Năm 2008, trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn triển khai nhiều dự án lớn, ảnh hưởng đến đời sống của hàng nghìn hộ dân. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, người dân đã tin tưởng và thực hiện đúng các chủ trương mà Đảng và chính quyền thành phố đề ra.
Phát huy vai trò của tộc họ
Xây dựng hạ tầng khu đô thị Hòa Hải mở rộng.Ảnh: NAM PHƯƠNG |
Hiểu rõ những vấn đề liên quan đến mặt tâm linh và đời sống tinh thần của người dân, Ban Dân vận Quận ủy Ngũ Hành Sơn đã chọn những tộc họ lớn, có nhiều ngôi mộ như tộc Huỳnh, Phạm, Lê, Mai, Nguyễn và chọn những người có uy tín trong tộc họ để từng bước thuyết phục, phổ biến những chủ trương của Đảng và chính quyền để người dân hiểu. Ông Mai Thanh Đông, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Ngũ Hành Sơn cho biết: “Thậm chí đến gần 28 Tết, Ban Dân vận còn gặp mặt các tộc để giải thích cho họ hiểu đây là vì lợi ích chung và mỗi tộc họ với truyền thống anh hùng cần phải thể hiện sự đồng thuận với chủ trương phát triển đô thị của thành phố, sớm di dời, bàn giao mặt bằng cho dự án”.
Nhiều tộc họ sau đó đã họp Hội đồng gia tộc để thuyết phục mọi người thực hiện di dời. Riêng tộc Mai đã di dời gần 100% ngôi mộ lên khu vực Hòa Sơn, huyện Hòa Vang. Các tộc Phạm, Lê, Huỳnh, Nguyễn cũng vận động những người trong gia tộc thực hiện chủ trương di dời của quận. Sự đồng tình của những tộc họ lớn đã tạo ảnh hưởng tích cực trong các tộc họ nhỏ. Đến nay, quận Ngũ Hành Sơn đã thực hiện di dời gần 20.000 ngôi mộ về khu vực phía tây huyện Hòa Vang.
Ngoài ra, các tộc họ còn là nhân tố tích cực trong các phong trào lớn như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”. Riêng đối với chương trình xóa nhà tạm, nhiều tộc họ ở các phường Khuê Mỹ, Mỹ An, Hòa Hải, Hòa Quý đã tham gia đóng góp tiền, công sức để giúp đỡ bà con trong tộc xây dựng nhà ở. Nhờ vậy, quận Ngũ Hành Sơn đã cơ bản xóa xong nhà tạm cho hộ nghèo.
Dựa vào dân, vì lợi ích của nhân dân
Vận động quần chúng là việc làm đòi hỏi sự sâu sát, nhiệt tình, nếu chỉ nói suông hoặc những chỉ thị đơn thuần thì không thể thuyết phục nhân dân tin và nghe theo. Do vậy, Ban Dân vận Quận ủy Ngũ Hành Sơn đã cử cán bộ theo dõi sát tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để kịp thời giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích mọi người tham gia vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Chẳng hạn như: tham gia xây dựng mô hình “Gia đình văn hóa”, góp sức xóa nhà tạm cho người nghèo, ủng hộ các quỹ khuyến học, quỹ tình thương, vận động người dân tham gia chương trình bê-tông hóa đường liên phường, liên khu dân cư với chủ trương: Nhà nước góp vốn, người dân góp công. Tính đến nay đã thực hiện bê-tông hóa hơn 20km đường kiệt, hẻm, xây dựng hàng nghìn mét cống rãnh, thoát nước...
Cán bộ làm công tác dân vận của quận phối hợp cùng Mặt trận, các hội, đoàn thể đi đến những khu vực dân cư, những nơi đang tiến hành giải tỏa, di dời để nắm bắt những khó khăn của người dân, từ đó đề xuất giải pháp hỗ trợ phù hợp. Kể cả khi thực hiện việc cưỡng chế nhà ở của những hộ không thực hiện chủ trương di dời, cán bộ dân vận cũng có mặt, cùng với Mặt trận, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh làm công tác tư tưởng, vận động và giúp đỡ dân di chuyển các vật dụng trong nhà khi cần thiết.
Nhờ sâu sát địa bàn, nắm vững tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, cán bộ dân vận ở quận Ngũ Hành Sơn đã kịp thời phát hiện và tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền giải quyết những vướng mắc, bức xúc của người dân. Bằng những phương thức vận động linh hoạt, hiệu quả, công tác dân vận ở Ngũ Hành Sơn luôn hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, ổn định tình hình chính trị, xã hội ở địa phương, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
MỸ HẠNH