.

Nông dân lo chạy lũ

.

Mới qua vài trận mưa đầu mùa do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nhưng nông dân một số vùng của huyện Hòa Vang đã chuẩn bị ứng phó với lũ lụt. Tuy nhiên, sự ứng phó của bà con hiện vẫn khá bị động theo thời tiết.                      

Rau dập vì trời mưa lớn liên tiếp trong những ngày qua.
Tới thời điểm này, hầu hết các hộ dân tại xã Hòa Phong, Hòa Liên... đều đóng lúa vào bao, sẵn sàng chuyển lên gác khi nước tràn vào nhà. Trước đó hơn 1 tháng, bà con đã gặt xong lúa và chuyển qua trồng rau vụ đông. Theo nhiều nông dân, lượng mưa vừa qua chưa thể gọi là quá nhiều hay thời tiết quá xấu, nhưng  lại ảnh hưởng đáng kể đến việc trồng hoa màu ngắn ngày.

“Mưa như ri không đủ làm hư rau nhưng khó chăm sóc ghê lắm! Mấy ngày trước nắng quay, chừ lại mưa dầm, rau không lên nổi. Số lên được thì bị dập, những nông dân đang cắt những cọng rau khoai trên ruộng than phiền. Vì vậy, nhiều người trồng rau trên chỗ đất cao nhằm hạn chế nước ngập úng. Trong khi đó, các hộ khác vội vã gia cố chuồng trại chuẩn bị lùa vịt về.
 
“Để như năm rồi trôi vịt hết, năm ni tôi làm sớm hơn cho an toàn”, ông Nguyễn Văn Bốn, ở Cẩm Toại Trung, Hòa Phong nói. Ông Lâm Phùng, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, một trong những địa phương bị thiệt hại nhiều nhất trong đợt lũ năm ngoái cũng cho biết: “Chúng tôi lấy đỉnh lũ năm 1999 và mức nước dự phòng cao hơn 1m để triển khai phương án sống chung với lũ. Các cơn lũ, nếu có, sẽ giúp rửa trôi sâu bệnh trên đồng ruộng, bồi đắp phù sa và tạo thuận lợi cho vụ đông xuân, miễn là lũ không quá lớn như năm ngoái.

Tuy nhiên, theo bà con, việc ứng phó với lũ cũng chỉ trong giới hạn, còn trăm sự chỉ “trông trời, trông đất, trông mây”, giữ được thì tốt, không thì... mất. Chị Dương Thị Liên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hòa Liên thừa nhận, dù trồng rau vụ đông rủi ro cao, bà con vẫn phải chịu, vì “đâu phải năm nào cũng có lũ”.

Năng suất của vụ rau này chỉ đạt từ 50 - 65%, có khi mất gần hết. Như vậy, không có lũ thì còn cơ may giữ được, “kiếm đồng nào hay đồng ấy”, còn lũ về thì mất. Mưa liên tiếp làm dập hoa màu trong những ngày qua đã đẩy giá rau, hành ở các chợ lên cao gấp 2 đến 7 lần. Việc giữ lúa cũng tương tự. Lúa được đưa lên giàn cao chỉ “qua mặt” được lũ, nếu có bão, nhà tốc mái thì “chỉ giữ được người là quý, nói gì đến của”, ông Lâm Phùng nói.

 

Mưa liên tiếp làm dập hoa màu trong những ngày qua đã đẩy giá rau, hành ở các chợ lên cao gấp 2 đến 7 lần. Cụ thể: rau húng từ 10.000 đồng/kg tăng lên 70.000 đồng/kg; ớt từ 10.000 đồng/kg tăng lên 40.000 đồng/kg; hành lá từ 10.000 đồng/kg tăng lên 40.000 đồng/kg; cải từ 2.000 đồng/bó tăng lên 3.500 đồng/bó. Theo tiểu thương các chợ, nếu trời tiếp tục mưa lớn và liên tục trong nhiều ngày, giá rau có khả năng tăng nữa.

 

Bài và ảnh: HOA – VANG

;
.
.
.
.
.