.

Học lái ô-tô: Những điều trông thấy

.

Học lái ô-tô đang là phong trào, là “mốt” hiện nay. Vậy nên nhiều trung tâm đào tạo nghề kiêm luôn dạy lái xe ô-tô. Học lái xe ô-tô bây giờ rất vui, bởi rất đông người học, đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Không chỉ đào tạo ban ngày, các trung tâm còn dạy ngoài giờ, vào ban đêm, vào những ngày nghỉ cuối tuần, cốt để thu hút  học viên càng nhiều càng tốt. Học lái xe ô-tô, có những chuyện cười ra nước mắt.

Nỗi khổ của học viên

Giá nhiên liệu đang là mối lo của các trung tâm dạy nghề lái xe ô-tô.        
Thời buổi “thóc cao gạo kém”, những ai có nhu cầu đi học lái xe ô-tô đều phải rờ lại túi tiền, phải xem chất lượng đào tạo của các trung tâm như thế nào mới có quyết định đúng đắn. Hỏi thăm đứa cháu họ đang thất nghiệp, học lái xe ô-tô tại một trung tâm trên địa bàn thành phố được hơn một tháng, nó liền khuyên: “Cậu học lái xe ô-tô thì phải chuẩn bị chi phí nhiều đấy, ít nhất cũng 7 triệu đồng mới có tấm bằng trong tay. Nghe nói sang năm giá học phí tăng lên gần gấp đôi. Cậu cố gắng học càng sớm càng tốt!”. 

Khi đến các trung tâm, chúng tôi mới biết, để có 3.250.000 đồng học phí lấy bằng B2 kéo dài gần 4 tháng đã khó, vào học càng khó hơn, không sướng như nhiều người lầm tưởng, nếu không chọn được nơi đào tạo đúng quy trình, bảo đảm thời gian lên lớp học lý thuyết, thực hành. Bởi kỳ thi sát hạch trước khi cấp giấy phép lái xe rất khách quan, thực hiện bằng các thiết bị hiện đại.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 5 trung tâm đào tạo lái xe ô-tô, đó là Trường Trung cấp nghề số 5 (Bộ Quốc phòng), Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính, Trung tâm Đào tạo lái xe ô-tô và mô-tô quận Liên Chiểu (Công ty cổ phần Vận tải ô-tô số 6), Trung tâm Đào tạo lái xe ô-tô - mô-tô STC Đà Nẵng, Trung tâm Dạy nghề 579. Nếu như học viên nào chọn được trung tâm đào tạo bài bản, thầy dạy chu đáo, sẽ đỡ khổ khi lấy được tấm bằng. Với lại học lái xe không thể qua loa, vì tài sản giao cho người điều khiển rất lớn, có không ít chiếc xe lên đến bạc tỷ, và người lái cũng không thể đem tính mạng mình ra đùa với tử thần trên xa lộ.

Hiện nay, tùy theo quá trình đào tạo của mỗi trung tâm, nhưng quy định chung nhất, để có được bằng lái B2, học viên phải trải qua đợt kiểm tra lý thuyết, đạo đức nghề lái xe, đi hình, điều khiển xe chạy 3,2 km trên tuyến đường có mật độ giao thông cao. Để thành thục tay nghề, mỗi học viên thực hành phải điều khiển xe chạy qua sơ đồ bãi tập tổng hợp đối với thi cấp lái xe hạng B, C, D, E. Vượt qua kỳ thi lý thuyết rất dễ, nhưng để vững tay lái, thực hành không hề đơn giản, nhất là những học viên xếp vào hàng “đại gia”, những cán bộ, công chức tranh thủ thời gian đi học.

Khổ nhất là những ngày nắng nóng, mưa dầm. Những chiếc xe U-oát cũ kỹ, những chiếc xe con “hết đời”, xe chất lượng kém được đưa cho học viên thực hành. Nhiều xe thiếu hệ thống máy lạnh khiến học viên toát mồ hôi hột sau mỗi buổi tập. Học lái xe tốn nhiều thời gian, rất khó nên học viên rất cần sự hướng dẫn, chỉ bảo của giáo viên. Sau hơn 3 tháng, kết thúc khóa học, mối quan hệ giữa giáo viên và học viên trở nên gần gũi.
 
Lớp học nào có nhiều “đại gia”, người học lái xe cốt để tìm kế sinh nhai càng khổ, bởi đóng nhiều loại tiền như tiền quỹ lớp, tiền bồi dưỡng học ngoài giờ, tiền liên hoan sau mỗi buổi học ..., đã “đẩy” chi phí học lái xe mỗi khóa từ 7 đến 10 triệu đồng. Mặc dù Sở Giao thông vận tải và các trung tâm dạy lái xe đã có nhiều biện pháp “cứng” để ngăn chặn tình trạng tiêu cực, thế nhưng tình hình này đến nay vẫn chưa thuyên giảm.

Các trung tâm đào tạo lái xe kêu trời!

Học viên thực hành phần buồng lái.
5 trung tâm đào tạo lái xe hiện nay trên địa bàn thành phố, mỗi trung tâm có nỗi lo, khó khăn riêng. Theo quy định của Bộ Tài chính, Cục Đường bộ Việt Nam, các trung tâm dạy nghề lái xe ô-tô có quyền thuê bãi tập xe trong thời hạn ít nhất 5 năm, mua sắm xe phục vụ học tập, lượng xe ngoài không quá 20%. Nhiều bất cập về cơ chế, chính sách đã dẫn đến khó khăn cho các trung tâm đào tạo lái xe, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học viên. Thông tư 26/2007/TT-BTC  của Bộ Tài chính ban hành ngày 3-4-2007, khi đó giá xăng dầu chỉ khoảng 11 nghìn đồng/lít, quy định mức học phí của học viên đối với đào tạo bằng lái xe B2 là 3.250.000 đồng.
 
Với mức thu học phí này, các trung tâm không đủ chi phí đào tạo. Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề số 5 than phiền rằng, những nơi đào tạo chứng chỉ lái xe ô-tô nghiêm túc sẽ rất thiệt thòi do chi phí đào tạo quá cao, trong khi đó mức thu học phí quá thấp. Trung tâm này mỗi năm đào tạo 2.500 học viên, thế nhưng vẫn không cạnh tranh nổi với các trung tâm khác, mặc dù đã có sẵn xe tập, không phải thuê sân tập. Với bài toán đơn giản, một học viên theo đúng chương trình đào tạo đối với bằng lái xe B2 phải trải qua 480 tiết học thực hành, hết 60 ngày học.
 
Trung bình một học viên mỗi ngày tập sự trên xe tối thiểu hết 4 lít xăng, với giá xăng 17.000 đồng/lít (trước ngày 8-10), tổng chi phí tiền xăng cho mỗi học viên trong khóa học lên đến gần 4 triệu đồng. Đó là chưa nói đến chi phí hao mòn phương tiện, trả lương cho giáo viên. Ông Nguyễn Hữu Hoàng nói: “Trường chúng tôi có nhiều ưu điểm như không tốn tiền thuê xe, thuê sân bãi, vậy mà không có lãi khi dạy đúng chương trình. Liệu các trung tâm dạy lái xe theo hướng “thương mại” có đứng vững khi dạy đúng chương trình quy định? Các cơ quan chức năng cần thanh tra về chất lượng đào tạo”. Có nhiều trung tâm dạy lái xe đang trong tình trạng “chết dở sống dở” nhưng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì đã trót ... “leo lên lưng ngựa”.

Trung tâm đào tạo lái xe ô-tô – mô-tô trên địa bàn quận Liên Chiểu là ví dụ điển hình. Đầu năm 2007, trung tâm này đi vào hoạt động, ngoài thuê sân bãi khoảng 35 nghìn m2 với giá 210 triệu đồng/năm, đã đầu tư gần 20 tỷ đồng trang bị 40 chiếc xe 4 chỗ ngồi hiệu Lanos, 5 xe Isuzu, 17 xe JRD loại 5 chỗ ngồi phục vụ giảng dạy. Hơn một nửa số tiền trang thiết bị giảng dạy lái xe ô-tô trên là vay ngân hàng với lãi suất cao, hiện đào tạo lái xe ô-tô với mức học phí quá thấp, lỗ nhưng trung tâm này vẫn phải duy trì, vì nếu không dạy, số xe ô-tô đã mua về không biết phải làm gì!

Những mối lo

Lãnh đạo Trường Trung cấp nghề số 5 cho biết, nếu học viên nào phát hiện giáo viên dạy không nhiệt tình, có hiện tượng vòi vĩnh, tổ chức liên hoan, Ban giám hiệu sẽ xử lý kỷ luật, chuyển công tác đối với giáo viên vi phạm. Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe ô-tô - mô-tô Liên Chiểu Cao Thị Thúy cho biết, vừa qua, qua những đơn thư góp ý của học viên, nhất là phản ánh của các cơ quan báo chí, trung tâm đã có nhiều thay đổi, nhất là nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên, xử lý kịp thời những cá nhân vi phạm.. Cấm học viên tổ chức liên hoan cuối giờ học và suốt khóa học. Nếu không sớm khắc phục sẽ tạo thành tiền lệ, khổ cho những người thật sự muốn lấy bằng lái xe vì mục đích tạo công ăn việc làm.

Điều quan tâm hiện nay đối với các trung tâm đào tạo lái xe ô-tô là văn hóa ứng xử, chất lượng giảng dạy, vì phần lớn các giáo viên là những người có kinh nghiệm về lái xe, có trình độ văn hóa từ lớp 12 trở lên, chỉ qua một lớp đào tạo ngắn hạn từ 3 đến 4 tháng về sư phạm. Mỗi năm, Sở Giao thông vận tải cấp phép lái xe B2 cho khoảng 6 nghìn người, thế nhưng không ít người học lái xe để “cho oai”, chưa có xe nhưng học để có bằng lái.
 
Do còn nhiều bất cập trong đào tạo, còn nhiều tiêu cực, chi phí của học viên cao, nhiều người có nhu cầu thật sự lấy bằng lái nhưng không thể đi học. Thực tế đáng báo động là, tuy đã có bằng lái, nhiều học viên không có xe, không luyện tay lái thường xuyên, quá trình đào tạo của một vài nơi chưa tốt, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến gia tăng về số vụ tai nạn giao thông trong thời gian gần đây.

Bài và ảnh:  TRẦN MINH TUẤN

;
.
.
.
.
.