Cầu sông Hàn là nút giao thông quan trọng, nối liền hai bờ Đông Tây của thành phố. Từ năm 2000 đến nay, sau gần 8 năm đưa vào sử dụng, cầu Sông Hàn đã phải chịu sức ép lớn do lưu lượng xe qua lại ngày càng nhiều, nhất là trong các giờ cao điểm.
Ùn tắc không còn là chuyện lạ
Ùn tắc giao thông khu vực cầu Sông Hàn. |
Nhiều trường hợp tai nạn xảy ra vào giờ đi làm hoặc tan tầm, lúc mà lưu lượng người qua cầu đông đúc, vì thế ùn tắc giao thông đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của những người dân thường xuyên qua lại khu vực trung tâm thành phố và quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. Bên cạnh đó, trong các dịp Tết hoặc lễ lớn, nơi đây trở thành tâm điểm tập trung đông đúc người dân từ các quận, huyện và cả du khách đến xem bắn pháo hoa, xem đua thuyền, xem ca nhạc, v.v… và ùn tắc là chuyện đương nhiên. Chưa kể trong trường hợp hệ thống vận hành cầu quay bị hỏng hoặc có sự cố thì người dân phải vòng qua cầu Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, cách cầu Sông Hàn khoảng 3km.
Giải pháp
Về lâu dài, dự án xây dựng cầu mới thay thế cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Trần Thị Lý, dự án cầu Rồng, cầu Thuận Phước được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm sức ép cho cầu Sông Hàn. Khi những dự án này hoàn thành và đưa vào sử dụng thì lưu lượng giao thông qua cầu Sông Hàn sẽ giảm. Với chiều dài 1.850m, 4 làn đường, cầu Thuận Phước nối liền quận Hải Châu và bán đảo Sơn Trà.
Người dân sống gần khu vực cầu Thuận Phước, các phương tiện giao thông trên đường Nguyễn Tất Thành... có thể vượt sông mà không cần phải đi một đoạn đường dài đến cầu Sông Hàn như hiện nay. Và cầu Rồng, nối từ đường Nguyễn Văn Linh đến đường Sơn Trà - Điện Ngọc, một chiếc cầu mới cách không xa cầu Sông Hàn với thiết kế ấn tượng, sẽ thu hút người qua lại, khách du lịch và nhờ đó sẽ giảm lưu lượng xe cộ trên tuyến cầu Sông Hàn.
Tuy nhiên, với các dự án trên, người dân vẫn phải tiếp tục chờ đợi. Riêng đối với dự án cầu Rồng, công tác giải phóng mặt bằng, giải tỏa các công trình nhà ở và bố trí tái định cư cho người dân chịu ảnh hưởng của dự án đang tiến hành. Ông Bùi Thanh Thuận, Chánh Văn phòng Sở Giao thông Vận tải thành phố cho biết: Ùn tắc ở cầu Sông Hàn chỉ mang tính cục bộ, không thường xuyên. Trong khi đó, dự án cầu Rồng đang gấp rút chuẩn bị để đưa vào khởi công xây dựng và khi hoàn thành sẽ giảm bớt sức ép cho cầu Sông Hàn.
Hiện tại, mỗi khi có sự cố xảy ra trên khu vực cầu Sông Hàn, lực lượng Cảnh sát giao thông là đơn vị chịu trách nhiệm điều phối lưu lượng xe qua lại, giải tán đám đông tụ tập do hiếu kỳ hoặc phân luồng xe để tránh tắc nghẽn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp xảy ra va quẹt hoặc tai nạn trên cầu Sông Hàn, lực lượng chức năng không có mặt kịp thời để giải quyết và ùn tắc diễn ra, có khi kéo dài hàng giờ, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Trong khi chờ đợi các dự án xây dựng cầu mới bắc qua Sông Hàn hoàn thành, các cơ quan chức năng cần bố trí lực lượng túc trực thường xuyên hai đầu cầu Sông Hàn để nhanh chóng nắm thông tin về những sự cố có thể xảy ra nhằm giải quyết kịp thời, tránh để các phương tiện giao thông ùn tắc, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của
người dân.
Bài và ảnh: MỸ HẠNH