.

Nỗi lo đò ngang

.

Đến hẹn lại... kiểm tra. Thế nhưng sau những gì đã triển khai, tình hình thực tế tại các bến đò vẫn là những mối lo

Cái gì cũng có

Kết quả kiểm tra mới đây nhất của Tổ kiểm tra liên ngành gồm Ban ATGT thành phố và Thanh tra giao thông cho thấy, việc trang bị các phương tiện ATGT đường thủy ở tất cả các bến đò đang hoạt động trên địa bàn thành phố rất tốt. 100% phương tiện đã đăng ký hoạt động, qua kiểm tra định kỳ đều đạt yêu cầu. Tổng cộng 165 áo phao và 60 phao cứu sinh do Ban ATGT thành phố cấp từ đầu năm, đều “có mặt” đầy đủ trên tất cả đò ngang đã đăng ký hoạt động.

Quá tải ở các bến đò ngang – tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Thậm chí trên mỗi con đò còn được gắn biển thông báo đầy đủ những thông tin cần thiết cho các chủ đò và khách sang sông như mức chở của đò, số lượng phao cứu sinh và áo phao được trang bị, cả những số điện thoại để gọi trong những trường hợp khẩn cấp. Riêng tại các bến đò, hơn một năm nay, việc treo pa-nô tuyên truyền về công tác ATGT đường thủy cũng đã hoàn tất.

Đặc biệt, Đà Nẵng là một trong số ít địa phương đã hoàn thành chương trình tập huấn và cấp giấy chứng nhận cho 100% người điều khiển đò. Cá biệt, có một số trường hợp người đưa đò đã có bằng lái tàu cấp 3. Qua các lớp học, những người đưa đò được huấn luyện kỹ năng bảo đảm an toàn cho hành khách, nắm bắt được những quy định của Nhà nước về ATGT đường thủy nội địa.

Chỉ thiếu... ý thức cảnh giác

Hầu như kiểm tra nội dung gì thì các chủ đò đều đáp ứng đầy đủ, thế nhưng theo anh Nguyễn Hữu Cường, Chánh văn phòng Ban ATGT thành phố thì vẫn còn nhiều nỗi lo trên những chuyến đò ngang khi mùa mưa bão đến. Ví dụ như việc mặc áo phao, dù trên đò có đủ áo phao cho tất cả mọi người, nhưng theo quan sát của chúng tôi, chỉ có khoảng 50% hành khách chịu mặc khi đi đò. Đó là chưa kể các trường hợp như tại các bến đò Trường Định và Đò Xu (hai bến đò có lượng người đi rất đông) thường xuyên chở quá số người quy định, vì thế nhiều người đi đò nhưng không có áo để mặc. Ở đây, ý thức của người đi đò cũng là mối lo, khi không thiếu những người vẫn đùa giỡn khi đò đã ra giữa dòng.

Đáng lo ngại nữa là tại các bến đò được Ban ATGT thành phố cấp ghe máy nhưng lại không sử dụng, mà lại dùng những chiếc ghe nhỏ để đưa khách sang sông. Trường hợp điển hình là tại bến đò Thạch Bồ. Năm 2006, Ban ATGT thành phố cấp cho huyện Hòa Vang 3 chiếc đò máy, mỗi chiếc trị giá 54 triệu đồng và Ban ATGT huyện đã cấp lại cho bà Đặng Thị Em chiếc đò này dùng đưa khách qua sông. 

Tuy nhiên, trong suốt quãng thời gian trên, gần như chiếc đò máy này vẫn nằm im tại bến và ngày một xuống cấp. Trái lại, bà Em chỉ sử dụng một chiếc thuyền nhỏ đủ chở 3-4 người để đưa khách qua lại, mặc dù đây là đoạn sông rộng, nước chảy xiết và xoáy. Trước tình hình này, Ban ATGT thành phố đã nhiều lần gặp trực tiếp và gửi công văn yêu cầu Ban ATGT huyện Hòa Vang chấn chỉnh ngay vấn đề trên. Thế nhưng cho đến nay, bà Em vẫn không sử dụng chiếc đò máy được cấp để đưa khách. Về phần mình, lý giải vì sao không sử dụng đò máy cho an toàn, bà Em cho biết: Tôi không biết lái đò máy và nếu chạy cũng không đủ tiền mua dầu (!?).

Cũng rơi vào tình cảnh tương tự là chiếc đò máy được cấp cho bà Nguyễn Thị Hồng, sử dụng tại bến đò An Định. Chiếc đò máy này cũng thi thoảng mới được sử dụng, còn lại hằng ngày bà Hồng vẫn sử dụng chiếc thuyền nhỏ để đưa khách, chủ yếu là 44 hộ dân từ thôn An Định sang sông mỗi ngày. Nguyên nhân cũng giống với trường hợp bà Em là không đủ tiền để mua dầu chạy.
 Mùa mưa lũ đã bắt đầu, và những con sông trở nên khó lường hơn với cả những người sống bằng nghề sông nước. Chính vì thế, việc nhiều chủ đò và khách thiếu ý thức cảnh giác sẽ vô cùng nguy hiểm. Đây là việc cần chấn chỉnh ngay, nếu không hậu quả sẽ khó lường.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.