.
RỪNG ĐẶC DỤNG NAM HẢI VÂN BỊ TÀN PHÁ

Cần nhìn thẳng vào sự thật!

.

Trong thời gian vừa qua, các cơ quan ngôn luận của địa phương và Trung ương đã đề cập nhiều đến việc tàn phá rừng đặc dụng Nam Hải Vân và gỗ lậu vẫn “chảy” về xuôi trên sông Cu Đê. Nhìn những cánh rừng thông ở Nam Hải Vân bị tàn phá và có nguy cơ xóa sổ, không ai không đau lòng và nhiều câu hỏi đặt ra, rừng có chủ hay không có chủ? Ai sẽ chịu trách nhiệm về việc mất rừng?…

Nguyên nhân?

Rừng thông tại Tiểu khu 11, sát khu dân cư tổ 1 Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu bị tàn phá.  Ảnh: N.CẦU

Trước sự bức xúc của dư luận xã hội, thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố Đà Nẵng, ngày 25-10, lãnh đạo quận Liên Chiểu đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để bàn biện pháp quản lý và bảo vệ rừng đặc dụng Nam Hải Vân. Với tinh thần nhìn thẳng sự thật, nói thẳng sự thật, cuộc họp đã đưa ra những nguyên nhân dẫn đến rừng bị tàn phá cũng như những giải pháp cấp bách về quản lý và bảo vệ những cánh rừng trồng còn lại.

Có thể nói, chưa bao giờ bàn về vấn đề quản lý và bảo vệ rừng ở quận Liên Chiểu lại có đầy đủ các cơ quan, ban, ngành liên quan và vấn đề trở nên “nóng” đến như vậy. Từ Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, lãnh đạo quận Liên Chiểu, Kiểm lâm thành phố, lãnh đạo Cơ quan quân sự, Biên phòng, Công an quận, BQL rừng đặc dụng Nam Hải Vân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, Chi nhánh điện 2, lãnh đạo Xí nghiệp Vận tải đường sắt Hải Vân… đều có mặt.

Tại cuộc họp, nhiều câu hỏi đặt ra, nguyên nhân nào dẫn đến việc rừng Nam Hải Vân bị tàn phá như vậy, trong khi có chủ rừng (BQL rừng đặc dụng Nam Hải Vân), có lực lượng kiểm tra, kiểm soát (Kiểm lâm), có cơ quan quản lý Nhà nước (chính quyền địa phương)… Ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu nói trong bức xúc:
 
“Thành phố cũng như quận, đã có rất nhiều văn bản và đã triển khai lực lượng, kinh phí để quản lý, bảo vệ rừng tại sao rừng vẫn bị tàn phá, bọn lâm tặc khai thác vận chuyển gỗ nhiều như vậy tại sao chỉ có Bộ đội Biên phòng mới bắt được một vụ nhỏ, trong khi đó, lực lượng Kiểm Lâm trên địa bàn lại bất lực? Hãy nói thẳng sự thật không né tránh, không bao biện”. Có ý kiến đặt thẳng vấn đề, tại sao khi lực lượng Kiểm Lâm chuẩn bị tuần tra, kiểm soát, bọn lâm tặc đã biết trước để tẩu tán gỗ? Tại sao gỗ lại tự do lên tàu lửa về ga Kim Liên như chỗ không người, có hay không việc lái tàu móc nối với người khai thác, vận chuyển gỗ?

Nhiều ý kiến đặt câu hỏi, trên địa bàn quận Liên Chiểu lượng gỗ vườn khai thác ở đâu mà cấp giấy phép kinh doanh đến 7 - 8 cơ sở cưa nếu không muốn nói là gỗ lậu về từ sông Cu Đê, gỗ khai thác ở rừng đặc dụng Nam Hải Vân. Lâm tặc tự do phá rừng, lực lượng Kiểm lâm nói khác, BQL rừng nói khác, địa phương nói khác. Có hay không người nhà của lãnh đạo địa phương buôn bán, vận chuyển gỗ? Tại cuộc họp này phải tìm cho ra bệnh để mà chữa, không quanh co đổ lỗi cho nhau. Ông Dương Thành Thị khẳng định:

“Tôi ở trên địa bàn quận Liên Chiểu mấy chục năm nay, nhưng chưa bao giờ thấy mức độ tàn phá rừng nhiều như từ năm 2006 đến nay. Rừng tàn phá nhiều như vậy nhưng chưa có vụ nào xử lý lâm tặc, chưa có ai bị đuổi việc, mất chức cả. Tôi khẳng định, không phải là không làm được mà có làm hay không làm mà thôi. Xử lý không nghiêm khắc, làm không đến nơi đến chốn, không những không giữ được rừng mà còn dẫn đến xem thường kỷ cương phép nước, người dân xem thường chính quyền địa phương”.

Ông  Huỳnh Tấn Thiệt, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu bức xúc: “Không nên viện cớ đời sống nhân dân khó khăn, không có công ăn việc làm, sống dựa vào rừng. Tại sao 30 năm qua rừng Hải Vân vẫn quản lý và bảo vệ được. Những địa phương khác không có rừng thì người dân đói à?”. Ông Nguyễn Xuân Hoài, Bí thư phường Hòa Hiệp Bắc thắc mắc:

“Tôi không hiểu tại sao ở địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc với dân số rất ít lại cấp giấy phép hoạt động tới 6 cơ sở cưa xẻ gỗ, trong khi đó gỗ vườn tại đây rất ít”. Ông Trần Văn Hà, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu: “BQL rừng đặc dụng Nam Hải Vân là chủ rừng mà lực lượng Kiểm lâm chúng tôi phải gánh hết trách nhiệm. Trách nhiệm quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân thuộc về BQL là chủ yếu”. Ông  Hà Huy Độ, Trưởng BQL rừng đặc dụng Nam Hải Vân : “Rừng đặc dụng Nam Hải Vân mà để BQL chịu trách nhiệm thì chúng tôi bó tay!”…

Ông Trần Văn Hào, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng nêu một trong những nguyên nhân dẫn đến rừng đặc dụng Nam Hải Vân bị tàn phá đó là sau bão số 6, lực lượng chức năng đã không đánh dấu cây nào bị hư hại, cây nào được tận thu, ai được vào rừng tận thu… Ông nhấn mạnh “Tôi rất bất bình khi một đối tượng ăn cắp chiếc xe đạp thì bắt đi cải tạo, trong khi đó phá rừng, lấy tài sản của Nhà nước nhưng chưa có ai bị xử lý cả. Phải áp dụng những hình thức để răn đe các đối tượng tàn phá rừng và phải kiên quyết lập lại trật tự trong việc quản lý và bảo vệ rừng đặc dụng Nam Hải Vân”.

Một nguyên nhân trong mọi nguyên nhân dẫn đến việc thả nổi về công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Nam Hải Vân là sự phối hợp không đồng bộ của các cơ quan chức năng. Tại cuộc họp “nóng” này đã chứng minh điều đó là có thật. Với những ý kiến phát biểu của Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu, của BQL rừng đặc dụng Nam Hải Vân và địa phương, có thể nhận thấy rằng giữa các cơ quan, đơn vị này chưa có sự phối hợp đồng bộ.

Chẳng hạn như khi thành lập tổ kiểm tra “liên ngành”, không có tổ trưởng, tổ phó, khi phát hiện gỗ lậu không ai “chỉ huy”, nên để người dân tẩu tán gỗ ngay trước mặt mình mà không biết xử lý ra sao. Cũng cần nói thêm rằng, với cách phối hợp như vừa qua của các lực lượng chức năng thì gỗ lậu vẫn tiếp tục về sông Cu Đê và rừng đặc dụng Nam Hải Vân vẫn bị tàn phá…
 
Nhận xét về nguyên nhân này, một lần nữa ông Dương Thành Thị khẳng định: “Chừng nào lực lượng Kiểm Lâm, BQL rừng, chính quyền địa phương chưa “gặp nhau” thì khó mà giải quyết hiệu quả được. Cho nên, phải phối hợp chặt chẽ, phải cùng chung quan điểm để hành động”… Rất nhiều ý kiến đề nghị phải điều tra về vụ án phá rừng Nam Hải Vân để làm rõ  trách nhiệm…

Giải pháp cấp bách

Nhằm lập lại trật tự trong việc quản lý và bảo vệ rừng Nam Hải Vân, chống vận chuyển, cưa xẻ gỗ lậu trên địa bàn, UBND quận Liên Chiểu đã thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Phó Chủ tịch UBND quận làm trưởng ban và gồm các lực lượng liên quan như Hạt Kiểm lâm, BQL rừng đặc dụng Nam Hải Vân, Quận đội, Công an quận, Bộ đội Biên phòng, lực lượng dân phòng địa phương…

Quận thực hiện thu hồi ngay giấy phép hoạt động kinh doanh của các xưởng cưa trên địa bàn. Các lực lượng chức năng sẽ túc trực 24/24 giờ tại các điểm trọng yếu về các điểm khai thác, tập kết, vận chuyển gỗ trái phép như bến sông, nhà ga, trạm thu phí giao thông, v.v… đồng thời thực hiện truy quét lâm tặc trong thời gian suốt 45 ngày…

LÊ LÂM

;
.
.
.
.
.