.
THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG:

Đấu tranh phòng chống tội phạm thực sự trở thành phong trào rộng lớn của toàn dân

.

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến trong phòng chống tội phạm giai đoạn 1998 - 2008 do Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ tổ chức ngày 16-9 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt chào mừng và biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng chống tội phạm 10 năm qua; đánh giá cao sự hy sinh, gian khổ, những nỗ lực, cố gắng và thành tích mà các lực lượng chức năng và nhân dân cả nước đã đạt được trong công tác phòng chống tội phạm.
 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: ttxvn

Nhìn lại 10 năm qua, việc triển khai công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia, đã đem lại những kết quả to lớn, có ý nghĩa chiến lược, tạo thế trận toàn dân phòng, chống tội phạm, đưa công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm tiến lên một bước mới, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, giữ vững trật tự an toàn xã hội.

Thủ tướng cho rằng, từ khi có Nghị quyết 09/CP của Chính phủ và Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm đến nay, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm đã được đẩy mạnh, đã đạt được những kết quả quan trọng, đặc biệt trong phòng chống tội phạm có tổ chức, tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, tội phạm về ma túy, tham nhũng, buôn lậu. Nhiều băng, ổ, nhóm, tổ chức tội phạm nguy hiểm đã bị triệt phá... Có được kết quả đó, trước hết là nhờ chúng ta đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và của toàn xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh: Tình hình hiện nay đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; trong đó lực lượng công an nhân dân phải là lực lượng nòng cốt bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội. Tham gia tích cực vào nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng hợp lý, bền vững.
 
Chống đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, gian lận thương mại, kinh doanh trái phép, lũng đoạn thị trường. Chống tung tin thất thiệt, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong xã hội. Chống các hành vi, hoạt động phá hoại về kinh tế, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân và làm mất an ninh trật tự xã hội, ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh, ảnh hưởng đến tiến trình xây dựng và phát triển đất nước.

Trên tinh thần này, Thủ tướng đề nghị cấp ủy và chính quyền các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tội phạm, thực hiện có hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo; chính quyền quản lý điều hành; lực lượng Công an nhân dân tham mưu hướng dẫn, nòng cốt, xung kích; các ban ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị và toàn dân tham gia thực hiện, tích cực phòng ngừa, chủ động tấn công trấn áp các loại tội phạm.

Thủ tướng chỉ đạo, các cấp uỷ chính quyền địa phương và thủ trưởng cơ quan công an phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng dung túng, bao che, tiếp tay cho tội phạm. Xây dựng lực lượng Công an nhân dân và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong sạch, vững mạnh và có trình độ chuyên môn, trình độ pháp luật vững vàng, được trang bị cần thiết, thật sự là lực lượng nòng cốt, là chỗ dựa vững chắc của nhân dân trong đấu tranh trấn áp tội phạm. Tuyên truyền, cổ vũ, tổ chức toàn xã hội tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, làm cho công tác phòng, chống tội phạm thực sự trở thành phong trào rộng lớn của toàn dân.

Sau 10 năm thực hiện trên địa bàn cả nước đã có 708 mô hình, tổ chức quần chúng hoạt động trong phong trào phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh trật tự. Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả như: “Thôn, xóm, bản, làng, khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội ở Thanh Hóa; “Hộ tự quản, số nhà tự phòng”, “Ba quản, bốn giữ” ở thành phố Hà Nội; “thanh niên tình nguyện phòng chống tội phạm ma túy”, “phường, xã, ấp, tổ dân phố không có tội phạm ẩn nấp” ở thành phố Hồ Chí Minh; “Giáo xứ, họ giáo không có tội phạm, không ma túy, không tệ nạn xã hội” ở Nam Định...

Từ năm 1999 đến nay liên tục kiềm chế được sự gia tăng của các loại tội phạm, làm giảm được một số loại tội phạm nghiêm trọng. So với năm 1998, năm 2008 giảm 20,32% số vụ phạm pháp hình sự. Đã xuất hiện hàng nghìn tấm gương dũng cảm, mưu trí, sẵn sàng hy sinh tính mạng, không tiếc máu xương trong tấn công, truy bắt tội phạm như: ông Đinh Đình Phú, cán bộ hưu trí phường Ngọc Sơn, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng; cô giáo Nguyễn Thị Loan, giáo viên trường trung học cơ sở xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; linh mục Lưu Viết Cẩn, xứ Xuân Dục, Xuân Ninh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định; ông Sùng A Cở, Trưởng Công an xã Pú Đao, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu; anh Rơ Châm Krun, Trưởng Công an xã Hà Bầu, huyện Đắc Đoa, tỉnh Gia Lai...

Nhân dịp này, nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an vì đã có thành tích xuất sắc trong phòng chống tội phạm, góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

(Theo TTXVN)

;
.
.
.
.
.