.

Chuyện đèn xanh, đèn đỏ

.

Với 18 cột đèn tín hiệu (CĐTH) giao thông được lắp đặt, Đà Nẵng được xem là đô thị có ít CĐTH trên tổng số con đường. Nhiều người dân ở các đô thị lớn khi tới Đà Nẵng cũng rất ngạc nhiên khi thấy thành phố này có ít cảnh sát giao thông trên đường phố. Chính vì vậy, việc giữ vững trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn thành phố phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tự giác của người tham gia giao thông.

Ý thức giao thông: khổ lắm, nói mãi!

Khi tham gia giao thông ý thức người dân góp phần rất lớn trong việc gữ gìn trật tự giao thông.

Lúc 15 giờ ngày 6-10, tại CĐTH ở ngã tư đường Lê Đình Dương - Phan Châu Trinh, trong vòng chưa đầy 30 phút, chúng tôi đã chứng kiến 2 trường hợp vượt đèn đỏ và 13 trường hợp tiếp tục đi khi tín hiệu đèn vàng đã bật sáng. Người dân ở đây phản ánh, nhiều người chỉ thực hiện quy định của CĐTH khi có cảnh sát giao thông (CSGT) đứng chốt điểm, còn không, vô tư vượt đèn vì chẳng có ai ngăn cản, với những lỗi như tránh vượt sai quy định, chạy quá tốc độ cho phép, điều khiển phương tiện trong tình trạng say rượu, bia…

Chị Nguyễn Thu Hương, trú phường Thanh Bình bức xúc “CĐTH tại chốt Quang Trung nối Lê Lợi bị cây xanh che phủ, lại không có bóng dáng của CSGT nên mọi người thường “tranh thủ” lúc đèn xanh chưa bật sáng để qua đường. Có hôm đèn không hoạt động khiến mọi người khi đi qua đây tỏ ra lúng túng trong cách xử lý tình huống”. Trung tá Nguyễn Trung Tứ, Đội trưởng Đội CSGT thành phố cho biết, từ ngày 30-9 đến 6-10, CSGT đã phát hiện 9 trường hợp đi ngược chiều và vượt đèn đỏ. Mức phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng trong trường hợp vi phạm hình như vẫn còn quá ít để người dân ý thức hơn khi lưu thông trên đường. Cũng theo ông Tứ, nhiều người khi bị CSGT huýt còi vẫn không biết mình phạm những lỗi gì và họ có hàng trăm lý do để biện minh cho việc vi phạm luật giao thông của mình. Phải chăng việc học và cấp Giấy phép lái xe môtô hiện nay còn quá đơn giản và mang tính hình thức, khi một số người tham gia giao thông vẫn chưa nắm vững quy định về an toàn giao thông.

Loay hoay tìm giải pháp

Tại ngã tư Phan Châu Trinh-Hùng Vương lúc 8 giờ 30 sáng 20-10 không có sự xuất hiện của đèn vàng?

Có thể thấy rằng, hệ thống CĐTH trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ và thiếu tính nhất quán. Nhiều CĐTH ít hoạt động như ở ngã tư Quang Trung-Lê Lợi hay chỉ có sự hoạt động của đèn đỏ và đèn xanh như đoạn Cách mạng Tháng Tám - Ông Ích Đường, Nguyễn Văn Linh - Hàm Nghi hay Lê Duẩn - Ông Ích Khiêm… Từ lâu, vai trò của đèn vàng là tạo bước chuẩn bị (chuẩn bị dừng hoặc chuẩn bị đi), sự vắng bóng của đèn vàng tại hầu hết các CĐTH ở Đà Nẵng đang gây một số khó khăn cho người tham gia giao thông. Một số nhỏ CĐTH điện tử tại Đà Nẵng cũng chưa đồng nhất về cách nhảy giây, ví dụ chỉ nên 3-2-1 thay vì có thêm 03-02-01. Việc có số 0 trước mỗi số giây làm cho sự quan sát của người đi đường trở nên hạn chế và dễ khiến dòng người dồn lại trước vạch xuất phát, gây khó khăn cho người đi bộ. Mặt khác, nhiều người thường có tâm lý khi cột đèn chỉ nhảy đến giây 2-1 là cho xe chạy nên thường xảy ra tình trạng va quệt khi xe vừa qua CĐTH.

Trung tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng CSGT Công an thành phố cho biết, khu vực chợ Tam Giác từ lâu là điểm phức tạp của trật tự ATGT. Tháng 9-2008, Sở Giao thông-Vận tải đã đưa vào sử dụng đường nhánh một chiều từ nút Ông Ích Khiêm, Đống Đa đến đường Hải Phòng, giải quyết cơ bản nạn ùn tắc giao thông cục bộ tại khu vực này. Thế nhưng, sau khi giải phóng được chốt Hải Phòng-Ông Ích Khiêm thì lại xuất hiện một điểm ách tắc khác ở Ông Ích Khiêm-Trần Cao Vân.

Chương trình giáo dục Luật giao thông dù có đưa vào nhà trường vẫn chưa thu được kết quả khả quan. Tại cổng Trường THPT Quang Trung (đường Đỗ Quang), THPT Nguyễn Hiền, THPT Thái Phiên (đường Trần Cao Vân), THPT Phan Châu Trinh (đường Lê Lợi)… vẫn thường xuyên ách tắc vào giờ tan học, nhiều học sinh ngang nhiên qua đường với tâm lý “xe thấy mình sẽ tránh”. Theo quy chế phối hợp liên ngành năm học 2007-2008, học sinh vi phạm trật tự ATGT lần 1 thì phê bình, yêu cầu cam kết không tái phạm; vi phạm lần 4 thì buộc thôi học 1 năm, ghi học bạ…
 
Nhưng xem ra, điều này chưa đủ sức răn đe những người vi phạm. Trung tá Bùi Hòa, Đội phó Đội Tuyên truyền-xử lý, Phòng CSGT Công an thành phố cho rằng, nhà trường có thể đưa Luật Giao thông đường bộ vào trường học, nhưng việc quản lý cũng chỉ trong phạm vi trường học mà thôi. Chúng tôi đang có kế hoạch phối hợp với Sở GD&ĐT tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm và xử lý bằng hình thức thông báo tới nhà trường để giáo dục, răn đe. Tuy nhiên, các vi phạm như đứng không đúng vạch đường quy định, không dừng xe khi đèn vàng bật sáng… thì các văn bản pháp luật hiện hành không quy định phải xử lý theo chế tài nào nên lực lượng CSGT khó xử lý, dẫn đến những tình huống mất trật tự ATGT.

Quản lý trật tự ATGT, lúc triển khai rầm rộ, khi “im hơi lặng tiếng”. Một số thí điểm trong thời gian qua xem ra chưa hiệu quả. Đành rằng, đã gọi là “thí điểm” thì có thể thành công, có thể thất bại nhưng dường như chẳng thấy ai đứng ra tổng kết, tìm hiểu nguyên nhân, đúc rút bài học; hoặc nếu có thì cũng chỉ lưu hành nội bộ, nên người dân chỉ thấy nay quy định thế này, mai quy định thế khác, mà giao thông vẫn lộn xộn. Bên cạnh tuyên truyền tốt cho người dân nâng cao ý thức, thành phố cần có những động thái tích cực về vấn đề này, góp phần giảm thiểu tình trạng mất ATGT trên đường phố.

Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.