.

Nơi có nhiều chuyện để nói

.

Cùng với việc lo ổn định chỗ ở, công ăn việc làm, người dân tại một số khu dân cư (KDC) mới trên địa bàn thành phố đang phải đối diện với tình trạng bất ổn về an ninh trật tự và nạn ô nhiễm môi trường… Quả là nơi có nhiều chuyện để nói.

10 nhà, mất 4 xe máy

Nước đọng, rác thải, cỏ dại um tùm “nhìn” qua khu dân cư khang trang Phước Mỹ.

Từ đầu năm đến nay, riêng đoạn đường 3,5m, tổ 20, phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) đã xảy ra 7 vụ trộm. Kẻ trộm lẻn vào nhà bằng nhiều đường: cửa trước, cửa sau, leo nóc, chui cửa sổ… Kết quả, vài hộ dân tại đoạn đường này mất 3 xe máy (trong đó, 1 xe đã tìm lại được), 1 CPU máy tính, 1 dây chuyền, 2 xe đạp và rất nhiều vật dụng gia đình khác. Cũng thuộc tổ 20, phường Mỹ An, đường 5,5m hiện chỉ có không quá 10 nóc nhà nhưng các hộ này đã mất 4 xe máy trong thời gian gần đây.

Bà Nguyễn Thị Tâm, Ủy viên Mặt trận phường Mỹ An, Tổ phó tổ dân phố 20, Chi hội trưởng Phụ nữ cho biết: “Thời gian hoạt động của kẻ trộm thường vào 18 giờ đến 21 giờ và 3 giờ đến 5 giờ sáng. Trên địa bàn tổ có 70 hộ dân nhưng có đến 13 hộ kinh doanh nhà trọ. Kẻ trộm lợi dụng điều này trà trộn với người lạ mặt và sinh viên để gây án”. Theo bà Tâm, tình trạng trộm cắp ngày càng trắng trợn, hễ “quay lưng là mất”.  Năm trước, vật dụng bị mất cắp chủ yếu quần áo, thau, nồi, thùng nhựa. Năm nay, các đồ đạc giá trị hơn bị “bốc hơi” liên tục.

Chị Dương Thị Kim Cúc, một người dân sinh sống tại khu vực này, sau khi bị mất chiếc xe máy mới đi hơn 1.000 km đã xỉu lên xỉu xuống mấy ngày liền trong sự tức tưởi. Không riêng chị Cúc, nhiều nạn nhân đành bất lực nhìn của cải “đội nón ra đi”. Tuy nhiên, họ không hy vọng vào kết quả tìm kiếm của công an địa phương.

Nhớp thì… mặc bay!

Đất thừa, giá hạ, cỏ dại không thiếu tại các KDC mới. Mùa hè, người dân tranh thủ đốt, chặt bỏ. Nhưng đến mùa mưa, cỏ dại lại um tùm như cũ. Những ụn đất lô nhô không chỉ làm mất mỹ quan khu phố mà còn là điểm che khuất tầm nhìn tại các khúc cua, góp phần gây tai nạn giao thông. Bà Tâm cho biết, đã kiến nghị nhiều, nhưng hai năm rồi vẫn không thấy cải thiện.

Đối với người dân tổ 33B, KDC Thanh Khê Đông, chuyện sông Phú Lộc bốc mùi nồng nặc đã trở nên quá “nổi tiếng” khi các phương tiện thông tin đại chúng không ít lần phản ánh. Tuy vậy, cho đến thời điểm này, từng đám hóa chất giống bọt xà phòng vẫn ngày ngày nổi lềnh bềnh trên sông, dòng nước vẫn đen ngòm và khi nước cạn, mùi hôi không hề giảm bớt. Sông Phú Lộc là nơi ghe thuyền của ngư dân vào ra liên tục; đồng thời là nơi tránh gió khi biển động. Nhưng sông ô nhiễm quá mức, khiến hoạt động hằng ngày và công việc làm ăn của người dân bị ảnh hưởng không nhỏ.

Tuy nhiên, xem ra có nơi để kêu than còn đỡ. Người dân tại điểm giáp ranh phường An Hải Bắc và KDC mở rộng phường Phước Mỹ đang hằng ngày sống chung với nước đọng, rác rưởi nhưng chẳng biết kêu ai. Một người dân (xin giấu tên) đã tình nguyện dẫn chúng tôi đi xem thực tế những “điểm nóng” về môi trường tại khu vực này. Chỉ trên quãng đường vài trăm mét với bên này là An Hải Bắc, bên tê là Phước Mỹ, nhiều bụi cây, rác thải xen lẫn những ngôi nhà mới, những công trình mới khang trang. Đám đất hoang này cũng nhanh chóng trở thành nơi cho một số người ngang nhiên phóng uế.

Có trụ điện mà… không có điện

Dọc trục đường 7,5m tổ 20, phường Mỹ An (từ nhà thờ An Thượng xuống biển) đều được lắp đặt trụ điện nhưng chỗ cần sáng thì lại tối om. Bà Nguyễn Thị Tâm nói: “Đêm đêm, nhiều đối tượng xấu thường tập trung ngay tại khúc đường tối. Thấy vậy, nhưng người dân không dám xua đuổi ra mặt, chỉ nhìn chúng rồi lo khóa cửa cho chặt”.

Bài và ảnh: TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.