.

Các giải pháp kiềm chế lạm phát cần đồng bộ và kịp thời hơn nữa

.

Ngày 10-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và cho ý kiến đối với các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2008; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2009.

Các giải pháp của Chính phủ đã bước đầu kiềm chế lạm phát hiệu quả

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Võ Hồng Phúc, việc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đã đạt được những kết quả quan trọng.

Các thành viên UBTVQH thảo luận tại Hội trường .

Dự kiến tổng sản phẩm trong nước cả năm 2008 tăng 6,5 -7,0% so với năm 2007, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5 - 3,9%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,3-7,5%, khu vực dịch vụ tăng 7,2-7,8%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng cao, theo đó, tổng vốn đầu tư cả nước khoảng 10 -11 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước đạt 399.000 tỷ đồng, tăng 26,3% so với năm trước. Tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước bằng 26,8%. An sinh xã hội đã được đảm bảo. Đặc biệt, việc thực hiện cơ chế giá thị trường với xăng dầu là kinh nghiệm tốt về xóa bao cấp qua giá.

Tại phiên họp, hầu hết các thành viên đều tán thành báo cáo của Chính phủ và cho rằng, những giải pháp mà Chính phủ đưa ra đã bước đầu kiềm chế được lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng giảm, xuất khẩu tăng, nhập siêu giảm, thị trường tiền tệ đã dần ổn định trở lại. Điều này đã củng cố được niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân, các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp vào các chính sách điều hành và sự ổn định của nền kinh tế.

Tuy nhiên, các thành viên UBTVQH đã chỉ ra, có 9/25 chỉ tiêu hiện chưa hoàn thành kế hoạch, trong đó nhiều chỉ tiêu về môi trường và xã hội. Các thành viên cho rằng, để thực thi các giải pháp về kiềm chế lạm phát một cách hiệu quả, Chính phủ cần đưa ra những giải pháp, chính sách đồng bộ và kịp thời hơn nữa.

Đưa chỉ số giá tiêu dùng xuống dưới 15% trong năm 2009

Mục tiêu mà Chính phủ đề ra cho năm 2009 là tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát theo hướng giảm dần, đến 2010 đưa tốc độ lạm phát xuống còn một con số, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững. Theo đó, tăng trưởng năm 2009 ước đạt 7%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 18% so với năm 2008; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội bằng khoảng 40% GDP; chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 15%.

Để thực hiện chính sách tiền tệ và tín dụng một cách ổn định và bền vững, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, sẽ kiểm soát việc tăng tổng phương tiện thanh toán, tổng dư nợ tín dụng nhưng linh hoạt để đảm bảo tính thanh khoản và tăng trưởng kinh tế hợp lý. Kiểm soát cho vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán, quản lý chặt việc thành lập mới, mở chi nhánh ngân hàng và bảo đảm an toàn hệ thống các ngân hàng thương mại.

Về chính sách tài khóa, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát các chính sách về thuế, cơ cấu lại chi tiêu ngân sách theo hướng đầu tư cho con người và thực hiện an sinh xã hội. Tăng cường các biện pháp thắt chặt chi tiêu ngân sách, thực hành tiết kiệm chống lãng phí và nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách. Giảm mạnh định mức sử dụng xăng dầu, điện nước, các cuộc hội họp phô trương, xóa bao cấp giá điện, than theo lộ trình thích hợp trong năm 2009.

Các thành viên UBTVQH nhất trí với các giải pháp Chính phủ đưa ra và cho rằng, năm 2009, cũng cần có đánh giá toàn diện về hệ thống doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong lĩnh vực quản lý tài chính, đầu tư để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa và hoàn thiện cơ chế quản lý phân vốn và tài sản nhà nước trong doanh nghiệp. Đồng thời cần tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu và tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

;
.
.
.
.
.