.
NGHỊCH LÝ CẤP NƯỚC:

Bài 2: Nghịch lý chiếc đồng hồ và chuyện… tăng giá nước

.

Các ngành dịch vụ luôn có những thiết bị đầu cuối phục vụ khách hàng. Ở thời điểm này, nhiều ngành dịch vụ đã cắt bỏ hoặc thay đổi phương thức thanh toán. Lĩnh vực viễn thông, nhà cung cấp hầu như cho không các thiết bị đầu cuối, kể cả công lắp đặt. Ngành Điện lực đưa vào giá thành của chiếc đồng hồ. 

        >>>
Bài 1: “Khát” nước sạch bên cạnh nhà máy

Nhưng đối với chiếc đồng hồ nước đang được thanh toán giá với ít nhất 5 điều mục hướng dẫn từ Trung ương đến địa phương.

Nghịch lý chiếc đồng hồ nước

Gắn đồng hồ đo thể tích nước sử dụng đang chịu nhiều khoản thu và thuế nhân công lắp đặt.

Theo Công ty Cấp nước Đà Nẵng cung cấp, giá lắp đặt chiếc đồng hồ dựa trên đơn giá vật liệu (Sở Tài chính); đơn giá nhân công và máy thi công (Đơn giá của UBND thành phố); điều chỉnh chi phí giá nhân công, máy thi công (Thông tư 03/2008 của Bộ Xây dựng); chi phí khảo sát, lập bản vẽ, dự toán, photo, in ấn (Văn bản của Bộ Xây dựng); lệ phí giao thông và chi phí hoàn trả mặt bằng (Công ty Quản lý và sửa chữa công trình giao thông Đà Nẵng)…

Để hạch toán chi phí giá mỗi đồng hồ nước lắp đặt cho khách hàng với mức 1 triệu đồng, Công ty Cấp nước cho rằng đã cố giảm phân nửa đơn giá nhân công, 0,2 lần đơn giá đào đất và “tha” cho khách hàng khoản chi phí vận chuyển chiếc đồng hồ từ công ty đến nơi lắp đặt?!

Tóm lại, khách hàng sử dụng nước phải trả quá nhiều chi phí cho mỗi thiết bị đầu cuối là chiếc đồng hồ nước. Riêng về thuế đã chịu hai khoản là thuế giá trị gia tăng về vật liệu (đương nhiên), nhưng gút mắc ở đây là thuế xây lắp. Nhiều khách hàng sử dụng nước cho biết, “vì có nhu cầu sử dụng nước nên trả chi phí gắn đồng hồ, nhưng chúng tôi tức lắm. Một gia đình đâu phải sử dụng mỗi dịch vụ cấp nước.
 
Một chiếc ti vi giá trị lên đến hàng chục triệu đồng, ngoài thuế giá trị gia tăng thì được vận chuyển, lắp đặt… miễn phí. Dịch vụ điện thoại, Internet… cũng có giá trị cao hơn chiếc đồng hồ nước. Hàng loạt các ngành nghề dịch vụ có thực hiện lắp đặt thiết bị đầu cuối có tính thuế xây lắp đâu?”. Phải chăng, ngành Cấp nước đã quá cứng nhắc trong việc thực hiện các văn bản pháp luật kinh doanh.
 
Thực tế cho thấy, Công ty Cấp nước đã chuyển công việc lắp đồng hồ nước sang một đơn vị xí nghiệp xây lắp trực thuộc thực hiện, mà lẽ ra DN này phải có bộ phận phát triển kinh doanh, chăm sóc khách hàng thực hiện. Từ đây, chiếc đồng hồ nước có giá trị thấp, mua bán lẻ trở nên thuế chồng thuế và phát sinh nhiều chi phí khác.

Giá nước: Tăng hay không tăng?

Giá nước sinh hoạt hiện đang áp dụng theo Quyết định số 207/2004/QĐ-UBND ngày 25-12-2004 của UBND thành phố. Cụ thể, giá nước sinh hoạt áp dụng mức thu 2.642,86 đồng/m3 và thuế giá trị gia tăng. Mức giá này được diễn giải rằng “rẻ hơn nước sông”, bởi với 1.000 lít nước (m3) chuyển đến tận nhà có khi xa trên 30km (xét trên bán kính địa giới thành phố) chỉ có giá 2.700 đồng. Theo phân tích của Công ty Cấp nước, chỉ số sử dụng nước trên mỗi hộ gia đình dao động bình quân 22 m3/tháng, tương ứng với giá thanh toán 60.720 đồng. Rõ ràng, dù là “sản phẩm” tiêu dùng thiết yếu nhưng chi phí cho nước sinh hoạt chẳng bõ bèn gì so với chi tiêu khác như điện thoại, điện sinh hoạt, phí truyền hình cáp…

Giá nước thấp, thất thoát nước lớn, nguyên vật liệu tăng cùng các chi phí khác đã làm cho Công ty Cấp nước Đà Nẵng hiện thu không đủ bù chi phí. Tính toán của Công ty Cấp nước cho rằng, để đắp đủ chi phí, mỗi năm phải tăng giá nước từ 10-13%, sau 3 năm cần tăng 35%. Nếu theo đà này sau gần 9 năm, giá nước sẽ tăng gấp 2 lần. Đầu năm 2008, Công ty Cấp nước có đề nghị UBND thành phố tăng giá nước sinh hoạt lên 35%.

Trong điều kiện kinh tế lạm phát, nước sinh hoạt được Chính phủ xác định là 1 trong 10 sản phẩm không tăng giá, việc tăng giá nước đang còn bỏ ngỏ, nhưng vấn đề tăng hay không tăng sau khi Chính phủ gỡ bỏ các biện pháp kiềm chế lạm phát thì cũng cần suy ngẫm về đơn giá cấp nước như hiện nay, khi mà các nhóm hàng hóa phục vụ sinh hoạt thường nhật đã xác lập một mặt bằng giá mới.

Nghịch lý về giá nước là xâu chuỗi nhiều nguyên nhân, nhưng có thể thấy rõ, đó là thiếu quy hoạch tổng thể, phân kỳ quy hoạch và các chiến lược đầu tư phát triển. Một mặt bằng giá nước sinh hoạt ban đầu thấp làm cho việc bù lỗ ngân sách ngày càng thêm tăng. Điều chỉnh tăng giá nước là tác động đến đời sống xã hội, đến nền kinh tế. Ngược lại, chấp nhận mức giá như hiện tại, ngân sách phải bù lỗ và an sinh, phúc lợi của cộng đồng cũng ảnh hưởng theo.

TRIỆU NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.