.
PHIÊN HỌP THỨ 13 ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Phát hiện và xử lý tội phạm tham nhũng còn chậm

.

Ngày 8-10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XII làm việc dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Buổi sáng, các đại biểu nghe, đóng góp ý kiến về công tác phòng, chống tham nhũng; tình hình, kết quả thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Việc phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng còn chậm

Quang cảnh khai mạc phiên họp thứ 13 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) từ tháng 10-2007 đến 8-2008, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào nêu rõ: Trong gần một năm qua, công tác PCTN tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, thể hiện rõ qua sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ. Việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
 
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCTN đã hoàn thiện hơn, cơ bản bảo đảm hành lang pháp lý để chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật PCTN. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như công khai, minh bạch hoạt động, kê khai tài sản, thu nhập, xây dựng quy tắc ứng xử, trả lương qua tài khoản… được triển khai toàn diện và tích cực hơn; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được đẩy mạnh; qua đó đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng.
 
Hợp tác quốc tế trong PCTN tiếp tục được đề cao và tăng cường. Đẩy mạnh thanh tra trên các lĩnh vực, đã có trên 14.400 cuộc thanh tra kinh tế-xã hội và chuyên ngành được tiến hành; qua thanh tra phát hiện sai phạm với tổng giá trị 7.160,7 tỷ đồng, 8.052 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật 328 tập thể, 1.716 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 119 vụ với 134 đối tượng.
 
Qua một năm, các cấp, các ngành đã giải quyết 69.970 vụ việc khiếu nại, tố cáo; đạt tỷ lệ 83,7%. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương cũng phát hiện 379 vụ việc tham nhũng ( giảm 14% so với cùng kỳ), cơ quan điều tra các cấp khởi tố điều tra 284 vụ án với 622 bị can về các tội danh tham nhũng. Các cơ quan chức năng đã xử lý xong 2/4 vụ án còn lại trong số 8 vụ án trọng điểm được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung điều tra. Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN cũng đã rà soát các vụ án được phát hiện năm 2007, năm 2008 và đang chỉ đạo xử lý 15 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng khác.

Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Lê Thị Thu Ba nhận định: Báo cáo trên đã phản ánh khá toàn diện và cụ thể các mặt hoạt động và kết quả công tác PCTN. Tuy nhiên, UB Tư pháp QH cũng chỉ ra một số mặt tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Việc xây dựng thể chế về PCNT mặc dù có cố gắng nhưng vẫn còn chậm. Tổ chức bộ máy chỉ đạo về PCTN ở một số địa phương gặp lúng túng trong quá trình thành lập, nhìn chung hiệu quả hoạt động chưa cao.

Việc phát hiện tham nhũng qua thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo còn hạn chế, trong xử lý có biểu hiện hành chính hoá các vi phạm pháp luật hình sự. Các vụ việc tham nhũng do cơ quan, tổ chức phát hiện rất hạn chế, phần lớn do các cơ quan chức năng, phương tiện thông tin đại chúng, quần chúng nhân dân phát hiện, yêu cầu xử lý. Tiến độ xử lý các vụ án trọng điểm về tham nhũng rất chậm, có một số vụ án kéo dài do việc trả hồ sơ nhiều lần để điều tra bổ sung; có vụ đã xử lý nhưng chưa được cử tri và dư luận đồng tình, vì còn thiếu nghiêm minh.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí góp phần vào việc kiềm chế và đẩy lùi lạm phát

Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh đánh giá: Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) trong năm 2008 đã có bước phát triển mới, các biện pháp thực hiện đã đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với bối cảnh và tình hình thực hiện nhiệm vụ KT-XH trong năm, góp phần vào việc kiềm chế và đẩy lùi lạm phát.

Do thực hiện quyết liệt các biện pháp tiết kiệm 10% chi phí thường xuyên, giao chỉ tiêu tiết kiệm cụ thể nên việc THTK, CLP đã có sự chuyển biến từ ý thức và được các đơn vị triển khai mạnh mẽ với những biện pháp cụ thể, thu được kết quả thiết thực. Thực hiện tạm ngừng xây dựng mới, sửa chữa trụ sở làm việc, ngừng mua sắm mới trang thiết bị, phương tiện đi lại, nhiều Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc sắp xếp lại và bố trí sử dụng hiệu quả hơn trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, phương tiện đi lại.

Việc đình hoãn, giãn tiến độ các công trình, dự án không có hiệu quả hoặc hiệu quả thấp được thực hiện nghiêm túc nên trong bố trí, sử dụng vốn đầu tư xây dựng đã hiệu quả hơn, mặc dù các vi phạm dẫn đến lãng phí trong lĩnh vực này vẫn còn. Tình trạng lãng phí và các vi phạm trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên thiên còn khá phổ biến nhưng nhờ các biện pháp mạnh, đồng bộ nên bước đầu thu được kết quả tích cực.

Đồng tình với báo cáo của Bộ Tài chính về kết quả đã đạt được, báo cáo thẩm định của UB Tài chính và Ngân sách của QH cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại và nguyên nhân của những yếu kém trong công tác THTK, CLP. Đó là hệ thống văn bản pháp luật lên quan đến THTK, CLP còn nhiều hạn chế, các quy định của pháp luật chưa tạo ra động lực để khuyến khích tự giác thực hiện, chế tài xử lý vi phạm quá nhẹ, chưa ngăn chặn được tình trạng lãng phí.

Nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức và cá nhân chưa thực sự chuyển biến; một bộ phận cán bộ, công chức chưa gương mẫu thực hiện. Công tác tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chế độ trách nhiệm chưa được phân định rõ ràng, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nên còn tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành.

Trong thảo luận, góp ý kiến, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho rằng cần nêu rõ hơn những khó khăn trong việc thực hiện, những chỗ còn vướng chưa giải quyết được để tìm giải pháp khắc phục. Về cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, Phó Chủ tịch QH cho rằng đây là vấn đề mới, phức tạp nên cần tiếp tục nghiên cứu cụ thể hoá thêm.

Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai nêu rõ cần phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn để khắc phục những hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Ksor Phước cho rằng thực hiện chống tham nhũng, chúng ta có quyết tâm nhưng xử lý còn chậm, cần công khai minh bạch các dự án lớn của quốc gia, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính. Ông Ksor Phước cũng đề xuất QH nên có giám sát chuyên đề về đấu tranh phòng chống tham nhũng, tránh giám sát chung chung; tiếp sức cho Chính phủ, cổ vũ toàn dân tăng cường đấu tranh.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu lưu ý cần đánh giá thêm vấn đề thực hành tiết kiệm trong khu dân cư, vì tuy có đề cập nhưng chưa rõ nét. Về tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, Phó Chủ tịch QH tán thành các giải pháp mà Chính phủ đề ra để chủ động phòng ngừa.

(Theo TTXVN)

;
.
.
.
.
.