Sau một thời gian làm cán bộ đoàn thể, có người đã tổng kết được ba cái nhất: Việc nhiều nhất, hưởng ít nhất, “được” chửi nhiều nhất.
Một người, mười việc
Ông Trần Văn Tánh, Chi hội trưởng Nông dân thôn Hòa Khê, xã Hòa Sơn, tranh thủ sửa lại chiếc xe đạp để tiếp tục băng đường núi lo chuyện cho bà con nông dân. |
Hội phí chỉ 500 đồng/người/ tháng, nhưng không ít khi ông Tánh phải đạp xe đến từng nhà nhỏ nhẹ tâm sự để bà con thông cảm nộp đúng hẹn. Gặp mùa màng thất bát, Chi hội trưởng đành về tay không. Chi hội thôn Hòa Khê có 5 tổ, đặc điểm của thôn là dân cư thưa thớt, mùa mưa đường sá lầy lội, khó đi. Vì thế việc họp tổ cũng được ông phân theo… thời tiết.
Nắng ráo, 5 tổ tập trung lại, còn mưa bão thì chia thành 5 lần. “Là người của đoàn thể, bản thân mình không nhiệt tình, bà con sẽ mất quyền lợi. Mỗi tháng tôi còn đi họp hết 5-6 ngày. Đôi lúc nhận giấy mời trước một tiếng đồng hồ nhưng từ thôn đạp xe tới nơi họp phải mất tiếng rưỡi đồng hồ, đành ngậm ngùi trễ họp. Chưa kể đêm hôm gà gáy, hở xí bà con lại kêu. Nào chuyện tranh chấp đất đai, chuyện làm ăn lối xóm, rồi kêu gọi mùa nào chích ngừa bệnh gì”, ông Tánh nói.
Mới vài cơn mưa đầu mùa, đường vào nhà ông Tánh đã đặc quánh bùn đỏ. Ấy vậy mà cùng chiếc xe đạp cà tàng của mình, ông Chi hội trưởng thôn Hòa Khê đã “đi miết với đủ thứ việc như rứa hơn 10 năm nay rồi”.
Không riêng Hội Nông dân, các cán bộ Hội Phụ nữ cũng lâm vào tình trạng “đi líu chấu” (đi nhiều nơi, bất kể giờ giấc). Chuẩn bị cho các hoạt động Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 năm nay, đã mười một đêm liên tiếp, cứ 19 giờ chị Trần Thị Nhung - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Xuân Hà, quận Thanh Khê lại ra khỏi nhà và trở về lúc 23 giờ.
Làm không công và...sống gương mẫu
Ngoài giờ hành chính, chị Nhung lại tiếp tục đi để vận động chị em tham gia phong trào Hội. |
Trong thời điểm này, ngoài các hoạt động nhân ngày Phụ nữ Việt Nam như chuẩn bị các buổi tọa đàm, các hội thi tuyên truyền về bình đẳng giới và bạo lực gia đình, chúng tôi phải làm khảo sát số học sinh bỏ học trên địa bàn để động viên đến lớp; khảo sát toàn bộ hộ nghèo, nắm lại nguồn thu nhập, kỹ năng thoát nghèo và nguyện vọng của họ; tiếp cận thanh-thiếu niên hư; hướng dẫn các chi hội, tổ hội làm sổ sách cuối năm”.
“Làm Hội Phụ nữ một thời gian, chị nào cũng trở nên nói dai, nói nhiều vì suốt ngày đi và nói. Thậm chí vài phút nghỉ trưa ít ỏi cũng thường xuyên chia sẻ cho các chị em chẳng may lục đục chuyện gia đình tìm đến mình khóc bù lu”, chị Nhung nói thêm. Việc nhiều như vậy, nhưng tìm cán bộ ở cơ sở để cùng gánh vác công việc lại vô cùng nan giải. Thực trạng thường thấy tại các đoàn thể cấp cơ sở là người có khả năng lại thiếu nhiệt tình tham gia công tác, người nhiệt tình lại thiếu khả năng làm việc, thậm chí viết lách chẳng xong.
Lý do khiến mọi người ít hăng hái nhận lời tham gia công tác một phần vì cán bộ đoàn thể từ cấp chi hội phó đến tổ hội không được nhận bất kỳ nguồn hỗ trợ nào ngoài lời động viên suông. Đã thế, là cán bộ phải gương mẫu đi đầu trong mọi việc; có khả năng thuyết phục người khác, gia đình phải thông cảm, tạo điều kiện đi làm, hết sức kiên nhẫn vận động hội viên tham gia hoạt động (tới nhà gọi 5, 7 lượt có khi người ta chưa chịu đi). “Quanh năm chẳng nhận đồng nào. Thậm chí tổng kết cuối năm tặng mỗi cán bộ ở cơ sở món quà trị giá 50.000 đồng (gói mì chính và chai dầu) cũng tính muốn đau não. Tổng kinh phí hoạt động cả năm của Hội vỏn vẹn có 6 triệu đồng”, một chủ tịch Hội cấp xã cho biết.
Vì thế, đã có nhiều thanh niên bỏ ngang công tác Đoàn để làm công việc khác khi chớp được thời cơ. Nhiều cán bộ không thể nghỉ việc vì tìm mãi không ra người thay thế. Đôi lần ông Tánh xin nghỉ nhưng không thành vì đốt đuốc cũng khó tìm ra người vừa nhiệt tình vừa có năng lực lại không khi nào than vãn chuyện tiền bạc như ông. Dù đã 56 tuổi, ông vẫn “đương chức” vì theo ông “những người trẻ hơn họ đi làm kiếm 70.000-100.000 đồng/ngày chứ có ai chịu bỏ công đi làm chuyện thiên hạ mà chẳng có tiền bạc gì”.
|
Bài và ảnh: THU HOA