.

“Mắt thần” trên đỉnh Thới Lới

.

Đã nhiều năm nay, ngày cũng như đêm, bất kỳ hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ Trạm Rađa 550, Vùng C Hải quân trên đỉnh núi Thới Lới ở huyện đảo Lý Sơn cũng luôn dõi “mắt thần” canh giữ biển cả.

Trong căn hầm trung tâm điều khiển rađa, Trung úy Đỗ Trường Sinh, kíp trưởng, hạ mệnh lệnh: Tập trung quân số - mở máy - quan sát, sục sạo mục tiêu! Ánh điện đỏ rọi xuống căn hầm, tốp trực chiến nhanh chóng vào vị trí, thực hiện các thao tác.
 
Thiếu úy Lê Quang Phúc quay cần khởi động, bật các nút điều khiển. Chảo rađa trên đỉnh núi bắt đầu rít lên những vòng quay như đôi mắt dõi ra bốn phương, xuyên thấu không gian, tiếp nhận những tín hiệu truyền về Sở Chỉ huy Vùng xử lý. Ngồi trước màn hình rađa, Thiếu úy Nguyễn Văn Định, Trưởng ngành Rađa dõi mắt chăm chú trước những đốm tín hiệu nhấp nháy trên màn hình nhỏ với nhiều thông số.

Báo cáo mục tiêu cách 50 hải lý, góc... phương vị... tiêu đồ... tiếp tục theo dõi. Những khẩu lệnh dứt khoát, đôi bàn tay quay thước chấm tọa độ trên bản đồ. Bí ẩn của những chấm đen cách hàng trăm cây số có dấu hiệu khả nghi được giải mã... Đó là một ca trực chiến của cán bộ, chiến sĩ đơn vị rađa 550 trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), thực hiện nhiệm vụ quan sát và bảo vệ vùng biển rộng lớn trên biển Đông.

Bước ra khỏi trung tâm điều khiển sau ca trực, mọi căng thẳng của cán bộ, chiến sĩ trong công việc được giải tỏa bằng làn gió biển và bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp hiện ra từ đỉnh núi Thới Lới. Bên cạnh đó là cảnh quan, môi trường đơn vị sạch, đẹp với đầy đủ hệ thống biển, bảng; sân chơi thể thao, phòng đọc, các phương tiện nghe nhìn. Mặc dù đóng quân trên đỉnh cao, nước dùng cho sinh hoạt còn khó khăn, nhưng những người lính ở nơi đây đã tạo dựng được một màu xanh ngan ngát của vườn rau với đủ chủng loại: Bầu, bí, mồng tơi, rau muống, các rau gia vị, cà chua...

Thượng úy Nguyễn Duy Cảnh, Chính trị viên Trạm cho biết: Giờ đây đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ an cư, lập gia đình với con em trên đảo, kết duyên với các cô giáo, y, bác sĩ trong đất liền xung phong ra đảo làm việc. Đó là các anh Lê Quốc Huy, Lê Trọng Chung, Nguyễn Trung Ngư, Nguyễn Sĩ Vượng, Hoàng Đình Hinh, Lê Quang Phúc, Đỗ Trường Sinh, Bùi Duy Hưng...

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn gian khổ nơi đầu sóng, ngọn gió, song các chiến sĩ Hải quân vẫn kiên cường bên cánh sóng rađa, bám biển, cần mẫn với công việc được giao... từng ngày, từng giờ đóng góp sức trẻ của mình vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài và ảnh: HƯƠNG NGUYÊN

;
.
.
.
.
.