Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm tiên liệu những tiêu cực nảy sinh trong đội ngũ cán bộ có chức có quyền. Trong lúc phải lo đối phó với thù trong, giặc ngoài sau khi nước nhà vừa giành được độc lập, Bác vẫn dành nhiều tâm huyết để giáo dục cán bộ, đảng viên và chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm cần phải ngăn ngừa, chấn chỉnh.
Ngày 17-10-1945, Bác đã viết thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng, chỉ rõ 6 “căn bệnh” trong cán bộ, đảng viên. Bác viết:
“Tôi vẫn biết trong các bạn có nhiều người làm theo đúng chương trình của Chính phủ và rất được lòng dân. Song cũng có nhiều người phạm những lầm lỗi rất nặng nề. Những lầm lỗi chính là:
1- Trái phép - vì tư thù, tư oán mà bắt bớ và tịch thu làm dân oán thán.
2- Cậy thế - cậy thế mình trong Ban này, Ban nọ rồi ngang tàng, phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân chứ không phải để cậy thế với dân.
3- Hủ hóa - ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra? Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông Ủy viên đi xe hơi, rồi bà Ủy viên, cho đến các cô, các cậu Ủy viên cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi hao phí đó ai phải chịu?
4- Tư túng - kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình không tài năng gì cũng kéo vào chức này, chức nọ. Người có tài, có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai.
5- Chia rẽ - bênh vực lớp này, chống lại lớp khác, không biết làm cho các tầng lớp nhân nhượng lẫn nhau, hòa thuận với nhau...
6- Kiêu ngạo – tưởng mình ở trong Cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng”. Không biết rằng thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến uy tín của Chính phủ.
Với thái độ hết sức nghiêm khắc, rạch ròi, Bác khẳng định: “Những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu, phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và nhân dân, tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”. Mặt khác, Bác ân cần căn dặn nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng từ phẩm chất, năng lực đến thái độ tiếp xúc với nhân dân.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết tháng 10-1947, Bác nhấn mạnh: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ cộng sản mà ta được họ yêu mến...”. Đối với những cán bộ có sai lầm khuyết điểm thì Bác nêu “một không sợ”, đó là “không sợ có sai lầm, khuyết điểm”, và “hai sợ”: Sợ thứ nhất là “không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm khuyết điểm...”.
Sợ thứ hai là “sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm khuyết điểm”. Theo Bác, “Trừ những người cố ý phá hoại, ngoài ra không ai cố ý sai lầm. Sai lầm là vì không hiểu, không biết. Vì vậy, đối với cán bộ bị sai lầm, ta quyết không nên nhìn nhận rằng họ muốn như thế... Sự sửa đổi khuyết điểm một phần, cố nhiên là trách nhiệm của cán bộ đó, nhưng một phần cũng là trách nhiệm của người lãnh đạo”.
Quan điểm của Bác đối với người phạm sai lầm là đầy khoan dung, nhân đạo mà cũng rất nghiêm minh, kiên quyết: “Sửa chữa sai lầm, cố nhiên dùng cách giải thích, thuyết phục, cảm hóa. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng...”.
Trong công tác xét xử, Bác nhắc nhở “Không vì công mà quên lỗi - không vì lỗi mà quên công”, lấy thuyết phục giáo dục làm đầu, nhưng phải có kỷ luật công minh, nghiêm túc... Phải phân tích rõ ràng về sai lầm khuyết điểm, phải xem xét kỹ lưỡng việc nặng hay nhẹ để xử phạt cho đúng...
Ngày nay, đọc lại tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” và bức thư chỉ ra 6 “căn bệnh” trong cán bộ, đảng viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cách đây đã hơn 60 năm, chúng ta thấy những lời dạy bảo của Người vẫn còn nguyên tính thời sự. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự kiểm tra lại mình xem đã thực hiện đúng lời Bác dạy chưa, xem mình có phải là người phục vụ nhân dân hay đã hóa thành “quan cách mạng”?
LÝ TỰ AN
.
.
Nhớ lời Bác dạy khi mới giành độc lập
Thứ Hai, 01/09/2008, 10:14 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.