Tham gia “Hành trình cam” tôi chỉ nghĩ sẽ góp phần gây dư luận ủng hộ đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Nhưng “Hành trình cam” đã để lại trong tôi nhiều day dứt. Tôi quyết định sẽ tiếp tục đồng hành cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cho đến khi công lý được thực thi. Bob (tên thân mật của Robert Bob Schuessler), thành viên của “Hành trình cam” nói.
1.600km ở Việt Nam và 1.000 dặm ở Mỹ
Sau “hành trình cam”, Bob (đi đầu) quyết định lập tổ chức Orange Helpers tại Việt Nam để đồng hành cùng NNCĐDC. |
Dấu vết cuộc chiến sau 33 năm không còn nữa nhưng những nỗi đau da cam thì còn đó, dai dẳng mãi. Điều làm Bob và các bạn Mỹ day dứt mãi là nỗi đau da cam bám riết lấy hàng triệu người Việt Nam đến cả những thế hệ con cháu vô tội chưa từng biết chiến tranh là gì. “Hành trình cam” đến Đà Nẵng, Bob nói với các phóng viên: “Trước nay tôi chỉ nghe những cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam đòi Chính phủ Mỹ phải bồi thường, trợ cấp cho họ vì những căn bệnh nan y mang về từ sau cuộc chiến. Và họ đã đạt được nguyện vọng.
Còn những NNCĐDC Việt Nam thì sao? Giờ tôi mới cảm nhận được nỗi bất hạnh truyền đời của họ thật khủng khiếp. Dường như họ (các công ty hóa chất cung cấp chất da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam) không muốn nhiều người dân Mỹ biết điều này. Nhưng vụ kiện của các NNCĐDC Việt Nam đã thức tỉnh lương tri cả thế giới, trong đó có chúng tôi”.
Chuyến đi bộ 1.600km khiến thành viên của Đoàn không tránh khỏi mệt mỏi vì nắng nóng, chân phồng rộp và đau nhức. Thế nhưng ai cũng nghĩ sự đau đớn của mình chẳng đáng nói ra so với nỗi đau hằng ngày của NNCĐDC Việt Nam. “Hành trình cam” ra đến Hà Nội, các thành viên quyết định tiếp tục đi bộ vì NNCĐDC Việt Nam trên đoạn đường 1.000 dặm ở 3 bang của nước Mỹ là: Michigan, Chicago và Washington.
Nhiều người dân Mỹ ngạc nhiên và hỏi: Tại sao? Đoàn trả lời bằng cách tổ chức chiếu phim tài liệu, triển lãm những hình ảnh và thuyết trình về cuộc sống khốn khó, nỗi đau thể xác và tinh thần của các gia đình NNCĐDC Việt Nam đang chịu đựng. Rất nhiều người dân Mỹ xem phim, xem ảnh đã khóc, họ đã hiểu và cùng đồng hành với “Hành trình cam”. Báo chí Mỹ ở Chicago đã gặp gỡ các thành viên của Đoàn và sử dụng trong số gần 3.000 bức ảnh, 27 cuộn phim của họ ghi nhận được trong “Hành trình cam” tại Việt Nam để thông tin đến người dân Mỹ. Qua đó thêm nhiều người dân Mỹ, đặc biệt là những người trẻ tuổi đã biết đến nỗi đau da cam.
Bỏ kinh doanh, đồng hành cùng NNCĐDC
Sau “Hành trình cam” từ Việt Nam sang Mỹ, Bob bày tỏ với các bạn về quyết định của mình sẽ thành lập một tổ chức phi chính phủ, mở văn phòng tại Việt Nam để giúp đỡ NNCĐDC. Các bạn ủng hộ quyết định của Bob nhưng băn khoăn về việc điều hành công ty riêng của anh. Anh nói thẳng quyết định của mình là từ bỏ hoạt động kinh doanh để hoạt động từ thiện xã hội. Các bạn anh rất cảm kích và hứa sẽ chung tay cùng anh vì NNCĐDC Việt Nam.
Hiện nay, Bob đã nộp hồ sơ tại cơ quan chức năng của Việt Nam đề nghị mở Văn phòng đại diện của tổ chức Orange Helpers tại tỉnh Phú Yên theo mô hình tổ chức từ thiện phi chính phủ (NGO). Bob cho biết 3 mục tiêu hoạt động của Orange Helpers là: Chương trình chăm sóc sức khỏe cho NNCĐDC; Chương trình việc làm cho cha mẹ của các em mang bệnh tật, di chứng của chất độc da cam; Chương trình hỗ trợ giáo dục cho con em gia đình NNCĐDC. Ban đầu, mỗi năm Orange Helpers sẽ chi 25 ngàn USD cho các chương trình này.
Số tiền sẽ tăng lên khi các bạn của Bob vận động được nhiều doanh nghiệp, tổ chức khác tại Mỹ tham gia đồng hành cùng NNCĐDC Việt Nam. Bob cũng hy vọng hoạt động tại Việt Nam, tổ chức Orange Helpers của anh sẽ trở thành cầu nối giữa Hội NNCĐDC Việt Nam và các Hội cơ sở ở các địa phương với nhiều tổ chức phi chính phủ khác của Mỹ hỗ trợ, giúp đỡ NNCĐDC Việt Nam một cách thiết thực.
Bài và ảnh: ĐOÀN SƠN