Ông Đậu Đình Báu, Chi hội trưởng Nông dân thôn Phú Túc, xã Hòa Phú (Hòa Vang) đưa tôi đi xem hầm tránh bão của già làng Lê Văn Rời (83 tuổi), dân tộc Cơtu. Ông Rời và vợ là bà Trần Thị Nga (78 tuổi) kể lại trận bão dữ năm 2006:
Già làng Rời và cụ bà Nga đang giới thiệu hầm tránh bão của mình. |
Thấy ở đây nguy hiểm, các anh ra lệnh cho bà con di tản xuống dưới sàn nhà. Thanh niên và đội dân phòng đưa người già, lũ trẻ xuống trước. Khi người cuối cùng vừa chui được xuống sàn thì một cơn gió mạnh đã làm gãy đổ 8 trụ bê-tông, nhà Gươl bị sập hoàn toàn. Các dầm bê-tông, xà gồ bằng sắt, tôn đổ nghe ầm một tiếng, điếc cả tai. Nhờ có khung dầm, đà bằng bê-tông và lớp ván lót sàn nhà Gươl dày nên bà con trú dưới sàn hầm này vô sự.
Cơn bão đi qua, để lại cho thôn Phú Túc - nơi có gần 90% là đồng bào dân tộc Cơtu - hậu quả nặng nề: 16 nhà ở và 1 nhà Gươl bị sập hoàn toàn; 51 nhà tốc mái hoàn toàn, 29 nhà tốc mái một phần trong tổng số 106 nhà trong toàn thôn. Sau đó, nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, nội lực của từng gia đình, 100% nhà cửa của bà con dân tộc Cơtu đã được sửa chữa, xây dựng lại.
Già làng Rời bộc bạch: “Năm nay (2008) nghe báo, đài dự báo có khả năng nhiều cơn bão lớn ập về. Hai vợ chồng chúng tôi dùng số tiền dành dụm từ bán chuối, bán củi và một số người hảo tâm ủng hộ, vào tháng 5-2008, đã xây cái hầm này để tránh bão với kinh phí 2,5 triệu đồng”. Đó là cái hầm nửa nổi nửa chìm, cao 2 mét, rộng 1,5m, dài 2 mét, có ống thông hơi, có cửa. Hầm có thể trú được trên 10 người. Đây là hầm tránh bão đầu tiên của đồng bào Cơtu ở thành phố Đà Nẵng. Thật đáng trân trọng biết bao cho già, khi hầm không chỉ để hai ông bà tránh bão, mà còn phục vụ cho hàng xóm láng giềng mỗi khi có bão.
Thiết nghĩ, mô hình hầm tránh bão của già làng Rời cần nhân rộng, bởi đây là một phương án phòng chống bão lụt hữu hiệu, an toàn của khu vực nông thôn, miền núi.
Bài và ảnh: LÊ QUỐC KỲ