.

Nhớ những ngày đầu giành độc lập

.

Hồi nhà văn Võ Quảng còn sống, có lần, khi nghe nhắc đến không khí sau ngày giành được độc lập tại Đà Nẵng, nhà văn Võ Quảng đã không giấu được niềm vui, dẫu thời gian đã lùi xa hàng nửa thế kỷ: Sau những ngày được giải phóng, người dân Đà Nẵng từ giàu đến nghèo, từ sang đến hèn, tất cả đều vui mừng được thấy đất nước được tự do, độc lập, được thoát khỏi vòng nô lệ, tiếng cười đùa vang lên trên nhiều đường phố...

1- Mừng ngày độc lập

Hội truyền bá Quốc ngữ huyện Hòa Vang – Đà Nẵng năm 1945.

Ông Hoàng Bưu - người từng trong Ban vận động cướp chính quyền thôn Bình Thái (nay thuộc Hòa Thọ Đông) nhớ lại: “Ngày 2 tháng 9 năm ấy, lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình thì nhân dân các làng thuộc Hòa Thọ hiện nay nhà nào cũng treo cờ đỏ sao vàng còn mới tinh khôi trước cổng nhà. Bà con chào hỏi nhau theo kiểu mới, gọi nhau là “đồng chí”.

Nhiều người đã làm thơ ca ngợi Đảng, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoặc mô tả khí thế cướp chính quyền trời long đất lở vừa qua. Tôi nhớ ông Văn Phán làm bài thơ “Đoạt chính quyền tức sự”, ông Ngô Bách Bộ làm bài “Thuận nghịch độc vịnh quốc kỳ”... Nhân ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, ta tổ chức một cuộc mít-tinh lớn tại núi đất Phong Lệ, hàng ngàn người dân ở các thôn như: Cẩm Lệ, Bình Thái, Cẩm Hòa, Phong Hòa, Yến Bắc... tưng bừng kéo đi dự lễ. Nam nữ các thôn dàn thành hàng, đi theo tiếng trống giong cờ vẫy vô cùng khí thế!”.

2- Những âm điệu đẹp

Hồi nhà văn Võ Quảng còn sống, có lần, tôi đề cập đến không khí sau ngày giành được độc lập tại Đà Nẵng, nhà văn Võ Quảng đã không giấu được niềm vui, dẫu thời gian đã lùi xa hàng nửa thế kỷ. Ông nói: “Sau những ngày được giải phóng, người dân Đà Nẵng từ giàu đến nghèo, từ sang đến hèn, tất cả đều vui mừng được thấy đất nước được tự do, độc lập, được thoát khỏi vòng nô lệ, tiếng cười đùa vang lên trên nhiều đường phố! Vui nhất là anh em tổ chức diễn kịch, diễn tuồng phục vụ nhân dân, nhất là vở hài kịch “Thằng Tây đoan bắt rượu”, ai nấy cũng cười bò lăn, bò càng!”.
 
Với nhà báo lão thành Đoàn Bá Từ thì những ngày đầu nước nhà độc lập, với ông bao giờ cũng là kỷ niệm đẹp. Bởi sau khi giành độc lập ít lâu, ông tổ chức kết hôn với cô Nhung Bé (vợ ông hiện nay). Ông Từ là Chủ nhiệm Việt Minh thành Thái Phiên kiêm Trưởng ty Thông tin tuyên truyền (trụ sở đặt tại Sở Địa chất khoáng sản của Pháp, tức Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố hiện nay), một bộ phận làm nên sinh khí của “đời sống mới” tại Đà Nẵng lúc bấy giờ. Đội tuyên truyền thuộc Ty Thông tin tuyên truyền gồm toàn những nhân vật tên tuổi như:

Phan Quang Định, Tế Hanh, Nguyễn Văn Bổng, Phan Huỳnh Điểu, Văn Cận, họa sĩ Đào Thế, họa sĩ Dương Ái Kiệt… Nhà báo Đoàn Bá Từ nhớ lại: “Buổi sáng, cứ bắt đầu từ 5 giờ sáng, tiếng loa vang lên lời kêu gọi đồng bào tập thể dục. Không nhớ ai đó đã sáng tác lời bài hát này: “Sáng rồi, sáng rồi anh em ơi/ Chim hót vang đầy trời/ Mau dậy, mau dậy, anh em ơi/ Ca bài sáng ngời”. Người dân cứ nghe lời hát mà lâng lâng hút vào một ngày mới. Cuộc sống cứ thôi thúc với những âm điệu đẹp, thật rộn ràng!”. Ty Thông tin tuyên truyền của thành phố còn lập thêm “Đội tuyên truyền xung phong thành Thái Phiên” do đồng chí Nguyễn Thành (tức Nguyễn Nhĩ) phụ trách, đội này đã đến các khu Đông, khu Tây, khu Nam để tuyên truyền chủ trương, chính sách, đường lối của cách mạng và diễn văn nghệ phục vụ nhân dân, tạo nên sự vui tươi, phấn chấn chưa từng có trước đó.

3- Chia lại ruộng đất

Sau tháng Tám năm 1945, một chính sách hết sức tiến bộ của Đảng đã làm “đổi đời” cho những phận người lầm than, đó là việc phân chia ruộng đất. Theo ông Lâm Quang Thự - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời Hòa Vang năm 1945 thì: “Trước Cách mạng Tháng Tám, tôi thường quan hệ với anh Trần Kiêm Lý - Tri huyện Hòa Vang nên anh Lý đã cung cấp cho tôi một danh sách các tổng, các xã trong huyện, ghi rõ số dân, số ruộng đất công và tư ở mỗi xã. Đó là những tài liệu rất cần thiết cho việc tiến hành xây dựng chính quyền, chia lại công điền, tiến hành hợp xã sau này…
 
Sau ngày giành chính quyền, chúng tôi tiến hành chia lại công điền, công thổ cho dân bất kể nam nữ, từ 18 tuổi trở lên đều được bốc thăm chia ruộng để canh tác, không kể ruộng tốt hay xấu, gần hay xa. Tuy nhiên, đối với những gia đình địa chủ, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời Hòa Vang cũng có những chính sách linh hoạt”. Theo cụ Nguyễn Quang Cân ở làng Hòa An (nay thuộc phường Hòa Phát) thì: “Những gia đình địa chủ, phú nông trong khi chờ Chính phủ ban hành chính sách ruộng đất mới, ta không tịch thu ruộng đất của họ mà vận động hiến một phần để chia cho dân nghèo. Vì vậy, sau này rất nhiều địa chủ, phú nông của Hòa Vang đã một lòng theo cách mạng, rất nhiều người trong số họ đã hiến cho cách mạng hàng trăm ang lúa!”.

4- Thả bè giặc dốt

Cùng với việc xây dựng đời sống mới, ngay sau ngày Quốc khánh, nhân dân Hòa Vang hưởng ứng nhiệt liệt những chủ trương “diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Mai Tấn Cơ, người được mệnh danh là “Tỷ phú đầm lầy” hiện nay ở tại Hòa Hiệp Nam kể lại: Lúc bấy giờ, hưởng ứng phong trào “diệt giặc đói”, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời xã Tân Hiệp (tức Hòa Hiệp sau này) đã kêu gọi nhân dân tăng gia sản xuất, không bỏ ruộng hoang với câu khẩu hiệu “Tấc đất tấc vàng”. Người dân có ruộng thì hăng hái tăng gia sản xuất và trích trí một phần nộp thuế cho Nhà nước.

Ông Cơ nhớ nhất là phong trào “thả bè dốt”. Hưởng ứng phong trào “diệt giặc dốt”, Tân Hiệp nhanh chóng phục hồi các lớp bình dân học vụ trước đó, người biết chữ dạy cho người chưa  biết, cha dạy cho con, vợ dạy cho chồng, anh dạy cho em...  Để tạo khí thế cho phong trào, xã đã tổ chức một buổi “lễ tống giặc dốt” rất hào hứng.
 
Hôm ấy, mọi người dân tập trung tại làng Xuân Thiều, với đầy đủ trống cờ, bà con làm một chiếc bè, rồi thả trôi ra biển để hy vọng cái dốt từ đây vĩnh viễn mất đi. Đêm đêm, dẫu qua một ngày lao động mệt nhọc nhưng mọi người vẫn xúm quanh ngọn đèn dầu để đọc: “O tròn như quả trứng gà...”, để hôm sau các mẹ, các chị khỏi phải vào “chợ dốt”, các anh thanh niên khỏi thẹn với bạn bè vì không đọc được một câu khẩu hiệu bên đường. Không khí học tập vào những ngày đầu cách mạng có một sức lan truyền thật lạ kỳ.

63 năm trôi qua, những ngày đầu giành độc lập, dường như vẫn còn thật nguyên vẹn trong từng mảng ký ức của thế hệ cha anh. Ông Đoàn Bá Từ thật có lý, khi cứ nhớ mãi, thuộc mãi giai điệu rộn ràng, hút người dân vào một ngày mới  “Sáng rồi, sáng rồi anh em ơi/ Chim hót vang đầy trời/ Mau dậy, mau dậy, anh em ơi/ Ca bài sáng ngời”. Cảm hứng và ký ức thiêng liêng từ những ngày độc lập đã giúp cho người dân có được sức mạnh phi thường để bước tiếp những chặng đường đầy gian truân ngay sau những ngày đất nước được khai sinh.

LƯU HOÀNG GIANG

;
.
.
.
.
.