Chuyện cứ tưởng như khó tin lại tồn tại suốt thời gian dài tại khu vực giáp ranh đường số 11 KCN Hòa Khánh và Khu dân cư tổ 45, 46, 47 phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu. Sau 19 giờ đêm, người phụ nữ “thầu” thu dọn rác chung quanh khu chợ tự phát KCN Hòa Khánh (Báo Đà Nẵng đã nhiều lần đề cập đến chợ này) bắt đầu những nhát chổi đầu tiên. Dù là ngày mưa hay ngày nắng, miễn là có họp chợ thì công việc này lại diễn ra.
Bãi chứa rác sau mỗi buổi chợ |
Bây giờ, số hộ buôn bán đã được tính hàng trăm, kéo theo đó là hàng ngàn thứ bỏ lại, người dọn phải thu gom đem đổ. Điều đáng nói là rác được đổ ngay dưới con mương gần đó. Bên cạnh những dãy hàng buôn bán tấp nập là một mương rác hình chữ nhật, chạy dài theo mép đường giữa khu nhà dân và vành đai KCN, hôi thối, tanh nồng. Việc tồn tại của hố rác từ ngày này qua ngày khác, lâu dần trở thành nơi tập kết của những thứ đồ bỏ đi.
Bác Nguyễn T.D, một cán bộ hưu trí ở tổ 46 cho biết: “Mỗi khi có xe cộ, nhất là xe tải chạy ngang qua hoặc có gió mạnh là y như rằng bao nilông, rác nhỏ được thổi bung lên, bốc mùi hôi thối. Những ngày nắng, mùi chất thải của rau, cá, dưa (người bán tiện tay ném xuống) lẫn xác động vật (do người dân vứt ra) còn chưa phân hủy hết, bốc mùi khó chịu. Mấy ngày mưa gần đây, tình trạng này còn kinh khủng hơn rất nhiều. Rác cứ nổi lập lờ trên mặt nước”. Bà Nguyễn Thị T, người dân sống lâu năm tại khu vực này than phiền: “Chợ tự phát họp ở đây thì tiện lợi cho nhiều người đấy, nhưng ô nhiễm thì chỉ có chúng tôi hứng chịu”.
Được biết, nằm sát chợ Hòa Khánh có Trung tâm (TT) Dịch vụ vệ sinh môi trường đô thị Liên Chiểu. Nhiệm vụ của TT là đi thu gom rác tại các khu vực trên địa bàn quận. Thế nhưng, khu vực cống rác mà người dân phản ánh lại nằm ngoài trách nhiệm của TT. Cán bộ TT giải thích rằng: Chỉ đi thu gom rác thải khi cá nhân hay tổ chức có đóng phí vệ sinh môi trường. Muốn nạo vét lòng kênh cho sạch thì cần tính xem mất bao nhân công rồi mới tính phí được. Như vậy có thể nói, mương rác không thuộc trách nhiệm của ai. Người quét rác thu số tiền trên dưới 200.000 đồng/đêm, còn rác về đâu là việc miễn bàn!?
Bán, cấm bán, rồi lại bán. Không có nơi làm địa điểm xây chợ, giải pháp trước mắt để những người buôn bán kiếm “miếng cơm manh áo” là tiếp tục họp chợ. Chợ tự phát ngày một đông và trở thành chỗ kiếm sống của hơn 200 người hiện nay. Mất chỗ buôn bán là mất kế sinh nhai, một thực tế không thể phủ nhận. Để giải quyết bài toán thu nhập, việc làm và ô nhiễm môi trường, chính quyền địa phương cần có giải pháp cụ thể.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH