Cơn lốc đô thị hóa đang biến hàng trăm ha đất lúa, đất màu ở Ngũ Hành Sơn thành khu dân cư và các dự án có vốn đầu tư nước ngoài… Nông dân sẽ làm gì khi đất canh tác không còn?
Khu vực trồng rau của gia đình ông Mít liệu còn sản xuất được mấy vụ? |
Chỉ sang khu dân cư mới đối diện, ông cho hay: nơi đó mấy năm trước trồng lúa tốt lắm. Với cơn lốc đô thị hóa như hiện nay, chẳng mấy chốc khu vực trồng rau bên này cũng như thế cả. Là nông dân, không có đất sản xuất chẳng biết làm gì để sinh sống. Nhìn cảnh các hộ có đất lúa giải tỏa mà lo. Tờ mờ sáng vợ chồng họ đã chở nhau ra phố làm thợ hồ, tối mịt mới về.
Con cái, đứa nào đứa nấy tự lo. Có thời gian, họ nghỉ cả tuần. Hỏi ra mới hay, làm thợ hồ cũng thất thường lắm, xây xong nhà, chủ ký hợp đồng công trình khác mới có việc. Tại Hòa Hải này, đa số hộ nông dân nhận tiền đền bù trên dưới trăm triệu đồng chứ không ít. Thế mà, có tiền ai cũng lo xây nhà, sắm xe, thanh toán nợ nần, nay không có việc làm lâm vào cảnh túng thiếu. Nhìn cảnh đó, tôi chỉ ước khu trồng rau này đừng giải tỏa.
Về các vùng sản xuất nông nghiệp ở Ngũ Hành Sơn, đến đâu cũng gặp nỗi niềm như ông Mít. Khu vực vốn bình yên như Hòa Quý, đất canh tác lúa cũng đã bị san lấp xây khu dân cư, hàng trăm nông dân lâm vào cảnh không việc làm. Hộ bà Phùng Thị Hồ, ở tổ 13 Bá Tùng có 8 sào đất lúa, 4 sào đất màu đã yên vị dưới nền khu dân cư đang xây dựng. Con gái bà, chị Phạm Thị Nga, rất lo lắng trước tình cảnh ruộng vườn không còn, chưa tìm ra việc làm ổn định. Chị cho biết, mỗi sào đất lúa đền bù 18 triệu đồng. Toàn bộ diện tích giải tỏa cũng trên 100 triệu.
Số tiền đó dùng sửa sang nhà cửa, mua sắm trang bị gia đình và trả nợ gần hết. Nay suốt ngày quanh quẩn, không có thu nhập mới thấy lo. Tình trạng này kéo dài, chẳng biết sinh sống ra sao. Hỏi chị sao không gia nhập đội quân thợ hồ? Chị cho hay: “Sức khỏe như tôi chỉ làm ruộng chứ thợ hồ sao nổi. Đang chờ Nhà nước có dự án tạo việc làm cho bà con vùng giải tỏa”. Ông Nguyễn Nam, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Hòa Quý 2 cho hay: Diện tích đất nông nghiệp chuyển sang quá trình đô thị hóa ở Hòa Quý mới chỉ 30ha, trong đó đất lúa mất 10ha, thế mà nhiều người đã thấy nan giải về việc làm. Nay mai, còn nhiều dự án khác được triển khai, hàng trăm hộ mất đất canh tác còn nan giải hơn.
Cơn lốc đô thị hóa đang tiến về các cánh đồng trồng lúa, bắp, rau màu ở Ngũ Hành Sơn. Chẳng bao lâu nữa, vùng trồng rau Đa Mặn, vùng trồng lúa ở Bình Kỳ, Khuê Đông sẽ không còn. Nông dân sẽ nhận tiền đền bù và sẽ trở thành thị dân. Điều họ trăn trở nhất là làm gì khi đất canh tác không còn? Không lẽ mọi người mọi nhà đều chuyển sang buôn bán.
Mà buôn bán cho ai khi sức mua ở vùng này quá thấp. Từ thực tế nêu trên, song song với quá trình đô thị hóa, vấn đề không thể không tính đến đó là việc làm cho nông dân. Kèm theo đó, thành phố và cơ quan chức năng cần có lộ trình về thu hồi đất nông nghiệp, hạn chế thấp nhất dự án treo, đất canh tác bị bỏ hoang hóa nhiều năm. Hơn nữa, đô thị hóa nhưng không thể xóa trắng nông nghiệp ở Ngũ Hành Sơn. Và như vậy, việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp có tính ổn định bền vững, được đầu tư cơ bản, tạo thành các vùng sản xuất chuyên canh là vô cùng cần thiết.
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU