.

Sớm nay Đà Nẵng

.

Trong tâm tưởng của tôi, sau năm 1975, Đà Nẵng là quân cảng đầy chiến cụ. Mỏi mệt, bẩn thỉu và chật chội. Bao năm qua tôi vẫn nhớ về hình ảnh một người lính thất trận, quần áo rằn ri, loang lổ, nhem nhuốc bụi đường, chống khẩu A.R 15 quỵ xuống bên bờ sông Hàn, ngóng ra biển.

Năm 1986, nhân chuyến công tác, lần đầu tiên tôi quay lại Đà Nẵng. Tôi ghé vào thăm má Hơn. Bà vẫn hay cười, rất tươi. Tôi cũng thăm lại Hường, Cô hàng xóm mà tôi lấy ra từ nguyên mẫu, xây dựng nhân vật Hương, trong truyện ngắn Lỡ Chuyến (in trên báo Văn Nghệ vừa qua). Tối ấy má Hơn hì hụi nấu cơm đãi thằng cháu Hà Nội. Nhà của Phó Giám đốc Công an thành phố mà cơm thật đạm bạc. Bát canh lõng bõng, những con cá trắng nhỏ như ngón tay, ngọt nhưng tanh.

Tôi chờ Hường, làm việc ở ngành Công an, trực tận mịt tối mới về. Cô và tôi ra bến sông Hàn. Sông ì oàm đánh sóng vào con bờ lô xô đất đá... Những bóng nhà chồ chập chờn trên mặt sóng đen sì, nghiêng ngả, liêu xiêu. Sớm ra chợ Cồn. Một cái chợ rất lớn, bán rau, bắp, mỳ và ăm ắp những rổ toàn cá nhỏ. Thất nghiệp, bán tem phiếu, bốc vác, lừa đảo, xe đạp ôm, buôn thuốc tây lậu... Đường phố bẩn và chật, cây cối thưa thớt. Nắng hầm hập. Mồ hôi tanh mùi cá, mùi mắm, mùi thuốc rê, thuốc Hoa mai khen khét. Cà phê lễnh loãng, nhạt hoét mùi gạo rang cháy.

Tôi rời Đà Nẵng, lòng âm âm, bức bối.

***

Tháng 9 năm nay Hường gọi ra: “Ba mất rồi. Nhà xây mới lại rồi. Chỉ buồn, ba chưa được ở nhà mới đủ một tháng. Má bệnh đấy, anh vào Đà Nẵng thăm nhé!’’. Thế là tôi bay!

Sân bay nhỏ, thoáng và đầy nắng. Xe chạy qua vài con đường đang mở. Những hàng cây hoàng điệp mới trồng dài miên man rộ đầy hoa vàng. Tôi hoàn toàn không nhận ra đường phố cũ. Đà Nẵng lạ hoắc. Phố nối phố sáng choang, không thâm u trong trí nhớ của tôi. Sạch quá. Đi suốt cả tiếng, loanh quanh không thấy một bóng công an, vốn dày đặc như ở Hà Nội. “Thành phố không có người ăn xin quấy quả người du khách!“. Tôi cũng cố tìm, không một bóng xe đạp ôm năm nào.

Câu chuyện bắt đầu từ người đàn ông, anh ta tên là Sơn.

Lưu Thanh Sơn là người thân của Hường. Sinh năm 1962. Ba má Sơn theo cách mạng. Sơn sinh trên núi. Mẹ anh, bà Lê Thị Trinh vì thoát ly cách mạng không thể đem con theo được, gửi Sơn cho một người bà con tên là Hoàng (gọi theo tên chồng) nuôi. Bà Hoàng nuôi con Cộng sản, năm Mậu Thân bị địch phát giác, giam ở nhà lao Hội An. Sơn cũng phải theo má nuôi vào tù Hội An khi cậu 5 tuổi. Năm 72, bà Hoàng được thả. Sơn cũng được theo ra. Má Hoàng cho Sơn đi học. Ngày tới lớp, cô giáo bảo, có ai xung phong hát? Cậu giơ tay và hồn nhiên hát: “Năm qua thắng lợi vẻ vang, năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to...“. Hôm sau, má Hoàng bị địch gọi lên tra vấn vì có con hát ca khúc cách mạng. Khổ, cậu tù 10 tuổi trở về, biết đâu bài hát có chiến tuyến, cậu thuộc toàn các bài hát Cách mạng do các chú Việt Cộng dạy trong tù.

Hòa bình Sơn lớn lên. Đi học và chẳng may cả hai ba má, vì những năm tháng lưu đày đã sớm giã biệt anh ra đi. Cha Sơn, ông Lưu Thiều tức Lưu Văn Lộc, cán bộ Đảng từ kháng chiến cũ, từng là Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên, Bí thư Hội An.

Đến tuổi nghĩa vụ Sơn đi bộ đội. Giải ngũ, anh vào làm bảo vệ cho một cơ quan ngành Thủy sản, sau đó vào Hải quan và theo học Công nghệ Thông tin như bao thanh niên thường dân ở quê hương. Sơn rất mê học tin học. Anh làm cán bộ hải quan kiểm tra sau thông quan. Anh có cậu con trai 12 tuổi Lưu Duy Hòa vừa giật giải nhất Phần mềm sáng tạo toàn quốc và giải khuyến khích Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc. Sơn bảo, cả cuộc đời ba má em sống chết với Quảng Nam - Đà Nẵng. Đất nước sau cuộc chiến cực kỳ kham khổ, chưa một ngày sung sướng như hôm nay, thì cha mẹ em đều đã ra đi.

Sớm. 4h50, Sơn đưa tôi bằng Honda ra biển. Đại lộ dọc sông Hàn thẳng tắp. Cái bến xưa đất đá lổn nhổn, đất xổ ì oàm, nay lấp lánh trăm ngàn ánh điện soi bóng dải hành lang dạo mát dọc con sông cạp xi măng và lát gạch, trồng hoa dài ngút mắt. “Đây là cầu quay Sông Hàn”, Sơn khoe, cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam. Cây cầu vững chãi, bề thế, giữa có cái tháp quay vươn qua sông Hàn, nối Phố với bờ biển. Trước mắt tôi, đại lộ thẳng tắp đổ òa ra một bãi cát trắng mịn chạy dài dọc biển. Biển thăm thẳm, bãi cát cũng dài tít tắp ngoài tầm mắt, chẳng biết đâu là khởi đầu đâu là kết thúc. Sớm chưa tỏ mặt người, hàng ngàn người dân Đà Nẵng đang nườm nượp qua cầu ra biển chạy, tắm, chơi và dưỡng sinh. Chính nơi đây, năm 75 tôi nhìn ra khơi, pháo hạm chạy xả dầu loang biển. Những bãi lau ngút ngát, những ngôi nhà chồ dọc sông, những khu nhà xóm tạm lợp lá lụp xụp, nơi trú ngụ đủ hạng người tứ xứ, lặn ngụp trong thành phố quân sự nhan nhản lính trận.

5 h. Mặt trời còn khuất sau những áng mây xa lắm ngoài khơi. Những đoàn tàu đánh cá chi chít từ chân khơi xa về. Về đâu, những bãi bến đẹp nổi tiếng: Suối Đá, Bãi Bụt, Bãi Rạng, Bãi Bắc, Bãi Nồm…?

5h 2 phút, Những tia nắng đầu tiên chọc thủng mây, nhuộm lên biển một màu tơ hồng thắm, biển ngời lên bất ngờ, óng ánh. Cát trắng phau dưới chân tôi mịn và óng ánh. Biển, thành phố, bãi tắm trong bình minh Đà Nẵng tỏ dần lên.

Trên sảnh lớn nhất cạnh bãi biển, quay mặt với đại dương rộng lớn, bức tượng Mẹ Âu Cơ như một biểu tượng của sự gắn bó giữa nghệ thuật với thiên nhiên, con người với vũ trụ. Trong nắng ban mai từ mãi xa tít chiếu vào, bộ ngực người mẹ căng tròn chợt hồng lên cạnh một bọc trứng như cũng rực hồng chờ đến ngày sinh nở. Dáng vóc người phụ nữ vững chãi đầy sức sống, ngẩng cao đầu vừa thanh thoát vừa kiêu hãnh.

Thành phố Đà Nẵng hiện ra rõ dần, rồi bừng lên rực rỡ. Những nhà cao tầng như những búp cây đồ sộ, cường tráng đủ màu lô nhô khắp chân trời phía Tây. Tôi hiểu, trong cái khoát tay của Sơn, một đại lộ nữa sắp mở, vươn qua sông Hàn, chọc thẳng ra biển, bên sáu con đường từ thành phố tràn ra, thông thoáng bốn làn xe chạy. Thành phố còn mênh mông đất ở. Sơn chỉ cho tôi con đường rộng thênh thênh nhựa phẳng đen bóng láng nối từ đây ra Tháp Chàm, khu thánh địa Mỹ Sơn, lên Sơn Trà và xuôi về phố cổ Hội An.
 
Hơn ba mươi cây số toàn cát trắng phau, chi chít bãi tắm, khu nghỉ ngơi dưỡng sức của con người. “Ở đây, có bãi biển đắt giá cho du khách, cũng đầy bãi biển đẹp, dành cho nhân dân, mà giá chỉ ba ngàn, vừa gửi xe vừa thỏa thuê tắm nước ngọt”. Sơn đưa tôi đi thêm dăm cây số nữa. Hàng chục khu nghỉ ngơi 5 sao, với quy mô hàng trăm hec-ta bờ biển đang xây cất, kiến trúc đủ dạng từ khắp nơi trên thế giới về tụ hội. Gió biển thổi vào bờ mát thẳm, gió đựng đằm mùi mắm, mùi muối và mùi... biển xanh thăm thẳm tới vô cùng. Tôi nhìn thấy những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới: Olalani, Eden, Plasa v.v... Đêm qua cô Hường bảo, bãi Mỹ Khê của quê em, tạp chí lớn Forbes của Mỹ bình chọn là: Một trong sáu bãi biển đẹp nhất thế giới. Em nghĩ, dịch vậy chưa sát, phải dịch là: “Mỹ Khê được bình chọn là một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất thế giới.”

Trong ban mai, khuôn mặt Sơn hừng lên không giấu vẻ tự hào: “Sau việc tự lực xây cầu quay Sông Hàn, thành phố tiếp tục nâng cấp cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Trần Thị Lý, xây dựng thêm cầu Tuyên Sơn; cầu Thuận Phước sắp hoàn thành và cầu Rồng sắp khởi công; lại còn cầu Cẩm Lệ cũng quy hoạch xong. Như vậy tám dải cầu sẽ thông nối hai bờ sông Hàn, thông thống việc khai thác toàn diện, triệt để thế lợi của Đà Nẵng tiềm năng thành phố du lịch đã hiện thực”.

Ở đâu, dấu tích thành phố rặt các công trình quân sự, kho chứa chiến cụ, những hạm tàu nhăm nhăm chĩa pháo hủy diệt? Tôi cố lục lọi trí nhớ mà vô vọng.

Tôi nhớ, Đà Nẵng gần 100 năm thực dân Pháp cai trị và 30 năm Mỹ xâm lăng. Một chiếc cầu Trịnh Minh Thế. Một cầu đường sắt dùng cho quân cảng. Hóa ra thời gian đô hộ và chiến cuộc về mặt nội dung ngắn hơn, ít và nhỏ hơn hai chục năm qua, cuộc đổi đời của nhân dân Đà Nẵng trong hòa bình và đổi mới.

Trên bãi biển sớm tinh sương ấy, tôi bắt gặp hai công nhân mặc quần áo bảo hộ đang thu nhặt rác. Hỏi chuyện một cô, tên là Kim Ngân. Em bảo Kim Ngân là tiền vàng. Cô là công nhân Công ty Môi trường đô thị đã 8 năm nay. Với lương 1,2 triệu một tháng, hằng ngày cô cần mẫn thu gom rác trên bãi biển. Tám năm em thu bao nhiêu rác thải làm cho dải cát này tinh trắng? Ngân nói, nhiều người dân đã có ý thức không xả rác bừa bãi, nhưng cũng có nhiều người, nhà quán, bạ đâu vứt đấy. Chúng em làm sạch cho Đà Nẵng.

Hỡi những du khách Việt Nam tới Đà Nẵng. Hãy nghe một lần Kim Ngân nói, đừng vứt rác, đồ thải trên bãi biển này. Chúng ta cùng giữ cho bãi biển Đà Nẵng sạch trắng lung linh bên biển xanh, trở thành nơi thực sự quyến rũ cả hành tinh này để mà tự hào, mà giàu lên từ du lịch.

Chúng tôi đến bên quán Cà phê Thư viên cạnh sông Hàn. Dãy nhà Pháp cổ nằm e ấp bên sông Hàn. Đường phố sớm đìu hiu như mùa thu Hà Nội xưa. Tôi mua một tờ báo, vừa có truyện ngắn Lỡ chuyến của tôi tặng Sơn, trên quầy sách báo của một người đàn bà chừng bốn chục. Sơn khoe: “Đây là tác giả, nhà văn X.” Cô chủ sạp liếc xéo, đưa cho tôi tờ báo Văn Nghệ. “Xem chữ nghĩa thế nào mà dám chình ình trên trang nhất hỉ”. Cô cười trêu, mắt hóm hỉnh. Có lẽ, cô bán báo cũng chăm đọc văn?

Sớm. Nắng xiên qua các ô gạch bức tường rào thưa, hắt xuống thềm quán một dẻ như cái nan quạt. Những bóng cây mát rượi trùm xuống quán. “Cây trứng cá lớn nhanh lắm. Nó là cây của đám học trò’’. Sơn bảo. Tôi nhớ đêm qua, em Hồng, em ruột của Hường và là bạn gái của Sơn nói, bão Xangsane năm nào quật đổ vài chục cây cổ thụ dọc sông Hàn. Đi làm, nhìn cây muốn khóc. Nhìn cây mà muốn khóc! Cây ở thành phố biển này hiếm và quý.

Vắng khách, vài thanh niên, những cặp yêu nhau tới đây rất sớm, trước cả chúng tôi có lẽ đã lâu. Cốc cà phê chỉ còn lại chút ít đọng đáy cốc. Họ im lặng bên nhau tận hưởng không khí trong vắt, hưng hức gió lùa từ sông Hàn lên.

Cà phê đen đá Sài Gòn nhạt thênh thếch. Cà phê Hà Nội, một ly đen đá đủ chiêu dăm ngụm lớn, quấy thìa lanh canh cho những viên đá nhỏ xoáy tròn, cho thoát cái oi nồng tháng hạ. Cà phê người Đà Nẵng pha đậm đặc, sóng sánh chỉ như dính đáy cốc, không thể uống như kiểu ở Hà Nội. Phải nhâm nhi từng chút. Rất nhỏ. Rất thơm!

Nghe tôi kể về năm 75, Sơn đưa tôi đến bên bia tưởng niệm chiến sĩ biệt động Đà Nẵng cuối cùng ngã xuống. Tên anh là Dự. Liệt sĩ Nguyễn Văn Dự. Cách đây ba ba năm, vào hồi 8 h 45 phút, sớm ngày 29-3-1975, Dự ngã xuống, trong trận chiến đánh vào quân cảng Sông Hàn, giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng. Tôi yên lặng thắp ba nén hương cho anh, lòng rưng rưng. Tôi tới đây một phút tưởng niệm anh. Xin hãy an lành! Từ đây tôi nhìn, hàng vạn ngôi nhà mới mọc lên, sơn còn sáng choang, xóa đi cái vẻ u ám của thành phố mệt nhoài năm nảo năm nao sau hậu chiến và, những người lính của Ngô Quang Trưởng u sầu chống súng AR 15...

Đà Nẵng hôm nay hoàn toàn thoát xác, thoát khỏi ám ảnh của tôi bao nhiêu năm.

Buổi trưa tôi được ăn món mỳ Quảng tiễn chân do chị em cô Hường, cô Hồng thết. Món mỳ Quảng đã đi vào câu hát “Thương nhau múc bát chè xanh/ Làm tô mỳ Quảng anh xơi cho cùng“. Má Hơn nói, con ở lại đây dăm bữa nữa hỉ. Tôi cười, má có nuôi con được một tháng không. Má lại cười: Bây giờ đâu cũng không đói khổ như xưa. Con ở đây với má cả năm!

Tới tận khuya tôi lững thững một mình ra bờ biển. Sóng rào rào từng đợt, trào lên rút xuống và, tôi nhìn thấy những hạt lân tinh hằng hà sa số lấp lánh trong đám nước biển tràn từng đợt trên dải cát trong đêm. Lân tinh lấp lánh cả trên ngọn sóng bạc, biển đêm thăm thắp tít tắp tận chân trời. Tôi lắng nghe. Biển căng trào, phập phồng thở.

Tôi uống la đà và nói trong nước mắt: Đà Nẵng của má, của các em thật đẹp và vẫn hồn nhiên. Con sẽ quay lại đây năm sau.

Đà Nẵng - Hà Nội, tháng 9-2008 

NGUYỄN VĂN THỌ

 

Tác giả và 2 nữ công nhân nhặt rác trên bãi biển Đà Nẵng

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ sinh năm 1948 tại Thái Bình. Năm 1965 tham gia trực tiếp chiến đấu trên các chiến trường A, B, C. Năm 1976 giải ngũ, tốt nghiệp kỹ sư Kinh tế, công tác tại Bộ Nội thương. Năm 1988 đi hợp tác lao động tại Ðông Ðức.

Hiện tại, Nguyễn Văn Thọ định cư ở Ðức. Anh đã xuất bản một số tác phẩm như Mảnh vỡ, Cửa sổ (thơ, NXB Hội Nhà văn năm 1988- 1999), Gió lạnh (tập truyện ngắn NXB Hội Nhà văn năm 1999).

Anh là một trong ba tác giả được trao giải nhì cho truyện ngắn Cõi ảo (không có giải nhất) dành cho những truyện ngắn xuất sắc nhất trong hơn 2.000 truyện ngắn tham dự cuộc thi truyện ngắn hai năm 2001-2002 của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 2003, tập truyện ngắn Vàng xưa (NXB Hội Nhà văn ) được trao tặng thưởng của Hội Nhà văn VN.

 

;
.
.
.
.
.