.

“Con” chung, ai khóc?

.

Khu đất hình tam giác có diện tích chừng vài trăm mét vuông, được xem là giáp ranh giữa hai phường An Hải Bắc và Phước Mỹ (quận Sơn Trà) nhiều tháng qua bị “vô thừa nhận”. Và “đứa con” chẳng chung, chẳng riêng này cứ bị đùn qua, đẩy lại khiến tình trạng vệ sinh môi trường bị bỏ bê.

Ai xả rác, mặc ai. Nước đọng thành ao tù, mặc nước. Các quán cóc với nhiều bàn cờ bạc chơi vô tư trước mắt thiên hạ. Hơn thế nữa, người dân bỗng dưng không biết mình là công dân phường nào (?!).

…Dân khóc!

 Rác rưởi lăn lóc, cỏ cao ngang thân người…

Một người dân tổ 58, phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) chỉ tay về phần đất tam giác trống, dơ bẩn, nói: “Chẳng ai dọn cả vì chẳng biết của phường nào. Phường này nói của phường kia”. Thật ra, nếu không được người này chỉ đến những chỗ “nhiều người xả, không người dọn”, sáng ngày 21-10-2008, khi đi thực tế, chúng tôi cũng dễ dàng ghi nhận: đứng tại bất kỳ góc nào của khu vực trên đều thấy rác rưởi lăn lóc, “mìn” phóng uế khắp nơi, ao tù đục ngầu, cỏ mọc tươi tốt cao ngang thân người. Những hộ dân sinh sống quanh đây cho biết: “Mưa nước tràn vào nhà, có khi nước lên chừng 30-40cm. Không mưa vẫn có nước đọng, ruồi muỗi tha hồ sinh sôi”.

Môi trường ô nhiễm khiến bà con bức xúc. Đã thế, cũng vì suy luận theo kiểu “không biết của phường nào, không biết ai quản lý” nên những bàn cờ bạc cứ thế vui chơi tưng bừng. Tại một quán cóc được dựng tạm bợ, hàng chục người đàn ông tụ tập ngồi đánh cờ tướng, chơi bài. “Họ chơi tưởng giỡn nhưng ăn thua thiệt đó. Ban ngày còn im im, đến khuya họ la lối, cười nói, không xem giấc ngủ của người khác là gì. Mấy lần họp dân có kiến nghị mà chính quyền này bảo đó là trách nhiệm của chính quyền kia thì chịu thôi”, người dân đi cùng chúng tôi phân trần.

“Đá” – “đổ” cho nhau

Nhiều người đàn ông tụ tập đánh cờ, bạc thường xuyên trong

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc khẳng định: “Phía bên đó thuộc địa bàn quản lý của phường Phước Mỹ. Muốn rõ chi tiết, các chị nên trao đổi với Phước Mỹ”. Phó Chủ tịch UBND phường Phước Mỹ, ông Nguyễn Lâm Hà lại phản bác: “Nói vậy là không đúng, địa bàn Phước Mỹ chỉ từ đầu hẻm đến hết đoạn nhà ông Nhàn (khu được xem là địa giới của 2 phường), còn mấy hộ dân tiếp theo là của An Hải Bắc”.
 
Ông Nguyễn Lâm Hà cho rằng: “Khu vực đó đã giải tỏa, nên thuộc quyền Ban quản lý dự án công trình Bạch Đằng Đông, chúng tôi không thể dài tay”. Và dù lãnh đạo hai phường luôn nói “công tác phối kết hợp giữa các phường được thực hiện rất tốt trong thời gian qua”, thì không rõ “sự phối hợp tốt” đó nằm đâu, khi việc giải quyết an ninh, vệ sinh môi trường vẫn bị bỏ lửng!

Trong khi đó, những người dân lại ngơ ngác vì bên nào cũng chối từ sự tồn tại của họ trên địa bàn phường mình. Ông Phạm Phú Ba và vợ là bà Nguyễn Thị Thanh Nga lắc đầu: “Từ trước đến nay, chúng tôi là cư dân An Hải Bắc. Bất kỳ khoản phí nào của phường, chúng tôi cũng đóng đầy đủ. Nhưng người ta cứ đổ qua đổ lại, thậm chí có ai hỏi tới thì nói là chúng tôi đi (giải tỏa – PV) hết rồi!”.

Theo giấy tờ trình bày của ông bà, hộ này cùng vài hộ khác nằm trong diện giải tỏa của Dự án Phước Mỹ mở rộng (do Ban Quản lý dự án công trình Bạch Đằng Đông quản lý). Song, “chưa thấy tiền đền bù, chưa nhận đất và cũng không biết bao giờ đi”, nên ông Ba bức xúc: “Tôi tới hỏi Ban quản lý dự án, họ nói “Ở đây không biết”. Ở thì khổ lắm! Xin sửa chữa nhà không được. Đăng ký vay vốn làm ăn cũng không xong, vì “trong diện giải tỏa”. Chừ bọn tôi cũng không cần đền bù, giải tỏa chi hết, chỉ xin được sửa nhà thôi. Chứ mưa dột, ướt hết than không bán buôn chi được”.           

 

Ông Phạm Phú Ba và bà Nguyễn Thị Thanh Nga nói:

 “Từ trước đến nay, chúng tôi là cư dân An Hải Bắc. Bất kỳ khoản phí nào của địa phương, chúng tôi đều đóng đầy đủ. Nhưng người ta cứ đổ qua đổ lại, thậm chí có ai hỏi tới thì nói là chúng tôi đi (giải tỏa – PV) hết rồi!”.

Tuy nhiên, nếu dựa theo lời khẳng định của ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc, thì hộ ông Ba – bà Nga nằm “bên đó” (tức thuộc phường Phước Mỹ - PV).
 
    
Bài và ảnh: THU HOA – HẰNG VANG
       
;
.
.
.
.
.