“Vứt bỏ một túi ni lông chỉ tốn 1 giây. Nhưng nếu không có sự tác động của nhiệt độ cao của ánh sáng mặt trời thì phải mất 500 năm đến 1.000 năm mới có thể phân hủy được túi ni lông”, Phòng Quản lý Môi trường, Sở Tài nguyên-Môi trường thành phố cho biết như vậy.
Xài thì dễ, nhưng hậu quả của sự phung phí túi ni lông thải ra môi trường sẽ khiến nhiều thế hệ sau lãnh đủ.
Mỗi người thải 1 túi đủ “ngập” thành phố
Cuối tháng 9-2008 Siêu thị Big C sẽ giới thiệu đến khách hàng loại túi nhựa dùng nhiều lần thay cho túi ni lông. |
Trong một ngày, mỗi bà nội trợ có thể sử dụng đến chục túi ni lông lớn nhỏ. Mua thức ăn sáng về nhà cho bốn người mất 5 bao; đi chợ mua cá, thịt, rau hết 3 bao; chưa kể những thứ khác được gói sẵn bằng ni lông.
Bà Một, bán rau tại chợ Phú Lộc nói: “Mỗi người đến mua rau có khi cần tới 3 cái bao. Lý do là họ đòi thứ nào để riêng ra thứ nấy. Nếu tôi tiết kiệm bao bằng cách dùng bao nhỏ hoặc để chung các thứ vào một bao nhiều lúc họ khó chịu”. Một chị bán xôi vỉa hè cho biết, chị vẫn thích xôi được gói trong lá chuối để giữ mùi thơm, nhưng khách hàng cứ đòi gói túi ni lông mang đi cho tiện. Hơn nữa, nếu gói lá phải dùng thêm một túi đựng… xôi và lá. Mua lá lại đắt hơn mua túi ni lông.
Giá túi ni lông (loại có tay xách, mỏng, nhiều màu thường được dùng ở chợ) từ 25.000 đồng - 30.000 đồng/kg. Mỗi kilôgram có 600 cái, tức hơn 40 đồng/cái. Túi ni lông tràn lan, giá lại không đắt đỏ nên người ta chẳng cần suy tính khi vứt bỏ hoặc lấy dùng cho một mục đích nào đó thường ngày.
Nhiều bà nội trợ không nỡ quăng hàng đống bao nên tiết kiệm bằng cách dùng đựng các loại rác khác hoặc rửa sạch mang ra chợ cho lại những người buôn bán. Tiết kiệm kiểu này rất đáng khích lệ, nhưng thực chất là thải rác ni lông dưới những dạng khác nhau.
Đốt không xong, chôn không tốt
Hiện có hai loại túi ni lông được sử dụng phổ biến. Loại không tái chế, không tái sử dụng được (các bao xách nhỏ chúng ta thường đựng xôi, rau…). Loại này phân hủy rất chậm. Loại thứ hai có khả năng tái sử dụng, được các nhà máy xay nhỏ, đóng thành hạt nhựa rồi lại tạo thành túi đựng. Bao được làm từ nhựa tái chế có giá thành cao hơn loại không tái chế. Vì thế, thị trường vẫn chuộng loại không tái chế và kết quả là phải đợi hàng ngàn năm để chúng phân hủy.
Hiện nay, biện pháp xử lý rác túi ni lông tại thành phố Đà Nẵng chỉ là… lấp đất và đợi. Đốt không đúng cách, ni lông sẽ phát thải nhiều loại khí độc, đặc biệt là chất dioxin - chất độc mà nhân loại đang tiến hành loại trừ theo công ước Stockholm về bảo vệ môi trường. Theo các nhà khoa học, trong một số loại túi ni lông có dẫn lưu huỳnh, dầu hỏa nguyên chất, khi bị đốt cháy, gặp hơi nước sẽ tạo thành khí axit sunfuric dưới dạng các cơn mưa axit rất hại đối với phổi người và động vật. Tệ hơn, túi ni lông có chứa chất clo, khi đốt sẽ tạo ra chất đioxin và axit clohidric vô cùng độc hại.
Túi ni lông còn có thể gây tắc nghẽn cống rãnh, làm phát sinh ruồi muỗi, dịch bệnh. Nằm lẫn trong đất, túi ni lông có thể làm hạn chế sự sinh trưởng của cây cỏ.
Tại Đà Nẵng, theo Phòng Quản lý môi trường, chính sách quản lý rác thải hiện nay chủ yếu tập trung giải quyết lượng rác thải phát sinh mà chưa chú tâm tới việc giảm thiểu ngay tại nguồn. Sở Tài nguyên-Môi trường đang hoàn thiện đề án “Phân loại rác thải tại nguồn”, trong đó có việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu sử dụng túi ni lông. Đây là một trong những nội dung lớn của đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”.
|
Bài và ảnh: THU HOA