.

Đau lòng cho “vỡ kế hoạch”

Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2008, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) các cấp của Đảng ủy Dân Chính Đảng thành phố thi hành kỷ luật 12 đảng viên (ĐV), thì trong đó có 8 trường hợp vi phạm quy định chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình, tăng gấp 4 lần so với cả năm 2007.

“Trong đó, có một trường hợp “đau nhất” bị khai trừ khỏi Đảng khi chỉ còn 2 năm nữa là nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Đồng chí này là bộ đội phục viên, có một quá trình cống hiến lâu dài, nhưng bị “vỡ kế hoạch” do hoàn cảnh gia đình. Nhưng chúng tôi vẫn phải thực hiện đúng theo quy định của Đảng, được thể hiện tại Điều 7, Quy định số 94/QĐ-TW ngày 15-10-2007 của Bộ Chính trị” - bà Vũ Thị Xuyến, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Dân Chính Đảng thành phố tâm sự.

Đi tìm căn nguyên của việc thi hành kỷ luật với con số vượt trội so với các năm trước đó đối với các đảng viên vi phạm chính sách này, bà Vũ Thị Xuyến cũng cho hay, đó là do ảnh hưởng của năm “Con heo vàng Đinh Hợi”. Thế nhưng, đó mới chỉ là lý giải bề nổi. Nguy cơ chính là ở chỗ nhận thức về giới tính theo quan niệm cũ đang dần quay trở lại; mà trong đó tập trung vào những ĐV lứa tuổi 30-40 sinh con “một bề”, khi họ lại đóng vai trò độc đinh trong gia đình, dòng tộc.

Đồng thời, là những ngộ nhận về chính sách mới trong dân số do chưa được tuyên truyền đầy đủ. Trước những ngộ nhận đó của một bộ phận nhân dân, những áp lực ngày càng lớn đè nặng xuống đôi vai của người có trọng trách duy trì nòi giống trong gia đình. Họ phải chịu áp lực của dư luận, nên mặc dù biết mình sẽ bị kỷ luật của tổ chức, vẫn phải “ráng” thực hiện nghĩa vụ với gia đình, dòng tộc, nhằm tìm kiếm người nối dõi tông đường.
 
Trên thực tế, rất ít trường hợp bị vỡ kế hoạch như lý do họ thường đưa ra. Còn theo một phân tích khác của bà Vũ Thị Xuyến, thì trong các trường hợp bị kỷ luật, chỉ có một ĐV nữ, còn lại đều là ĐV nam. Vợ của họ không tham gia công tác xã hội, thường phải đảm trách vai trò nội trợ, buôn bán nhỏ... nên việc vận động càng khó khăn thêm. Bên cạnh đó, đời sống vật chất có phần dư dả hơn, đủ sức chăm lo cho con cái ăn mặc, học hành, cũng đã khiến một bộ phận cán bộ, ĐV và gia đình họ “vượt kế hoạch”. Tuy nhiên, những trường hợp này vẫn là cá biệt.

Thế nên, để thi hành kỷ luật với những ĐV vi phạm quy định về chính sách dân số, theo bà Vũ Thị Xuyến thì “rất đau”, nhưng vẫn phải thực hiện nghiêm. Để bảo đảm được cả hai yêu cầu nghiêm túc và tình cảm, UBKT của các cấp ủy Đảng, tùy theo chức năng của mình, tổ chức thuyết phục ĐV tự nhận hình thức kỷ luật theo quy định tại Điều 7, Quy định 94/QĐ-TW. Đó là với trường hợp sinh con thứ 3 thì bị cách chức, cảnh cáo trong Đảng; sinh con thứ 4 thì bị khai trừ.
 
“Chúng tôi xử lý kỷ luật các trường hợp này không vội vàng mà kiên trì thuyết phục, vận động để người vi phạm hiểu rõ những chủ trương, chính sách, quy định của Đảng trên lĩnh vực này, từ đó họ hiểu trách nhiệm của mình. Vì thế, các trường hợp vi phạm khi nhận hình thức kỷ luật đều không có khiếu nại gì” - bà Vũ Thị Xuyến nhấn mạnh. Không những vậy, để tránh các trường hợp bao che cho vi phạm ở cấp dưới do nể nang, tình cảm, châm chước cho hoàn cảnh..., trong một số trường hợp, UBKT Đảng ủy Dân Chính Đảng trực tiếp kiểm tra việc xử lý vi phạm. Qua đó, đã có 2 trường hợp bị đề nghị tăng nặng hình thức xử phạt theo đúng quy định, từ khiển trách lên cảnh cáo.

“Nhưng quan trọng nhất đối với chúng tôi, vẫn là phải có những biện pháp ngăn ngừa vi phạm quy định về chính sách dân số trong cán bộ, ĐV”, bà Xuyến cho biết như vậy. Việc ngăn ngừa được triển khai từ công tác phổ biến các văn bản quy định về chính sách này, thông qua việc đăng ký thực hiện chủ trương, quy định trong sinh hoạt chi bộ... Chủ trương mới dự báo được đưa ra là sẽ gắn chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình vào tiêu chí xét TCCS Đảng trong sạch vững mạnh; ở cơ sở thì đưa vào chỉ tiêu thi đua, xét nâng bậc lương... Đó là trong sinh hoạt Đảng.
 
Còn trong đời thường, các cán bộ, ĐV và cả quần chúng có “nguy cơ cao” vi phạm chính sách này được theo dõi, động viên, làm công tác tư tưởng không chỉ với họ mà với cả gia đình, họ hàng... Vì thế, theo bà Vũ Thị Xuyến, qua theo dõi, đã có những dấu hiệu khả quan hơn khi các trường hợp vi phạm được dự báo đang giảm trong năm nay.

Thế nhưng, rõ ràng, việc thực hiện công tác này vẫn còn khó khăn, đôi lúc rơi vào hình thức, bởi những quan niệm cũ vẫn đang còn đeo bám, và nguy hiểm hơn, được làm mới trở lại trong một bộ phận cán bộ, ĐV và quần chúng nhân dân. Vì thế, một chính sách tổng thể và hài hòa hơn để thay đổi quan niệm xã hội, sẽ là giải pháp hữu hiệu để không còn những trường hợp đau lòng cho cả người tổ chức thi hành lẫn chịu kỷ luật trong lĩnh vực này của tổ chức Đảng.

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.