Sửa xe, sửa đồ điện, zippo... không còn là “nghề độc” của các ông, khi ngày càng có nhiều phụ nữ bỏ việc “gánh gạo nuôi chồng” mà chuyển sang sửa đồ cho “mấy ông biết tay”.
Theo lời của giới sửa đồ dùng, hiện thành phố có khoảng 10 phụ nữ hành nghề sửa chữa. Trong đó, đường Hùng Vương là nơi tập hợp nhiều nhất (khoảng 5 người), còn lại chia đều cho các con đường Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Điện Biên Phủ.
“Đàn ông làm được, mình cũng làm được chớ!”
Phụ nữ sửa zippo được coi là “hàng độc” ở Đà Nẵng. |
Ngồi xem chị Thuận, chị Liễu vặn từng con vít, hàn, nối dây điện, hoặc xem chị Nguyễn Thị Thảo (sửa xe góc ngã tư Triệu Nữ Vương – Hùng Vương) nâng bánh xe, vá lốp, vô dầu mỡ, tăng “sên”... với kềm, tuốc-nơ-vít, búa, khách hàng liền bỏ ngay cái nhìn ái ngại, nghi ngờ ban đầu. “Tôi tới sửa đồ đây hoài, chị ni sửa ngon lành lắm!”, bác Lê Hữu Thơ (phường An Khê, quận Thanh Khê), khách hàng quen của chị Thuận nhận xét.
Theo chị Liễu, khách hàng lạ ít người dám giao phó đồ đạc của mình cho phụ nữ sửa: “Nhiều khi họ ghé lại rồi bỏ đi luôn vì sợ mình sửa không được. Nhưng ở Đà Nẵng đâu có mấy chỗ sửa zippo, rứa là họ phải quay lại. Thấy tui làm họ mới tin, và giới thiệu người khác tới”. Tự nhận mình là những người “làm dâu trăm họ”, nên hễ được khách hàng tín nhiệm, giới thiệu bạn bè tới sửa, họ lại thấy vui mà gắn bó mãi với nghề.
Người này chỉ người kia, “tiếng lành đồn xa”, dân Hội An, Tam Kỳ cũng lặn lội tìm tới. Khách hàng rảnh rảnh cũng ghé qua chơi, nói đôi câu chuyện phiếm, nên dù ngồi thầm lặng ở những góc phố, các chị cũng chẳng bao giờ thấy buồn, chẳng thấy tủi vì nghĩ thân mình cơ cực.
Kiếm tiền nuôi con, mưa nắng rồi cũng qua!
Tiếng lành đồn xa, người này chỉ người kia, nên điểm sửa hàng của chị Thuận lúc nào cũng có khách. |
“Tay phụ nữ thường mềm mại, còn tay tui cứng ngắc vì cứ phải báy, đục 10 năm nay, nhưng có tiền nuôi con thì răng cũng được”. Trong năm, ngoại trừ những việc cần kíp, dịp giỗ chạp quan trọng, hoặc bão bùng dữ dội, họ mới xếp đồ lề tạm nghỉ. Ngày lễ, chủ nhật đối với họ là xa hoa: “Nghỉ thì ai cho mình tiền, mà vẫn phải tốn tiền ăn uống, nên thôi ráng làm”, chị Thảo nói. Chị Thuận thêm vào: “Con cái ăn học, đủ thứ tiền, nghỉ ngày nào là khổ ngày đó”. Lăn lộn ngoài đường cả ngày, không chăm sóc cho con được, nhưng niềm an ủi của họ là “mấy đứa nhỏ tự chăm nhau, lại ngoan và lo học nên tụi tôi thấy yên tâm lo làm kiếm tiền”.
Ai thấy phụ nữ làm nghề “đàn ông” cũng cười, cũng bảo “kỳ kỳ, ngộ ngộ”, nhưng theo các chị, đó là cách kiếm sống an toàn nhất, vì không phải sợ hàng thiu hay lỗ lã, cũng không cần đồng vốn to. Cứ sáng đẩy đi, tối dọn về, đủ lo cho gia đình cuộc sống bình thường nhất.
Bài và ảnh: HẰNG VANG