.

Phòng chống bão lũ ở Hòa Vang

.

Từ trước đến nay, chính quyền và nhân dân huyện Hòa Vang luôn quán triệt nguyên tắc “né tránh, thích nghi, giảm nhẹ và chế ngự một phần”, thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai, xử lý linh hoạt các tình huống nên đã hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Gần 2/3 số hộ ở thôn Thạch Bồ, xã Hòa Phong (Hòa Vang) có nghề chống lũ.

Tuy vậy, năm nào trên địa bàn huyện này cũng có người thiệt mạng do bão lũ. Chỉ tính năm 2007 đã có 5 người chết, 22 người bị thương, 3.000 tấn thóc bị ướt; 50 con trâu, 3.500 con heo, 50 nghìn con gia cầm bị lũ cuốn trôi..., thiệt hại về tài sản 213,7 tỷ đồng.

Đối phó với bão lũ năm nay, huyện Hòa Vang triển khai phương án phòng chống khá sớm. Ngay từ tháng 4 đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCLB&TKCN huyện và 11 xã, phương án phòng chống lũ quét, lũ ngập sâu... triển khai đến từng thôn, tổ. Tại các xã đồng bằng, khái niệm “sống chung với lũ” được người dân xác định, từ đó họ chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện để phòng chống. 

Thôn Thạch Bồ, xã Hòa Phong có 113 hộ trải dọc theo tả ngạn sông Yên ở vào vùng rốn lũ. Năm nào nhà cửa bà con thôn này cũng bị ngập, nhẹ thì hơn 1 mét, nặng có khi sát nóc. Từ thôn lên đường 14B gần 2km. Lũ lớn, việc di chuyển lên vùng cao gần như không thể. Ban nhân dân thôn và các hộ dân xác định chống lũ bằng cách bám trụ tại chỗ là tốt nhất.

Từ đó, công tác chuẩn bị chống lũ rất chu đáo. Hầu như nhà nào cũng xây gác tránh lũ. Nhà anh Võ Cư xây dựng khá kiên cố, gác lửng cao hơn 2 mét, đủ cho cả nhà ở và chất đồ đạc khi có lũ. Anh Cư cho hay: Ở sát sông, lũ về bất chợt thường vào ban đêm. Có khi đang ngủ, nước ngập đến giường mới hay. Lúc đó chỉ kịp chạy lên gác.

Việc di dời trong lũ vô cùng nguy hiểm. Không những lũ chảy xiết, trời tối mà dây điện giăng mắc khắp nơi, ghe thuyền đi lại rất dễ gặp nạn. Anh nói: Hễ nghe thông tin có lũ là chủ động chuyển lương thực, thực phẩm, đồ dùng lên gác. Lượng lương thực, thực phẩm, dầu thắp, chất đốt... đủ dùng trong 5-7 ngày được chuẩn bị đầy đủ trước khi có lũ. Liên tục cập nhật thông tin về lũ từng giờ, nước tràn vào nhà là lên gác ngay. Nhờ chuẩn bị chu đáo về tâm lý và cơ sơ vật chất, lũ lớn đến mấy gia đình anh cũng không di dời. Có ghe nhưng khi lũ lớn, anh cũng không di chuyển bởi nguy hiểm. Hiện tại, điều anh trăn trở nhất đó là chưa có điều kiện làm gác tránh lũ cho gia súc, gia cầm. Lũ năm ngoái, gia đình anh bị trôi mất 2 con heo. 

Trưởng thôn Thạch Bồ Võ Văn Viên cho hay: Điều lo nhất là 23 hộ nhà ở chưa kiên cố và không có gác tránh lũ. Khi có thông báo lũ, công việc đầu tiên là di dời số hộ này đến nhà kiên cố hơn. Kinh nghiệm chống lũ của bà con ở đây đã dạn dày, nhờ vậy khi lũ về, ai nấy chủ động phòng chống. Điều bà con ở đây mong chờ là có phao cứu sinh. Hiện tại, thôn này chỉ có 4 chiếc phao cá nhân, trong khi Ban chỉ huy PCLB thôn có 8 người. Hơn 70 chiếc ghe của bà con nhưng người điều khiển ghe chưa có chiếc phao nào. Hơn nữa, thôn này không có nhà cao tầng, việc di chuyển tránh lũ cho các hộ nhà không kiên cố gặp không ít khó khăn. Nhân dân mong trên quan tâm đầu tư xây dựng nhà chống lũ đa năng như ở Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn).

Ông Nguyễn Phú Ban, Phó Ban Chỉ huy PCLB&TKCN huyện cho rằng: Phòng chống thiên tai ở mỗi gia đình có ý nghĩa quyết định đến sự an toàn về người và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản. Vấn đề quan trọng nhất là phải làm cho người dân nhận thức sâu sắc và có trách nhiệm phòng chống bão lũ. Bên cạnh đó, vai trò của các tổ, đội xung kích vô cùng quan trọng.

Lực lượng này không chỉ hướng dẫn bà con chống lũ, ngăn chặn tình trạng di chuyển trong lũ, mà giải quyết nhanh tình huống xảy ra. Hiện tại, các xã đều có đội xung kích hàng chục người. Năm nay, ngoài phương án bảo đảm an toàn cho người, huyện có phương án bảo đảm an toàn cho gia súc, gia cầm bằng cách động viên các hộ làm gác tránh lũ và chủ động di chuyển lên vùng cao trước khi lũ đến.

Ngoài ra, bảo đảm an toàn cho các hồ đập, bên cạnh chuẩn bị lực lượng ứng phó, các loại vật tư, vật liệu, trang bị dụng cụ đã chuẩn bị chu đáo. Với phương án cụ thể, triển khai chu đáo đến tận người dân, công tác phòng chống bão lũ ở Hòa Vang năm nay sẽ đạt hiệu quả hơn các năm trước, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.