.

Về Đồng Xanh, Đồng Nghệ mùa nước cạn

.

Mùa khô hạn

Đồng Xanh, Đồng Nghệ (xã Hòa Khương, Hòa Vang) chia cách bởi Khe Ngang. Từ Khe Ngang trở xuống gọi là Đồng Nghệ. Từ Khe Ngang trở lên là Đồng Xanh. Dân sinh sống ở đây xưa kia là đồng bào Cơtu, chia thành 3 bản nhỏ: bản Làng, bản Dun, bản Diệt gian. Khi xây dựng đập (1998), đồng bào Cơtu được chuyển về thôn Phú Túc (xã Hòa Phú).

Thường từ giữa tháng 9, Đồng Xanh, Đồng Nghệ vào mùa nước lũ, con đập thoát nước hoạt động hết công suất. Cả một vùng mênh mông nước lũ. Mùa đông xuân, khách du lịch phải đi bằng thuyền, canô… Nhưng năm nay, mùa nắng nóng kéo dài, nước quá cạn, đá nhỏ, thân cây khô dựng lởm chởm. Những chiếc canô, thuyền, đò… nằm trên bờ sông. Dân cư qua lại nơi đây phải đi bộ, hoặc đi đường tắt bằng xe máy. Dưới cái nắng 35°C, từ Đồng Nghệ về Đồng Xanh, chúng tôi phải mất gần 3 giờ đồng hồ đi bộ.
 
Cả khu đập khô hạn, thiếu nước, đất đai khô cằn, nứt nẻ. Những con suối còn trơ lại toàn đá. Trên những thân cây đen sẫm lâu năm bám víu vài mảnh lưới của mùa nước lớn, lác đác từng chiếc xương cá khô trắng mục giữa nắng trời. Hàng chục chiếc hố to nhỏ  nằm cách nhau vài mét, miệng hố rộng 5-10m. Nhiều hố đáy khô, đất trơ ra, nứt nẻ. Vài hố gần giữa đáy đập, nước đóng phèn, màu vàng quánh chao giữa nắng. Nơi đây, vết tích chiến tranh vẫn còn.

Theo lời kể của nhiều người trong làng, đó là “dấu” của bom thừa mà không quân Mỹ đem về thả sau những trận oanh tạc Quảng Trị. Khi đó, Đồng Xanh, Đồng Nghệ còn là khu rừng rậm, cây xanh bao phủ… Qua Đồng Nghệ, vùng Đồng Xanh đầy cỏ, mềm như thảm. Đất ở đây ẩm, con suối nhỏ chảy thẳng về đập, từ từ theo dòng. Đi về phía xa, vùng thượng nguồn, con suối duy nhất còn nước. Nước tích tụ từng giọt như dồn tất cả tinh khí núi rừng. Con suối nhỏ, nhưng là nơi giặt giũ, sinh hoạt của hơn chục hộ dân.

Hình bóng con người

Cảnh vật mùa nước cạn.
Dưới chân đập Đồng Nghệ, nước cạn hơn mùa trước. Nhiều người làm nghề giăng lưới, đặt cần câu cá. Giữa trưa, trên bãi cát bồi, những chiếc dù được bung lên che nắng, vừa đủ một người. Anh Lê Văn Thanh (Hòa Châu) cho biết: “Cá ở đây nhiều lắm, toàn cá to. Sau mỗi tuần làm việc căng thẳng, anh lên đây câu. Vừa có mồi nhắm, vừa giải trí…”.
 
Ven đường, dọc vùng Đồng Nghệ, những đàn dê được chăn thả tự do, ăn lá cây trong những khe khô nước. Nhiều căn nhà kiên cố được xây dựng ở Đồng Xanh. Dân ở đây có 11 hộ, chủ yếu những người lớn tuổi, tìm nơi yên tĩnh, vui thú sông nước. Ông Trần Văn Kiều (trú tại thôn Phú Sơn, xã Hòa Khương) đã sinh sống ở đây được 9 năm. Mọi sinh hoạt cộng đồng như Hội Người cao tuổi, Hội CCB… ông đều tham gia ở địa phương vào cuối tuần.

Ông sống ở đây một mình, làm kinh tế. Nguồn thu nhập chính  từ việc làm vườn, nuôi bò và gà, vịt. Mùa nước lớn, ông còn thêm nghề lái đò, đưa khách du lịch đi - về tham quan vùng thượng nguồn. Theo ông, khách đến nhiều vào mùa đông, những ngày lễ, ngày Tết, ít ai lên đây vào mùa khô hạn. “Đó là một cuộc hành xác”, ông cười.

Từ tháng 9 đến tháng 2 hằng năm, con đập đầy nước. Nước lớn, mấp mé hiên nhà. Dù sống ở chân sông nhưng người dân vẫn không sợ lũ lụt, nước lớn - xả đập lại xuống. Mỗi nhà đều làm vườn, giữ rừng. Mỗi nhà đều có thuyền, đò, canô riêng, là phương tiện chính trong vùng luôn ngập nước. Ông Tám Hữu (trú tại thôn Dương Sơn, xã Hòa Tiến) cho biết, ông lên đây sinh sống, làm ăn được 7 năm, mỗi tuần về thăm gia đình một lần. Năm nay, Đồng Xanh, Đồng Nghệ khô hạn hơn mọi năm.

Năm ngoái dịp này thuyền đò vẫn còn đi lại trong con đập đầy nước. Trong khu vườn rộng, ông trồng nhiều loại cây ăn trái, hồ tiêu, nuôi bò. Ăn bữa cơm trưa, ông đãi khách món thịt xào dưa từ dưới nhà mang lên. “Ở trên này vẫn khó khăn hơn dưới mình nhiều, chưa có điện, thiếu thông tin. Sống hoài rồi cũng quen, không thấy buồn nữa”, ông tâm sự.

Trên thảm cỏ xanh mềm, từng đàn bò nhẩn nha gặm cỏ. Tương lai không xa, Đồng Xanh, Đồng Nghệ sẽ được quy hoạch, hình thành khu du lịch. Và mong nó mãi giữ được vẻ đẹp hoang sơ như ngày nay.

Bài và ảnh: HỒNG PHƯỚC

;
.
.
.
.
.