.
Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Hoàng Hương Việt:

Nhìn đâu cũng thấy hồn của đất và người...

.
Bìa cuốn Sông cạn đá mòn - Ảnh: T.Đ.T
Dù đã bước vào tuổi 70, nhưng năm nào nhà thơ - nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Hoàng Hương Việt cũng có sách in ra...

Ông vừa tặng tôi Tạp chí Văn học dân gian đất Quảng số mới nhất cách đây hai tháng, nay lại thấy Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin cho ra tập Sông cạn đá mòn dày hơn 400 trang. Rồi các cuốn chuyên đề khác đang đưa nhà in. Hỏi ông viết vào lúc nào? Hoàng Hương Việt trả lời theo kiểu Quảng Nam: "Viết vào lúc... viết!", và cười hiền như... một nhà thơ!

Thật ra Hoàng Hương Việt làm thơ, làm báo, viết văn từ rất sớm, năm ông chưa đầy 20 tuổi. Năm 1960, ông đã có tập thơ đầu Tháng hạ do Nhà xuất bản Ca dao in ở Sài Gòn, rồi 2 năm sau lại Thơ cho em, thơ cho người. Ngoài tên thật, ông còn ký các bút danh khác là Nguyễn Huyền Trân, Trần Dạ Lan, Người Sông Thu trên nhiều tạp chí và báo ở Sài Gòn trước khi thoát ly lên núi, làm báo ở vùng giải phóng và ra Bắc...

Nhà nghiên cứu Hoàng Hương Việt.

Bình minh hậu phương, Tội ác tột cùng... là những truyện ký, phóng sự được ông tập hợp và in tại miền Bắc vào những năm đó. Khi về lại Đà Nẵng sau năm 1975, Hoàng Hương Việt làm công tác quản lý văn hóa thông tin rồi nhà xuất bản và bắt đầu nghiên cứu văn nghệ dân gian. Khi về hưu, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Nghiên cứu văn nghệ dân gian TP Đà Nẵng và dành hết thời gian cho sách vở, nghiên cứu, làm chủ biên nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm văn học dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng có giá trị.

Nhưng cuốn sách mới Sông cạn đá mòn của Hoàng Hương Việt lại là một tập tản văn, hồi ức, ký sự thể hiện cái tâm của tác giả. 70 tuổi, 50 năm cầm bút, ngoài sáng tác và nghiên cứu, ông có đến hàng trăm bài viết từ năm 1958 đến nay. Nhưng chỉ chọn đúng 35 bài cho cuốn sách mà ông bảo: "Dù cho sông cạn đá mòn - câu ca dao cổ xưa ấy như mê hoặc rồi tôi tự vận vào với xứ sở mình, một đất Quảng 700 năm... Và lạ thay, đụng vào đâu, vào cái gì, quá khứ hay hiện tại, rồi đến tương lai nữa, cũng gặp và cũng thấy hồn cốt của đất và người...". Cuốn sách vì vậy đã dẫn người đọc từ một vùng văn hóa Quảng Nam nhiều đặc trưng đến các nhân vật lịch sử của xứ Quảng với những tính cách khác thường và các giai thoại, lịch sử các vùng đất, các món ăn, cách ăn cách uống, cả cách chơi của người Quảng mà tác giả đã gặp.

 

Vượt lên tất cả những gì tác giả Sông cạn đá mòn ghi lại, người đọc nhận ra ở ông cái tâm, cái tình của một con người luôn nặng với quê hương và bè bạn, như ông từng nói: "Làm sao sống mà không có tình, có tâm, có nghĩa được!".

 
Đặc biệt khi viết về các nhân vật, Hoàng Hương Việt đã cố tránh những chi tiết mà người khác đã viết. Thói quen "ngủ ngày cày đêm" của Phan Khôi, những điều không lường trước của nhà cải cách Lê Cơ trong phong trào Duy Tân, danh tướng Ông Ích Khiêm liên quan gì đến lễ hội Mục đồng ở làng Phong Lệ, những mặt tưởng như đối lập trong con người nhà thơ Thu Bồn... đã được tác giả ghi lại khá trân trọng. Những kỷ niệm đằm thắm mà xúc động của tác giả với nhà văn Minh Hương - Lê Võ Đài của Hội An, đạo diễn Nguyễn Văn Thông (phim Con chim Vành khuyên), các bạn thơ bạn văn cùng thời Nguyễn Nho Sa Mạc, Trần Huyền Ân... hay những kỷ niệm ngày làm Báo Giải phóng trên chiến khu đã được Hoàng Hương Việt ghi lại bằng một giọng văn chân chất, pha chút bùi ngùi tiếc nhớ.

Nguồn: Trương Điện Thắng - Báo Thanh Niên

;
.
.
.
.
.