.
GÓC NHÌN PHỤ NỮ

Nào, mình cùng đi…ăn tiệm!

.

Chủ nhật, dẫn nhau đi ăn tiệm. Ngày lễ, vào nhà hàng ăn các món tự chọn (buffe). Đám giỗ, mua thức ăn làm sẵn về bày ra cho tiện… Không ít chị em tự “giải phóng” chuyện bếp núc bằng việc rủ cả nhà ra quán. Và không ít người đàn ông đã nhanh chóng hòa vào nhịp sống đó để không khí gia đình được hâm nóng ở… ngoài đường vào dịp cuối tuần.

 Không dành nhiều thời gian đi chợ, nấu nướng cầu kỳ cho gia đình nhưng  chị em cũng cố gắng chiều chồng, yêu con theo những cách khác.

Ngẫm lại buổi đám giỗ diễn ra cách đây vài ngày và đám giỗ của nhiều năm về trước, bà Phan Thị Tám (K404/14 Trần Cao Vân - Đà Nẵng) so sánh: “Thực đơn có 5 món thì đến 3 món: gà, thịt bò tái, chả được người ta làm hết rồi, chỉ về dọn ra thôi, nấu thêm món súp và chiên ram nữa là đủ. Tóm lại, chỉ tại cái làm biếng mà ra, chứ thực chất thì ai cũng biết nấu”. Theo bà Tám, trước đây, mỗi đám giỗ được chuẩn bị cả hai ngày trời. Không ít lần những người phụ nữ trong gia đình phải thức đêm để kịp thời gian làm gà, làm heo, hầm xương và kỳ công tỉa tót rau củ.

Không khó nhận thấy, hiện nay, nhiều gia đình đã “nhẹ hóa” chuyện nấu nướng bằng cách mua thức ăn sẵn hoặc đặt khẩu phần tại nhà hàng. Ngay cả những mâm cỗ đơn giản với chè, xôi cũng… gọi điện thoại để người ta nấu. Công việc của các chị là trả tiền và đặt lên mâm. Chị Mỹ Lệ, bán chè tại chợ Phú Lộc cho biết: “Bây giờ cúng giỗ gì cũng đặt hết, siêng lắm mới nấu thôi. Chè đặt cúng thường là đậu ván, đậu đỏ và đậu xanh - 2.000 đồng/chén. Mỗi mâm ít nhất 10 chén”. Do ngày càng nhiều người đặt chè vào ngày rằm, mồng một, và các dịp cúng kỵ khác, chị Lệ đã “chuyên nghiệp” hơn công việc của mình bằng cách gói chè theo từng chục (10 chén) đựng trong chén nhựa loại dùng một lần.

Đến đám giỗ, vốn được xem là nơi thể hiện tài đảm đang khéo léo của người phụ nữ cũng dần bị “Fast food” (thức ăn nhanh) lấn chiếm. Vì vậy, không lạ khi quán ăn, nhà hàng thường đông nghịt các cặp vợ chồng, trẻ con, người già vào ngày nghỉ. Cách sưởi ấm bếp lửa gia đình hiện nay dường như đã có sự biến đổi theo nhiều kiểu khác nhau. Đôi bàn tay “vàng” của chị em phần nào hạn chế trổ tài trong gian bếp của gia đình. Có người biện hộ lý do thời gian hạn hẹp. Trước tình thế này, cũng có người chồng bỏ qua cho vợ nhưng cũng có người khát khao quây quần bên mâm cơm gia đình để có sự ấm cúng và thưởng thức những món ăn do chính vợ mình chế biến.

 

Anh Bùi Lương Việt (Shop hoa Cát Tường, đường Âu Cơ, Lô 4, mặt chính đối diện chợ Hòa Khánh): “Các đám tiệc nên gọn nhẹ thì hơn, đặt người làm thì chẳng có vấn đề gì cả. Nói thật, tôi không xem nấu đám là nơi đánh giá đức hạnh của phụ nữ.

Tuy nhiên, ngày cuối tuần mọi người nên cùng ngồi bên bàn ăn của gia đình hay hơn ra ngoài. Những ồn ào, lạnh lùng sẽ thay bằng tình cảm bình dị và ấm cúng”.

Anh N.Đ.Thành (Kỹ sư, đ/c: 644 Ngô Quyền): “Tôi không thấy khó chịu khi đi ăn ở ngoài cùng gia đình. Thật ra ăn bên ngoài cũng có nhiều cái hay như thực đơn phong phú, khung cảnh, không gian nhiều kiểu lựa chọn. Đi ăn kết hợp với đi chơi cũng hạnh phúc chứ sao. Việc gì bắt vợ đứng hoài trong bếp khiến ngày nghỉ của cô ấy trở nên thấm mệt”

 

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.