.
KỲ HỌP THỨ TƯ, QUỐC HỘI KHÓA XII

Đầu tư thích hợp theo hướng ưu tiên các vùng, miền khó khăn

.

Ngày 30-10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Đức Kiên, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2008; dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2009.

Cần công khai, minh bạch nguồn tài chính công

Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La Cầm Chí Kiên phát biểu ý kiến . Ảnh: TTXVN

Đa số các ý kiến thảo luận đều tập trung vào vấn đề hiệu quả của việc thu, chi ngân sách Nhà nước; đồng thời thẳng thắn chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến thất thoát nguồn thu, nguyên nhân làm bội chi ngân sách. Đó là đầu tư dàn trải; thất thoát nhiều ở thu thuế; hiệu quả đầu tư thấp; giải ngân chậm…

Theo đại biểu Nguyễn Đăng Vang (Bình Định): Việc đưa tiến bộ khoa học vào cho nông dân là cần thiết, tuy nhiên, khi phân bổ kinh phí cho chương trình giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản thì phân bổ không phù hợp. Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng, việc xác định các công trình trọng điểm chưa đánh giá đúng mức, nên xảy ra tình trạng lãng phí nguồn vốn, chậm phát huy hiệu quả, nhất là các công trình có liên quan đến các hoạt động của đời sống xã hội. Trong khi đó, chúng ta chú trọng đầu tư mở rộng, nâng cấp đường trong nội thị, xây dựng nhà trường và bệnh viện thì đương nhiên là kém hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Văn Sỹ (Quảng Nam) đề nghị: QH, Chính phủ phải xem xét nghiêm túc việc giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ, cần thực hiện linh hoạt hơn về chính sách tài chính tiền tệ, thay vì thắt chặt để bảo đảm cung tiền hợp lý, thúc đẩy sản xuất, ổn định tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, Chính phủ cần bố trí đủ vốn để có thể đầu tư các công trình kiên cố, bảo đảm bền vững, chống lãng phí.

Một số đại biểu cho rằng, việc thực hiện chủ trương thắt chặt chi tiêu công, kiềm chế lạm phát và tiết kiệm chi thường xuyên còn chưa triệt để. Năm 2008 đã cắt giảm 20% chi tiêu công nhưng trên thực tế lại tăng 10%, chi quản lý hành chính tăng 13,3% dự toán và tăng 26,6% so với năm 2007. Tình trạng hội họp còn nhiều, việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả còn thấp…

Để khắc phục tình trạng này, theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) phải thực hiện công khai, minh bạch hơn nữa về tài chính ngân sách, tránh tình trạng mập mờ, chưa rõ ràng như giá điện, xăng dầu.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đề nghị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và các Công ty kinh doanh về xăng dầu cần công khai, minh bạch trong thu, chi. Mặt khác, trong năm qua có 27 tỉnh, thành phố chi không đúng chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã phân bổ cho giáo dục và đào tạo, có 24 tỉnh, thành phố chi không đúng chỉ tiêu mà Thủ tướng đã phân bổ cho lĩnh vực khoa học, trong đó có 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương. Giải quyết được vấn đề này, trước hết cần khắc phục được căn bệnh “hoành tráng” gây tốn kém. ‘’Bây giờ mỗi tỉnh một tờ báo, một đài truyền hình, xong lại một trường đại học, sắp tới mỗi tỉnh lại một viện nghiên cứu nữa, rồi bến cảng, sân bay, sân gôn, nhà máy bia…‘’ - Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nói.

Đầu tư thích hợp theo hướng ưu tiên các vùng, miền khó khăn

Hầu hết các ý kiến thảo luận đều nhất trí đề nghị tăng chi cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội, giảm đầu tư cho các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước, từ việc giảm bù lỗ, từ việc tiết kiệm các chi khác và từ các nguồn viện trợ.

Đề nghị Chính phủ nên cơ cấu lại ngân sách (cả thu và chi) cho phù hợp với thực tiễn quản lý nền kinh tế trong điều kiện lạm phát, tăng thu nhưng không làm tăng gánh nặng cho nền kinh tế, tiết kiệm chi ngân sách, ưu tiên đầu tư cho con người, bảo đảm an sinh xã hội, dành sự đầu tư thỏa đáng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa… Các đại biểu đều nhất trí cao với giải pháp tăng tính kỷ luật trong chi tiêu ngân sách, bảo đảm chi tiêu hợp lý, chống lãng phí.

Một số đại biểu đề nghị Chính phủ giảm bội chi ngân sách Nhà nước năm 2009 và cần đầu tư thích hợp cho các tỉnh theo chính sách ưu tiên vùng miền, các vùng xa xôi, đầu tư cho các chương trình trọng điểm có liên quan đến đời sống xã hội và cơ chế có thể vận dụng cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất.

Về cơ cấu chi, nhiều đại biểu cũng đề đề nghị Chính phủ điều chỉnh hợp lý cơ cấu chi ngân sách Nhà nước. Cần tăng cường đầu tư hơn nữa cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nhất là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông thôn như giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, đầu tư cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất, công tác khuyến nông, đào tạo nguồn nhân lực ở nông thôn. Đại biểu Bùi Thị Hoa (Đắc Nông):

Chính phủ có chính sách nuôi dưỡng nguồn thu, tập trung tháo gỡ khó khăn, vốn cho các công trình. Rà soát bố trí vốn thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia; cải tiến phương thức thực hiện nên giao cho địa phương; chi ANQP; bố trí vốn đầu tư phát triển trái phiếu Chính phủ. đề nghị rà soát các công trình chậm tiến độ…
 
Về phân bổ ngân sách cho các địa phương, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư cho các tỉnh có nhiều khó khăn như các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đặc biệt các tỉnh vừa qua chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 6. Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đề nghị: Chính phủ cần có lộ trình và phân bổ nguồn vốn hợp lý cho các địa phương theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên.

(Theo TTXVN)

;
.
.
.
.
.