.

Cần có tiếng nói và cái nhìn khách quan về dự án Hòa Xuân

Đối với người nông dân từ bao đời nay gắn bó với ruộng đồng, với mảnh vườn cha ông để lại thì việc phải di dời, giải tỏa để phục vụ cho quá trình đô thị hóa cũng gây những biến động về đời sống, tình cảm và mỗi người trong hoàn cảnh ấy đều không tránh khỏi xao xuyến bồi hồi, nhưng mỗi người có cách nhìn nhận khác nhau.

Hòa Xuân, một vùng quê ngay trong lòng thành phố. Một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Chỉ cách một con sông Cẩm Lệ nhưng cuộc sống của bà con nơi này thật vất vả, nếu ai đó đi ngang con đường mới mở ven sông Tuyên Sơn-Túy Loan phía sau Metro, phía sau Trung tâm Hội chợ-triển lãm quốc tế, hãy dừng lại vài giây phút để nhìn qua bên kia sông, đó là khu vực Hòa Xuân, một vùng quê với những ngôi nhà nhỏ lụp xụp có những hàng tre, cánh đồng và đất hoang bỏ trống, có con đò chòng chành đưa mọi người qua sông mỗi ngày, ta như bắt gặp cuộc sống của những năm về trước của bến phà năm xưa tại khu vực Hà Thân…, khi đất nước mình vẫn còn nghèo lắm, còn khổ lắm…

Nhiều người khách nước ngoài khi đến thành phố Đà Nẵng chúng ta đã từng nói Đà Nẵng đang phát triển lớn dần nhưng giống như một người mặc chiếc áo quá chật, vì vậy chủ trương di dời giải tỏa phát triển khu du lịch sinh thái Hòa Xuân để phát triển thành phố về phía Nam là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn của lãnh đạo thành phố.

Có người đã từng nói: “Cuộc phẫu thuật nào cũng gây đau đớn”, vì vậy việc di dời giải tỏa của bà con Hòa Xuân bước đầu cũng không tránh khỏi vướng mắc, do đó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đã trực tiếp tiếp xúc, giải đáp thắc mắc cho bà con khu vực Hòa Xuân vào ngày 8-8-2008 là hợp với ý Đảng, lòng dân. Đa số bà con đã được giải đáp mọi thắc mắc, lo toan được giải tỏa nên đồng tình hưởng ứng chủ trương di dời giải tỏa để thành phố ngày càng phát triển hơn.

Tuy nhiên, tôi thật ngạc nhiên khi xem phóng sự trên chương trình thời sự vào buổi tối ngày 8-9-2008, lúc 7 giờ 15 phút trên Đài Truyền hình Việt Nam về việc bà con tại khu vực Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng phản ánh về việc giải tỏa trong buổi tiếp xúc nói chuyện vừa qua của Bí thư Thành ủy.
 
Với phóng sự này, tôi cảm thấy người viết và đưa tin chưa sâu sát hết buổi tiếp xúc hôm đó, việc đưa tin này chưa khách quan, chưa hoàn toàn đúng sự thật, chỉ đưa tin phiến diện một vài ý kiến của người dân không đồng tình nên có cái nhìn sai lệch về sự giải đáp của lãnh đạo thành phố, còn lại những ý kiến giải đáp tận tường thì lại không đưa tin, đồng thời những ý kiến đồng tình hưởng ứng chủ trương di dời giải tỏa thì lại cắt đâu rồi…

Nếu một ai đó không tham dự buổi tiếp dân hôm đó của lãnh đạo thành phố, họ sẽ nghĩ gì về hầu hết bà con nơi này, về dự án này và đặc biệt nghĩ gì về Đảng và Nhà nước, về thành phố Đà Nẵng của chúng ta qua phóng sự phiến diện trên?

Tôi là người sống tại tổ 24, thuộc khu vực Cẩm Chánh của phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng, là người dân trực tiếp sống trong vùng bị giải tỏa. Hôm đó tôi cùng với hơn 2.000 bà con xóm giềng dự buổi tiếp xúc dân của lãnh đạo thành phố và các sở, ban, ngành, quận tại sân bãi Lỗ Giáng. Tôi đã nghe và chứng kiến từ đầu đến cuối buổi tiếp xúc, nói chuyện của Bí thư Thành ủy với bà con khu vực Hòa Xuân nên tôi cảm thấy mình có trách nhiệm nói lên tiếng nói trung thực, khách quan về những gì tôi chứng kiến.

Sáng ngày 8-8-2008, cuộc tiếp dân bắt đầu lúc 8 giờ đến 11 giờ 30 phút, với khoảng 20 ý kiến phát biểu của bà con ở các khu vực Trung Lương, Cẩm Chánh, Cồn Dầu, Lỗ Giáng, Tùng Lâm. Bà con được tự do phát biểu, cụ thể như ý kiến của anh Trần Văn Ơn, anh Nguyễn Đức Phong khu vực Cẩm Chánh, anh Trần Đấu ở Trung Lương, chú Trọng ở Cồn Dầu… và tựu trung là bà con khu vực Cẩm Chánh đồng tình với chủ trương của thành phố nhưng muốn được tăng giá đất nuôi trồng thủy sản và đề nghị bố trí tái định cư tại chỗ và được bố trí gần sông để phù hợp với nghề ngư nghiệp đánh bắt tôm cá.

Bà con Trung Lương đề nghị hỗ trợ thêm về giá đất nông nghiệp và bà con giáo xứ Cồn Dầu muốn giữ lại nhà thờ và cần tôn trọng tự do văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo… Đa số bà con có ý kiến là phải bồi thường về công bồi trúc đất tại khu vực đặc biệt này, vì khu vực này trước đây rất thấp, bị ngập lụt, vì vậy phải đổ thêm đất hằng năm để chống lụt và đề nghị có chính sách giải quyết việc làm.

Bà con đã tham gia ý kiến rất nhiều và được phát biểu tự do chứ không phải như ý kiến trên đài vừa qua là không cho bà con có ý kiến?! Sau khi nghe gần 20 ý kiến và hầu như cũng không còn ai ý kiến tiếp, Bí thư Thành ủy với lời lẽ mộc mạc, chân tình và dễ hiểu đã giải đáp hầu hết thắc mắc cho bà con khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ.

Cụ thể như: Đồng ý giữ lại và chỉnh trang lại Nhà thờ Cồn Dầu, chùa Trung Lương…, đồng ý tăng giá đất nông nghiệp, đền bù về việc trồng lúa và cả hỗ trợ tổng cộng là 50.000 đồng/m2, hỗ trợ chênh lệch giá trị đền bù thêm 25% so với giá đền bù đã quy định, đồng ý đền bù công bồi trúc đất… Quy định cụ thể cho bà con biết mức giá đền bù, giá đất tái định cư…, đặc biệt lãnh đạo Thành ủy còn nhấn mạnh việc giải quyết hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho bà con, đã giao cho UBND quận Cẩm Lệ phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, lập đề án giải quyết việc làm… Bí thư Thành ủy còn nói sẽ theo dõi dự án này và sẽ còn về đây đối thoại cùng bà con…

Buổi nói chuyên rất dài, giải đáp hầu hết tất cả thắc mắc cho bà con chứ không phải trả lời “qua loa là mua chiếc xích lô đạp tới đạp lui” như phóng sự đài đã đưa tin ngày 8-8-2008.

Việc không đồng tình hưởng ứng chủ trương này đối với một số ít hộ dân là điều bình thường, vì mỗi bàn tay có ngón ngắn ngón dài, mỗi người có cách nhìn nhận khác nhau. Tuy nhiên, người viết và đưa tin bài phóng sự vừa qua chỉ nêu vài ý kiến không đồng tình dẫn đến cái nhìn phiến diện.

Sáng hôm đó tôi đứng cạnh chị Trần Thị Lập (tổ 24) và có nghe phóng viên phỏng vấn chị và anh Nguyễn Văn Phong cũng tại tổ 24 Cẩm Chánh. hai người này đã trả lời là đồng tình hưởng ứng với chủ trương và cũng mong Nhà nước làm sao để bà con ở đây được sướng hơn… Anh Phong đã trả lời là tôi còn trẻ nên tôi đồng tình với chủ trương này nhưng mong lãnh đạo đền bù thỏa đáng về đất và công đào ao nuôi trồng thủy sản của chúng tôi…, hình như đài đã cắt những câu trả lời này, không đưa lên truyền hình…

Tôi nghĩ, báo đài là cơ quan ngôn luận,  là tiếng nói khách quan và là cầu nối giữa người dân với Đảng và ngược lại, vì vậy cần xem xét lại phóng sự vừa qua, không nên đưa tin một phía để làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào Đảng và Nhà nước.

Trở về với khu vực Hòa Xuân, một vùng quê có con sông hiền hòa uốn mình quanh thành phố nhưng từ bao đời nay vẫn vậy, bà con vẫn một đời lam lũ, vất vả lo toan khổ cực, các con cháu phải bỏ học giữa chừng vì gia đình nghèo, đông con và việc đi lại đến trường quá cách trở ngăn sông, em nào có ý chí lắm mới đậu đại học.

Thử hỏi, quê mình có bao nhiêu em được đậu đại học mỗi năm, bao nhiêu em đành phải nghỉ học giữa chừng để phụ giúp mẹ cha? Hãy nhìn lại quê hương mình đó, khi mùa mưa đến, trong khi mọi người bên kia thành phố vẫn đang làm việc, học tập bình thường thì bà con mình bên này phải lo chống chọi với lụt lội, những em học sinh phải nghỉ học, những người làm công nhân không được đến nhà máy vì nước lụt bao quanh nhà. Mùa mưa bão năm nào quê mình cũng là nơi chịu nhiều thiệt hại nhất, thành phố phải vận động cứu trợ, bà con quê mình lại được Đảng và Nhà nước cứu trợ, ủng hộ xây lại nhà, các anh bộ đội về dọn đường sá để thông mà đi lại…

Trong cái chung có cái riêng và trong cái riêng có cái chung, quê hương mình phát triển thành khu du lịch sinh thái, Nhà nước xây dựng khu tái định cư, trên cơ sở hạ tầng được xây dựng lại, chúng ta cũng được hưởng một phần trong đó. Hãy nhìn lại đường Trần Hưng Đạo hiện nay, đi dọc trên đường Bạch Đằng và nhìn hai bên bờ sông, dưới ánh đèn rực rỡ, lung linh ta như quên mất cảnh tối tăm cách đây 10 năm của xóm nhà chồ tiều tụy Hà Thân.
 
hãy đi dạo một vài vòng buổi tối mùa thu dưới mùi hoa sữa thơm lừng của đường Nguyễn Văn Linh lên đến Sân bay Đà Nẵng, nghe đâu đó câu hát vang lên “Vui thế ngày tôi về đẹp hơn ngày tôi đi” của bài hát về Đà Nẵng “Sông Hàn tình yêu của tôi”, rồi “Đà Nẵng ơi tình người…”, ta thấy thành phố mình thật đẹp, cuộc sống này cũng rất đẹp và đáng yêu biết bao, ta như quên mất lo toan của cuộc sống hằng ngày đâu phải chỉ cơm áo gạo tiền.

Quê hương của bà con và cả gia đình tôi đó, hãy nhìn nhận một cách khách quan hơn về quê hương mình hiện nay, chúng ta không thể sống chỉ riêng mình cho cái trước mắt mà cho con cháu thế hệ trẻ tương lai.
 
Dẫu biết rằng ai cũng yêu mến quê hương, quê hương là chùm khế ngọt, nơi đã nuôi ta khôn lớn nên người nhưng yêu quê hương mà cứ khư khư giữ không muốn làm cho quê hương mình phát triển thay đổi giàu đẹp hơn, nếu ta không làm hết trách nhiệm của mình thì ta như có lỗi với thế hệ con cháu mai sau. Cái gì cần để lại tôn tạo thì Bí thư Thành ủy đã đồng ý trùng tu để lại cho bà con chúng ta, cái gì nên làm mới giải tỏa làm đẹp hơn thì nên đồng tình hưởng ứng. Nhà nước là của dân, do dân, do đó chúng ta cùng nhau hiệp lực cùng Nhà nước thực hiện để cho thành phố ngày càng phát triển tốt đẹp hơn.

Tôi tin rằng với chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và chính sách của Nhà nước luôn công bằng và dân chủ, bà con sẽ không bị thiệt thòi và sẽ có cuộc sống tốt hơn bây giờ. Quê hương mình sau khi giải tỏa thành khu du lịch sinh thái sẽ tốt hơn, phát triển hơn và thành phố Đà Nẵng một ngày nào đó sẽ tự hào vươn mình ra thế giới khoe vẻ đẹp với bè bạn khắp năm châu… và ta lại được nghe câu hát: “Vui thế ngày tôi về đẹp hơn ngày tôi đi…”.
            
NGÔ THỊ BÍCH
Tổ 24 (Cẩm Chánh), phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.