến năm 2020. Thế nhưng hiện chỉ có 56,8% dân số được cấp nước sạch, tỷ lệ thất thoát nước là 36,5%. Những nghịch lý gì đang diễn ra với ngành Cấp nước?

Những nghịch lý chung quanh vấn đề cấp nước là vấn đề quy hoạch hạ tầng cấp nước, chi phí lắp đặt đồng hồ nước và tình trạng thất thoát nước mỗi ngày tương ứng công suất của Nhà máy nước Sân bay Đà Nẵng.

Chưa quy hoạch tổng thể

Hạ tầng Nhà máy cấp nước Cầu Đỏ, công suất 120.000 m3/ngày đêm.

Nhà máy cấp nước Cầu Đỏ đặt tại phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ. Gia đình anh Phan Hữu Thuận ở khu vực Phong Bắc, sinh sống bên cạnh bờ rào nhà máy nhưng mãi đến tận đầu năm 2008 mới có nước sạch sinh hoạt từ nhà máy. Được hưởng nguồn nước sạch sản xuất ngay cạnh nhà của anh Thuận cũng chỉ là sự “may mắn”, nếu không có sự di chuyển xây dựng trụ sở UBND phường Hòa Thọ Tây.

Thế nhưng, một lãnh đạo UBND phường nói: “Chúng tôi phải năm lần bảy lượt xin vốn ngân sách 47 triệu đồng để lắp đặt đường ống nước về phục vụ cho khối các cơ quan hành chính - y tế - giáo dục của địa phương”. Có sẵn tuyến ống này, Công ty Cấp nước mở ra kinh doanh và gia đình anh Nguyễn Hữu Thuận là một trong 10 khách hàng hưởng nguồn nước sạch như một sự tình cờ.

Trong những tháng vừa qua, hạn hán đã làm cho hàng chục tổ dân phố phường Hòa Thọ Tây điêu đứng vì nguồn nước giếng cạn kiệt. Sinh sống gần bờ sông Yên như 10 hộ dân ở tổ 4 cũng khát nước sạch. Từ nhiều năm nay, mỗi hộ nơi đây phải chi gần 10 triệu đồng để lắp ống đưa nước giếng xa hàng cây số về sử dụng.

Theo UBND phường Hòa Thọ Tây, toàn phường chỉ có 820/2.165 hộ được sử dụng nước sạch sinh hoạt. Như vậy, bên cạnh Nhà máy nước Cầu Đỏ, hiện có 1.345 hộ phải sử dụng nước giếng, nước sông và ao hồ. Ngoài ra, nhiều cơ quan, xí nghiệp và doanh trại quân đội trên địa bàn phường cũng không được sử dụng nước máy. Trước những yêu cầu bức thiết về nước sinh hoạt phục vụ dân sinh, ngày 11-9-2008, ông Nguyễn Hữu Đê, Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Tây đã có văn bản đề nghị Công ty Cấp nước có kế hoạch đầu tư cung cấp nước sạch về địa phương.

Người dân sống ở gần nhà máy nước thì “khát nước”, còn từ Nhà máy nước Cầu Đỏ tỏa đi trên một mạng lưới phân phối rộng khắp với 262km tuyến ống cấp 1 có đường kính trên 200mm; 263 km tuyến ống cấp II đường kính từ 100 - <200mm và 3.021km tuyến ống cấp III đường kính <100mm. Với năng lực cấp nước hiện tại, Công ty Cấp nước Đà Nẵng cho rằng đủ khả năng cung cấp nước sạch cho sản xuất và sinh hoạt của thành phố đến năm 2020!

Điều nghịch lý ở đây là nơi cần phục vụ lại không đáp ứng do chưa có hạ tầng, nơi có hạ tầng cấp nước thì không yêu cầu phục vụ. Hoặc đã đầu tư như phường Hòa Xuân nhưng chỉ vài năm sau sẽ phá dỡ vì phải giải tỏa xây dựng đô thị mới. Thực tế cho thấy, với một mạng lưới phân phối nước sạch dài đến 3.546km và là hạ tầng của một đô thị loại I, nhưng hiện tại chưa có Quy hoạch tổng thể về cấp nước thành phố Đà Nẵng được phê duyệt.

Thất thoát nước mỗi ngày tương đương với công suất Nhà máy nước Sân bay Đà Nẵng

Tình trạng đấu nối sử dụng nước trái phép thường xảy ra ở các khu dân cư mới.

Công ty Cấp nước Đà Nẵng hiện có 3 nhà máy sản xuất nước gồm: Nhà máy nước Cầu Đỏ công suất 120.000 m3/ngày đêm; Nhà máy nước Sân bay Đà Nẵng công suất 30.000 m3/ngày đêm; Nhà máy nước Sơn Trà công suất 5.000 m3/ngày đêm. Ở Nhà máy nước Cầu Đỏ, Công ty Cấp nước hiện đang duy trì khai thác với mức 90-100.000 m3/ngày đêm.

Nhà máy nước Sân bay Đà Nẵng công suất 30.000 m3/ngày đêm, nhưng có thời điểm nâng công suất lên 40.000 m3/ngày đêm và Nhà máy nước Sơn Trà 5.000 m3/ngày đêm. Thế nhưng, tình trạng thất thoát nước vẫn đang diễn ra. Nếu năm 2000, tỷ lệ thất thoát nước là 50,6%, sau gần 8 năm, thất thoát nước vào thời điểm tháng 7-2008 trung bình là 36,5%. Nếu xác định đây là mức thất thoát chính xác thì chẳng khác gì hằng ngày Công ty Cấp nước Đà Nẵng đã bơm gần 40.000 m3 nước vào… lòng đất, tương ứng với hoạt động của Nhà máy cấp nước Sân bay Đà Nẵng?!

Vậy thì nguyên nhân từ đâu? Công ty Cấp nước đã chỉ ra nhiều nguyên nhân như do thi công hạ tầng khác làm xì vỡ đường ống; thất thoát ở các dự án tái định cư mới do tự tiện đấu nối sử dụng… Tuy nhiên, trong buổi làm việc với Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố vào đầu tháng 9-2008, Công ty Cấp nước cho rằng, thất thoát nước hiện nay có tỷ lệ cao xấp xỉ 40% thuộc khu vực trung tâm thành phố như Hải Châu, Thanh Khê. Khu vực này còn đang sử dụng đường ống dẫn trước năm 1975, ngoài ra còn có hạ tầng đường ống nhựa đầu tư trong thời kỳ bao cấp. Các tuyến ống này chủ yếu là nhựa tái sinh, chất lượng kém.

Thế nhưng, Công ty Cấp nước cũng cho biết mạng truyền dẫn cấp nước đang được tạo ra một mạch vòng. Tức là nếu xác định có vị trí nước thất thoát trên đường ống có thể cô lập được ngay và đầu tư thay thế. Song nước sạch vẫn thất thoát mà tỷ lệ khống chế cứ mãi ở mức cao.

Lãnh đạo Công ty Cấp nước nói: “Chúng tôi chưa được tự chủ về tài chính, mà việc đầu tư phát triển thì phụ thuộc vào ngân sách cấp”.      

TRIỆU NAM PHƯƠNG     
                             

;
.
.
.
.
.