.

Bạo lực gia đình từ một góc nhìn

Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có tác động rất lớn đối với sự phát triển của xã hội, gia đình tốt thì xã hội tốt. Đảng và Nhà nước ta đặt gia đình vào tiêu điểm quan trọng, phấn đấu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Muốn thế, gia đình phải lành mạnh; trong xã hội lành mạnh, gia đình là tổ ấm của mỗi người. Gia đình có tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt sẽ tạo điều kiện để xây dựng gia đình tốt.

Những năm gần đây, nạn bạo lực gia đình ở nước ta có chiều hướng gia tăng, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên trong gia đình. Quốc hội nước ta vừa thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Đây là bộ luật đáp ứng nguyện vọng chính đáng và thiết tha của mọi tầng lớp nhân dân nói chung và chị em phụ nữ, trẻ em nói riêng. Đã đến lúc xã hội và cộng đồng không thể im lặng với tình trạng bạo lực gia đình hiện nay. Sự đau đớn về thể xác có thể lành lại sau một thời gian điều trị, nhưng nỗi đau tinh thần thì kéo dài suốt quãng đời còn lại và không bao giờ chấm dứt.

Đơn cử như trong một lá đơn xin ly dị chồng của một người vợ đã chung sống với nhau khoảng 10 năm nay, chị Nguyễn Thị Lệ T ở Thanh Khê; chồng Nguyễn Văn M, quê Hòa Tiến. Trong đơn chị trình bày là trong 10 năm chung sống chỉ yên ổn độ 4 năm, còn 6 năm là bất hạnh. Sau khi cưới, anh làm nghề mui bạt đệm, chị chạy chợ và có với nhau 2 mặt con. Nhưng sự êm ấm chẳng được bao lâu; anh bỏ nghề, ham chơi cờ bạc, mỗi lần đòi tiền vợ không có lại “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, vớ được vật gì trong nhà cũng đánh, có lần dùng xăng đổ lên đầu cháu bé như tắm, dọa giết.

Từ hai năm trở lại đây, do kinh tế thiếu thốn và chịu nhiều cực hình của chồng nên khiến chị “thân tàn ma dại”; anh còn chửi bới xúc phạm cả gia đình vợ mỗi lần họ có lời can thiệp. Chị viết trong đơn: “Tôi là một phụ nữ có chồng và có con, không ai muốn hạnh phúc bị tan vỡ. Cái nghèo, cái khổ tôi cố gắng vượt qua và cố nhẫn nhục chịu đựng, nhưng bây giờ mọi điều là không thể, vì mọi việc đều có giới hạn”. Chị viết tiếp: “Tôi tự nguyện viết đơn này gửi Tòa án xin ly dị anh M, tách vĩnh viễn cuộc sống vợ chồng và coi đây là kỷ niệm buồn nhất cuộc đời người con gái, nhưng cũng rất vui là thoát được cảnh đòn roi không biết chết lúc nào...”.

Hiện nay, do cơ chế thị trường, chừng mực nào đó phá vỡ đạo đức gia đình truyền thống của chúng ta. Tình trạng bạo lực trong gia đình có chiều hướng gia tăng mạnh mẽ ở nhiều nơi, ở mọi đối tượng và gây nhiều hậu quả nghiệm trọng. Các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp đang có biểu hiện xuống cấp, mai một, là mảnh đất tốt phát triển nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm và đang xâm nhập vào các gia đình.
 
Nhìn nhận khách quan, tình trạng bạo lực gia đình chiều hướng tăng mạnh về phía người chồng, nhưng lại có một nghịch lý, khi chị em bị đẩy vào thế cùng của hành động bạo lực phải nhờ đến sự can thiệp của Công an (như một vài gia đình nêu trên thì chị em không dám đứng ra tố cáo, vì “xấu chàng hổ ai” và sợ chồng trả thù). Hiện vẫn còn tồn tại sự bất bình đẳng giới trong phân công công việc ở gia đình.
 
Người phụ nữ phải đảm đang quán xuyến quá nhiều việc trong gia đình và công việc xã hội, trong khi vẫn phải gồng mình hoàn thành tốt thiên chức người vợ, người mẹ. Gánh nặng đó không phải đàn ông nào cũng sẵn sàng chia sẻ với vợ. Trong gia đình hiện đại, người vợ cũng tham gia công tác xã hội và cũng chịu áp lực từ phía công việc; người chồng cũng nên là một nhà tư vấn, lắng nghe, chia sẻ những phiền muộn và công việc gia đình của người vợ.

Xét cho cùng, phòng chống tốt bạo lực gia đình cũng bắt đầu từ chính ý thức của người chồng, người vợ và những người khác trong gia đình mà thôi. Còn trách nhiệm quản lý Nhà nước về gia đình thì chưa theo kịp với sự phát triển của đất nước; các cấp chính quyền chưa quan tâm đúng mức việc  chỉ đạo công tác gia đình và nghiên cứu về gia đình. Công tác giáo dục đời sống, giáo dục trước và sau kết hôn, cung cấp kiến thức làm cha, làm mẹ, các kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình... chưa được coi trọng.

HỒ THÀNH TRUNG

;
.
.
.
.
.