.

“Người rái mà, mắc chi mặc áo phao”

.

Cứ vài ba nhà lại có một chiếc ghe để phòng khi nước lụt dâng cao. Nhưng việc mặc áo phao, trang bị phao cứu sinh lại trở thành chuyện không tưởng, khi bà con ai cũng nói chắc nịch: “Bơi giỏi mà!”.

Sắm ghe chạy lụt

Bà Trần Thị Mỹ bên chiếc ghe nhôm mới: “Ừ... chắc là phải mua vài cái (áo phao – PV), nhưng biết mua ở mô?”.

Gõ gõ hai mái chèo vào thân chiếc ghe nhôm mới toanh vừa mua được, bà Trần Thị Mỹ, tổ 6 thôn Đông Hòa, xã Hòa Châu (Hòa Vang) khoe: “Tui đặt họ làm mới mấy ngày, gần 3 triệu đó. Năm ngoái không có ghe, không ra vô chi được, sảng (hoảng – PV) quá nên năm ni sắm liền”. Bà dự định, nếu nước dâng sẽ chất heo, gà vịt, gạo, người và cả xe máy lên ghe bơi đi.

Đã thành lệ, hàng năm, cứ khoảng đầu tháng 10, dân các xã, phường vùng trũng, thấp của Cẩm Lệ, Hòa Vang lại chuẩn bị mua sắm, sửa sang ghe thuyền làm phương tiện đi lại trong những ngày lũ lớn. Nhà nào có ghe cũng rộn rạo chỉnh trang be, chèo, sơn phết chống mối mọt, rồi khiêng ra trước sân nhà trong “tư thế” sẵn sàng. Theo bà Trần Thị Lượn, tổ 4 thôn Đông Hòa, hễ dòm ra ngoài, thấy nước lên tới ngõ là vội vã chất trẻ con và đồ ăn lên ghe, chèo về vùng cao, hoặc đi lại mua đồ, thăm hỏi tình hình người thân. “Nhà không có ghe, không cách chi ra ngoài mua đèn sáp, dầu mắm lúc cần thiết”, bà Lượn nói.

Áo phao hả, mua làm chi?

Rôm rả về chuyện chuẩn bị ghe chạy, nhưng khi nghe hỏi: “Có mặc áo phao không?”, bà con cứ tỉnh queo: “Mặc làm chi?”. Bà Lượn thản nhiên: “Con tui người ta kêu là người rái mà, mắc chi mặc áo phao! Tiền đâu mua!”. Theo bà, có năm chèo tới chỗ xiết, con trai bà còn nhảy xuống kéo ghe đi ào ào. Bà Mỹ lại tặc lưỡi: “Ừ thì... chắc cũng phải mua vài cái.

Nhưng biết bán ở mô?”. Vì cho rằng “Ở đây chỗ mô trũng, cao, tụi tui đều rành như lòng bàn tay”, nên việc mua áo phao đối với nhiều bà con “hơi phiền phức và xa vời”. Song, ông Lâm Phùng, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong (Hòa Vang) ái ngại: “Ghe đó mới sợ! Tới ngày lụt, chúng tôi đều thông báo không được dùng ghe cá nhân để sơ tán mà họ có nghe đâu. Phường đã chuẩn bị 2 ghe có trang bị áo phao, mỗi lần chuyển được 10 người, dân vẫn đi ghe của mình, ỷ lại là mình bơi giỏi”.

Cùng ý kiến với ông Phùng, bà Trần Thị Thu, tổ trưởng tổ 15 thôn Tùng Lâm, phường Hòa Xuân (Cẩm Lệ) lo lắng: “Mình nói không được đi, họ cứ đi thì làm sao cấm!”. Theo bà, không chỉ dùng ghe sơ tán, nhiều thanh niên trong vùng còn coi việc bơi ghe trong lũ như đi chơi: “Họ bắt chuột, mua rượu, mua thuốc, đồ ăn về nhậu. Thấy nước ngừng dâng là ở đây bà con bơi ghe như quạ. Mấy đứa con tui ở trong nhà ngó ra cũng ức đi lắm!”.

Ở Tùng Lâm, vùng thấp trũng nhất của Hòa Xuân, mỗi tổ dân phố còn được trang bị một ghe, dùng cho tổ trưởng và đội xung kích đi cứu trợ cho dân trong vùng nước. Tuy nhiên, bà Thu cho biết, mỗi lần đi 3 người, nhưng cũng chỉ mỗi tổ trưởng có áo phao và mũ cối. Năm nay, bà đề nghị UBND phường trang bị thêm các vật dụng cần thiết để  bảo đảm an toàn khi đi trong lũ.

Dù bà con các vùng Hòa Phong, Hòa Châu... cứ khăng khăng “rất an toàn, không thể có chuyện thiệt hại về người”, thì ông Lâm Phùng, bà Trần Thị Thu vẫn có thể đưa ra những câu chuyện đau lòng vào mùa lũ năm 1999, hậu quả từ việc đi ghe không an toàn: “Năm đó 3 trẻ em thiệt mạng”, “Năm đó một phụ nữ bị lật ghe, nước cuốn từ tổ 14 xuống tới tổ 15, nếu có áo phao sẽ không chìm...”.

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.