.

Cháo tình thương cho bệnh nhân nghèo

.

Cứ đến khoảng 3 giờ sáng mỗi ngày là các ni cô ở Chùa Sư nữ Bảo Quang (nằm trên địa bàn phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu) đã thức dậy, cặm cụi nhóm lửa, bắc nước, nấu những nồi cháo to tướng với tên gọi là cháo tình thương. Và đến 5 giờ rưỡi, các ni cô chia nhau chở đến cấp phát cho bệnh nhân nghèo tại 3 bệnh viện: Đà Nẵng, Đa khoa Hải Châu và Bệnh viện Mắt.

Chùa Sư nữ Bảo Quang phát cháo tình thương và bánh mì cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Bà cụ Mười ở Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Hải Châu bộc bạch: Gia đình bà hết sức khó khăn, con cháu ai cũng nghèo, đến thăm bà thì có nhưng không có tiền để cho. Vì vậy, bát cháo tình thương giúp bà đỡ được bữa ăn sáng, thiệt quý vô cùng! Còn anh Võ Hùng, quê Quảng Ngãi, đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng bùi ngùi tâm sự: Cách đây hai năm, đang là sinh viên, một lần đi khám bệnh anh mới biết là bị suy thận nặng và phải ở luôn đây để chạy thận nhân tạo. Gia đình anh làm nông, kiếm được đồng tiền khó lắm, nên khoản tiền cung cấp cho anh hằng tháng cứ ít dần, ít dần. Do đó, bát cháo tình thương đối với anh thật là quý giá.

Không chỉ riêng Chùa Sư nữ Bảo Quang mà đã nhiều năm qua, hàng chục cơ sở tôn giáo trên địa bàn thành phố có chương trình cháo tình thương cho bệnh nhân nghèo. Theo khảo sát của chúng tôi, hiện mỗi ngày có trên 20 nồi cháo giúp bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện, trung tâm y tế trong thành phố. Ngoài nguồn tiền của những nhà hảo tâm gần xa đến ủng hộ trực tiếp, các cơ sở tôn giáo còn nhận được sự hỗ trợ kinh phí thực hiện nồi cháo tình thương của nhiều đơn vị, cá nhân thông qua Hội Từ thiện thành phố. Trong đó, Nhà máy Thuốc lá Đà Nẵng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Ngô Thái Bình ở phường An Hải Đông... là những điển hình về ủng hộ hoạt động nhân đạo này.

Trong một lần đến Chùa Sư nữ Bảo Quang, chúng tôi đã thấy các sư cô, ni cô miệt mài ngồi tỉ mỉ cọ rửa, thái khoai tây, cà rốt, nấm rơm..., chuẩn bị mọi thứ cho những nồi cháo vào sáng sớm ngày mai. Sư bà Diệu Cảnh, Trụ trì nhà chùa cho biết: Tiền cúng dường có lúc nhiều lúc ít, nhà chùa phải tiết kiệm để thực hiện lâu dài. Tiết kiệm nhưng không được nấu dở! Người bệnh thường mệt mỏi, đắng miệng, khó ăn, nên cháo phải thơm và ngon thì mới ăn được. Theo Sư bà Diệu Cảnh, có nhiều thiện nam tín nữ giàu lòng thương người và hạnh nguyện đem vui cứu khổ cho quần sinh.
 
Cụ thể như gia đình bác Phùng Lạng ở phường Nam Dương, ông Nguyễn Văn Thanh (208 Trưng Nữ Vương), ông Nguyễn Quang Chơn (91 Hoàng Văn Thụ), chủ các cơ sở bánh mì Đồng Tâm và Đồng Tiến... thường xuyên ủng hộ gạo, tiền, thực phẩm để nhà chùa nấu cháo cho bệnh nhân nghèo. Nhờ đó, những năm gần đây nhà chùa còn hỗ trợ thêm bánh mì ăn sáng và cơm trưa cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Mắt. Những bệnh nhân này do lãnh đạo bệnh viện lựa chọn, cung cấp danh sách và cứ đến 10 giờ 30 hằng ngày là các ni cô đem cơm đến phát tận giường bệnh. Sư bà Diệu Cảnh cũng đã nhiều lần tự tay mang cơm, cháo, bánh mì đi cấp phát cho bệnh nhân nghèo.

Một sớm mùa đông tại Bệnh viện Đa khoa Hải Châu, chúng tôi thấy ni cô Thanh Pháp niềm nở múc cháo vào ca cho các bệnh nhân nghèo. Người bệnh và thân nhân từ các khoa hồ hởi đi nhận cháo tình thương. Hai thùng cháo to buộc hai bên chiếc xe máy cứ vơi dần trong niềm mãn nguyện về việc làm hữu ích cho đời của các ni cô.

LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.