.

Sống chung với lũ

.

Những năm gần đây, vào mùa mưa lũ, mỗi trận mưa có lưu lượng khoảng 100-300 mm kéo dài trong 2-3 ngày đã có thể gây lũ lụt cho các tỉnh miền Trung. Lũ lụt xuất hiện ngày càng nhiều, bản đồ lũ lụt ghi danh nhiều hơn những cơn lũ lịch sử. Người dân nhiều nơi đã chấp nhận “sống chung với lũ”, trong khi chính quyền địa phương vẫn chưa có động thái tích cực trong vấn đề này.

Sẵn sàng đón lũ

Cột mốc ghi lại các trận lũ lịch sử tại Hòa Liên, Hòa Vang, Đà Nẵng
Vài chục năm nay, khi mật độ các cơn lũ lớn ngày càng dày thì ý thức của người dân càng cao. Trận lũ năm 1999 được xem là lớn, nhưng cách năm 1964 là năm có cơn lũ lịch sử đến 35 năm. Trong khi chưa đầy 10 năm sau đã có trận lũ năm 2007, được đưa vào danh sách những cơn lũ lịch sử.

Chị Nguyễn Thị Tuyết mới dọn về quê ở với bà ngoại ở thôn Cẩm Nam 1, xã Hòa Châu, Hòa Vang được 5 năm thì chứng kiến 1 cơn bão, 1 cơn lũ trong 2 năm liên tiếp 2006-2007. Còn bà ngoại chị-bà Nguyễn Thị Sinh-83 tuổi thì được “sống chung” với 3 cơn lũ lịch sử, mới đây nhất là trận lũ năm 2007, nước vô đến nhà hơn 2m, trước đó là năm 1999. Nhưng hai cơn lũ này vẫn nhỏ hơn trận lũ năm Thìn. Bà chỉ nhớ trận lũ lịch sử của đất Quảng Nam-Đà năm Thìn (1964) làm hàng trăm người chết và mất tích. Bà kể: “Hồi đó chính quyền cũng không biết lụt to như thế để di dân, nên nhiều nhà cửa, làng mạc bị cuốn trôi. Chẳng bù cho bây giờ, thấy nước lên to là mấy người làm ở xã đã mang ghe đi đón dân”.

Chị Lâm Thị Mỹ Hạnh, ở Hòa Châu, nhà cạnh sông nên chị bảo bây giờ đã có “kinh nghiệm đầy mình” để sống cùng với lũ lụt hàng tuần liền. Đầu năm nay chị quyết định sửa nhà, làm thêm căn gác, chuẩn bị chỗ núp khi có lụt, bão. Chị tính cẩn thận những việc sẽ làm trong những ngày sắp tới: mua 1 ký đèn cầy về để sẵn, dù đã có đèn sạc điện; rồi chuẩn bị gạo, cá khô, trứng, đồ ăn cho mấy đứa nhỏ. “Còn phải mua sẵn mấy cái áo phao để đó, lỡ bận việc gì không trông được con cái, có cái áo phao cũng đỡ lo, chứ nhiều nhà để con rơi xuống nước, rồi ân hận cả đời”. Trước đó chị đã mua dầu rái về trát lại chiếc ghe. “Năm nào cũng trát ghe, chuẩn bị đón lũ vì càng ngày bão, lụt càng nhiều, càng lớn” - chị Hạnh bộc bạch.

Gia đình ông Bùi Văn Nhiều làm sẵn chuồng gà “di động”, đưa gà lên gác những khi có lũ lụt.
Người dân Hòa Châu, Hòa Xuân ở cạnh sông Cẩm Lệ, trong vùng thấp trũng nên năm nào cũng thấy cảnh lụt lội. Với những trận lũ lớn thì bao giờ vùng này cũng bị ngập đầu tiên, và bị ảnh hưởng nặng nhất, nên hầu hết bà con khi làm nhà đều đổ nền thật cao, hoặc cố làm thêm căn gác, hoặc đóng gác lửng bằng gỗ. Thu hoạch xong lúa vụ hè thu, số lúa để ăn được đưa lên gác, cất kỹ. Bao giờ thấy nước lụt thì cả nhà dời lên gác, để sẵn đồ ăn, nước uống, có thể sống được vài ngày đến 1 tuần. Chú Bùi Văn Nhiều, ở tổ 18 phường Hòa Xuân, Cẩm Lệ còn đóng sẵn 5 cái chuồng gà nhỏ, có thể xách tay, để khi lụt thì cho đàn gà vô, đưa lên gác. Nhà nào nuôi heo thì phải đóng những cái chuồng “di động” lớn.

Vùng Hòa Liên cũng là túi nước trong những trận lũ lớn. Bà Võ Thị Mễ, năm nay 80 tuổi, ở thôn Quan Nam 5, Hòa Liên, Hòa Vang kể, năm 2007 nước lũ lên cao gần 2,5m, cũng ngang ngang với mấy trận lũ năm 1998, 1999. Đến mùa mưa, nghe đài báo biết có lũ lớn là người già, trẻ con lo đi trước lên núi. Dù nhiều nhà có ghe nhưng khi lũ về, nước chảy xiết nên không thể chủ quan. Bà Mễ cũng không nhớ hết những trận lũ đã trải qua. Ngày trước bà chỉ được nghe mẹ kể về trận lũ năm Mẹo, cách đây gần cả 100 năm, lũ lớn cuốn trôi cả làng, sở dĩ mẹ bà còn sống là do mắc trên ngọn tre. Giờ cả làng có cùng một ngày giỗ là ngày 29-9 âm lịch. Sau đó, những người trong làng thuê thợ ở Bắc vào đắp nền nhà lên cao. Bây giờ nền nhà bà cao hơn mặt đất 3m, những trận lũ gần đây nước không vào nhà nữa.

Bàn biện pháp sống chung với lũ

Nền nhà bà Võ Thị Mễ cao hơn mặt đất khoảng 3 m để tránh lũ.

Trong khi người dân chuẩn bị các phương tiện để sống chung với lũ, thì các khu dân cư thường xuyên bị lũ lụt vẫn chưa được đưa vào vùng cần trợ giúp, như quy hoạch cụm tuyến dân cư, hoặc cấp phát áo phao (có thể hạn chế đối tượng là người già, trẻ em). Mùa mưa ở miền Trung khoảng 2 tháng, lũ lụt cũng chỉ kéo dài vài ngày, nhưng cường độ xuất hiện của nó ngày càng dày, thường là lũ lớn, nên vấn đề sống chung với lũ cần được quan tâm ngay từ hôm nay, để hạn chế thấp nhất những thiệt hại không đáng có.

Trong khi đó nạn phá rừng đang diễn ra khắp nơi, hàng trăm ha rừng bị phá bỏ mỗi năm. Bà Huỳnh Thị Thu Sương, chuyên viên Phòng Kỹ thuật, Sở Nông nghiệp-PTNT Đà Nẵng cho biết, hiện Đà Nẵng có 60.988 ha rừng, gồm rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng sản xuất. Mới đây UBND thành phố phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng trên, giai đoạn 2008-2020, thì diện tích rừng còn lại 57.195 ha.

Tại Hội thảo “Chung sống với lũ an toàn tại các tỉnh miền Trung” diễn ra tại Đà Nẵng trung tuần tháng 5 vừa qua, các chuyên gia đã đưa ra nhiều nguyên nhân gây ra bão, lũ cho khu vực miền Trung như xây dựng các khu công nghiệp, du lịch, khu đô thị vùng ven biển, đồi núi, đường giao thông… chưa chú trọng đúng mức đến an toàn và né tránh bão, lũ; phá vỡ các cồn cát tự nhiên ven biển, phá rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn… Tại Đà Nẵng, từ khi nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14B ở phía Tây huyện Hòa Vang thì không chỉ vùng ngập lụt mở rộng mà thời gian ngập cũng tăng gấp đôi vì thiếu cống thoát nước. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Nguyễn Công Thành trong một lần trả lời báo chí còn cho rằng các nhà máy thủy điện mới chỉ chú trọng tới hiệu quả về phát điện, chưa đưa yêu cầu phòng lũ cho hạ du như là một trong những nhiệm vụ chính của công trình. Các nhà máy khi phát điện có thể gây ra tình trạng xối sạch lòng sông và làm sạt lở bờ sông, làm thay đổi dòng chảy.

Để miền Trung có thể chung sống an toàn với bão lũ, đề án của Bộ Xây dựng đưa ra các nhóm giải pháp tổng quan, lâu dài đến năm 2015-2020. Trong đó có các giải pháp phi công trình như tuyên truyền, tập huấn kiến thức cho người dân về phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai; trồng rừng, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp. Tiến hành sắp xếp, quy hoạch lại dân cư các khu vực thường xuyên ngập lụt; xây dựng thêm các cống ngầm đi qua tuyến quốc lộ 1A và đường sắt Bắc-Nam để tăng thêm khả năng thoát lũ; kiên cố hóa các công trình xây dựng và nhà ở; xây dựng các công trình điều chỉnh dòng chảy của sông, đê điều...

Lũ, lụt không phải là ý chủ quan của con người, nhưng nghĩ cách đối phó hay sống chung với nó cũng không phải là quá muộn.

Hoàng Nhung

;
.
.
.
.
.