.

Chữa bệnh cho “giác quan thứ sáu”

.

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Quận ủy Cẩm Lệ vừa tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng”. Mặc dù chưa xứng tầm với tên gọi, nhưng những ý kiến tại hội thảo đã cho thấy nhiều vấn đề mở ra trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ở cơ sở trong tình hình hiện nay.

Làm kiểm tra phải có “giác quan thứ 6”

Nhiều ý kiến đóng góp tại hội thảo.
Theo ông Trương Bông, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy phường Hòa An, trong tư duy mới về công tác kiểm tra, giám sát (KTGS), thì phải xem trọng công tác giáo dục, phòng ngừa là chính chứ không phải để sự việc xảy ra là kiểm tra và thi hành kỷ luật. Có như vậy mới nâng cao hiệu quả của công tác này. Để làm tốt công tác ngăn ngừa sai phạm, ông Bông cho rằng, phải tăng cường công tác phối hợp để phân loại, theo dõi các đảng viên và tổ chức Đảng có khả năng vi phạm và tăng cường giám sát từ các chi bộ.

Một ví dụ về phân loại đối tượng để theo dõi như kiểm soát việc vi phạm quy định về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình do sinh con thứ 3 trở lên, là phải giám sát và tiếp cận, làm công tác tư tưởng với những đảng viên đang có hai con gái hoặc những người đủ hai con và điều kiện kinh tế đã vượt qua giai đoạn khó khăn... “Muốn thực hiện tốt công tác ngăn ngừa sai phạm xảy ra, điều quan trọng là người làm công tác KTGS của Đảng phải nhạy bén, phải có “giác quan thứ sáu” để theo dõi và nhanh chóng phát hiện những vấn đề, những tổ chức, cá nhân... có nguy cơ sai phạm” - ông Bông nhấn mạnh.

Cũng theo ông Bông, KTGS không chỉ phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm mà qua đó, quan trọng là phát hiện ra những nhân tố mới và tích cực để khen thưởng, động viên; góp phần cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền làm tốt công tác cán bộ, đề bạt, cất nhắc và phát huy những khả năng, phẩm chất của họ. Từ vấn đề này, ông Lê Văn Sơn, Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Cẩm Lệ cho rằng, cần phát huy mối quan hệ phối hợp giữa công tác tổ chức, cán bộ với công tác KTGS một cách chặt chẽ hơn nữa, vừa “giữ” vừa “xây” để cả hai mặt công tác này ngày càng đạt được sự hoàn thiện hơn.

Những khó khăn từ cơ sở

“Trong chỉ đạo và thực hiện công tác KTGS ở cơ sở còn rất nhiều lúng túng; ngay cả từ việc tuyên truyền để có nhận thức đúng đắn về công tác này của Đảng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, cán bộ kiểm tra là những người “vạch lá tìm sâu”, gây khó khăn cho hoạt động của khối chính quyền, nhất là ở những lĩnh vực “nhạy cảm”... nên dẫn đến sự thiếu thông cảm, phối hợp thực hiện nhiệm vụ” - ông Nguyễn Văn Quyết, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy phường Hòa Xuân cho biết.

Theo ông Quyết, còn những khái niệm mang tính “mù mờ” về ngữ nghĩa như “đảng viên có dấu hiệu vi phạm”; việc xử lý vi phạm chưa được thực hiện và KTGS một cách nghiêm túc, như có trường hợp vi phạm nhưng lại được đề bạt cao hơn, việc vi phạm quy chế được cho là “nhỏ nhặt”... Vì thế, đã dẫn đến tình trạng nghi ngờ, mất đoàn kết nội bộ, thiếu lòng tin trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Bên cạnh đó, có một thực tế là tâm lý ngại va chạm, nể nang, né tránh vẫn thường diễn ra trong quá trình thực hiện công tác KTGS ở cơ sở, nhất là trên địa bàn dân cư, do những cán bộ làm công tác này còn trẻ hoặc là cùng địa phương. Chính từ những thực tế như vậy, ông Quyết cho rằng, trước tiên cần thay đổi những nhận thức lệch lạc về công tác KTGS; việc thi hành kỷ luật khi vi phạm phải được xử lý nghiêm và công khai, minh bạch để nhân dân được biết; cần có cơ chế phối hợp với Thanh tra Nhà nước các cấp để nâng cao hiệu quả công tác KTGS của Đảng...

Còn ở một Đảng bộ đa số là đảng viên hưu trí như phường Hòa Thọ Đông, thì ông Nguyễn Lân, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy phường này cho hay, việc thực hiện công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm còn gặp nhiều khó khăn. Các chi bộ chỉ có từ 4-5 đảng viên, lại tuổi cao nên khó thực hiện đầy đủ quy trình, dẫn đến có hiện tượng bao che, né tránh. “Trong khi đó, việc kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm phải coi trọng khảo sát, nắm tình hình, xác minh sự việc.
 
Vì nếu thực hiện tốt khâu này, thì mới đưa ra kết luận chính xác, có sức thuyết phục cao để không xảy ra tình trạng bao che đồng thời tránh được việc khiếu nại xử lý vi phạm sau này. Để làm tốt việc này cần phải có nhiều thời gian, công sức, nhưng với chi bộ ít đảng viên và đảng viên già yếu sẽ khó thực hiện” - ông Lân nhấn mạnh. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Lân cũng cho rằng, một khó khăn hiện nay là cán bộ làm công tác KTGS ở cơ sở hầu như đều kiêm nhiệm, phụ cấp còn thấp hoặc hầu như không có. Vì vậy, cần xem xét lại vấn đề này một cách thỏa đáng hơn.
                
Bài và ảnh: NGUYỄN THÀNH

;
.
.
.
.
.