.

Dậy sớm với người già

.

“Chúc sức khỏe, ngày tươi trẻ”! Buổi sáng tinh mơ chưa tỏ mặt người, rất đông cụ ông, cụ bà đã tập trung trên bãi biển, trên con đường ven bờ sông Hàn rôm rả chào nhau. Nụ cười sảng khoái cùng những động tác lắc lư, vặn mình, xoa bóp như thấy một ngày “thức dậy” sớm hơn.“Tập thể dục không tốn tiền, tốt hơn vạn thuốc tiên thuốc thánh”

Đôi khi các bạn trẻ phải “ghen tị” với sự nhanh nhẹn, yêu đời của các cụ.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc từng gọi tuổi về già bằng cái tên rất thơ: “Gió heo may đã về”. Gió heo may về, chợt nhìn lại thấy mình đã “lên chức” ông, bà. Cái vòng đời bắt đầu hiện hình rõ nét khi buổi tập thể dục chiều nay không phải do mình tự đi mà được con cái đưa đón vì đường xa, mắt kém. Bước qua “tuổi heo may”, cơ thể bỗng dưng cực kỳ nhạy cảm khi trái gió trở trời. Người có tuổi không thể mãi “vay mượn” sức khỏe như cái thời trai tráng. Tập thể dục đều đặn khiến cơ thể người già giữ được sự dẻo dai và hơn hết là tinh thần lạc quan, yêu đời. Sự nhanh nhạy của các cụ yêu thể thao lắm khi khiến các bạn trẻ ham ngủ “nướng” phải chạnh lòng ngẫm lại bản thân.

Bà Tám vừa tập thể dục trên đường Nguyễn Tất Thành, vừa nói: “Thể dục làm tôi khỏe hẳn, hồi 40 tuổi mỗi sáng thức dậy phải có chồng con thay nhau đấm lưng, đấm chân không thì cựa mình không nổi. Vậy mà giờ đây tuổi đã 60, tập với đội xong, nằm đất “cất” vài cái (nằm ngửa duỗi thẳng chân rồi ngồi bật dậy), xuống biển bơi vài vòng, về tới nhà còn dư sức lao vào quét dọn, chuẩn bị bữa sáng cho các cháu. Không hiểu sao tôi mê cái môn thể dục đến vậy”.

Chịu khó ngồi nghe các cụ kể về niềm yêu thích thể dục và hiệu quả của việc tập luyện đều đặn chắc phải mất… vài ngày. Hai vợ chồng bà Thân (đường Lê Hồng Phong) đều ngoài 70 tuổi, nhưng càng tập càng thấy mê không thể bỏ một ngày. Bà Thân kể: “Mấy bữa nay tự nhiên cái khớp ổng sưng lên nhưng vẫn cùng tôi ra đây (sông Hàn) ngồi cho đỡ nhớ. Không tập thì ngồi chơi. Hết giờ lại đi về. Chừng đó thôi cũng đủ sảng khoái rồi”. Nhờ thể thao, nhiều cụ đã có thể vui sống cùng bệnh mỡ trong máu, đái đường, táo bón, khớp, tai biến…

Chào bạn già!

Mỗi buổi tập thể dục kéo dài khoảng một giờ đồng hồ, nhưng  đó chỉ là phần dạo đầu cho một buổi gặp gỡ những người bạn tâm tình. Ban đầu tôi hơi thắc mắc vì sao đứng tập nhưng hầu như cụ bà nào cũng mang theo chiếc ghế nhựa nhỏ gói cẩn thận trong túi ni-lông.

Hóa ra, hết giờ tập, các cụ nán lại lấy ghế ra ngồi tụm năm tụm bảy uống nước, ăn bắp luộc và… tâm sự đủ điều. Trong lúc đợi con đến đón, các cụ đủ thời gian để hẹn nhau đi coi hát tuồng, kể chuyện thằng con mãi mà vẫn chưa chịu lấy vợ, rồi chia sẻ niềm vui, nỗi lo với nhau.

“Bên lề” những buổi tập là những cuộc vui được xây dựng theo kiểu cây nhà lá vườn. Trước mùa mưa (khoảng vào tháng 8 âm lịch), nhóm của bà Tám thường tổ chức liên hoan tưng bừng có cả ca nhạc hẳn hoi. Nguồn quỹ có khi 50.000 đồng, có khi chỉ 10.000 đồng.
 

 

Tập thể dục sớm như thế nào là đúng cách? Hừng đông là thời điểm người cao tuổi bước vào “vùng nguy hiểm”. Sự tăng vọt huyết áp sau khi thức dậy dẫn đến tình trạng “đỉnh huyết áp lúc sáng sớm”, làm tăng 70% nguy cơ bị các biến chứng trầm trọng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Vì thế, người cao tuổi dậy sớm tập thể dục cũng cần có cách khởi động đúng để cơ thể dần ấm lên kịp thích nghi với môi trường.

Theo Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe thành phố Đà Nẵng: Khi ngủ dậy, người già không nên cố tập thể dục, không cạo gió nếu thấy cảm giác khác thường như tê nửa người, bại một bên chân hoặc tay, cần nằm nghỉ và mời bác sĩ đến khám. Đây có thể là một tai biến mạch máu não, nhất là khi có tăng huyết áp xơ vữa động mạch.

Tuy nhiên bình thường, người già rất nên duy trì tập thể dục đều đặn, tập vừa sức để có thể  góp phần cải thiện đường máu, giảm tỷ lệ kháng insulin, giảm cân, cải thiện một số thông số lipid, hạn chế tiến triển tổn thương xơ vữa động mạch và cải thiện huyết áp, giảm béo phì. Thể dục làm giảm tỷ lệ nhồi máu cơ tim do đó cũng làm giảm tỷ lệ đột quỵ.

 

Bài và ảnh: THU HOA

 

;
.
.
.
.
.