.

Sống chung với lụt bão

.

Dải đất miền Trung cứ vào những tháng cuối năm là mưa gom, bão góp. Để bảo vệ tài sản khỏi bị hư hỏng, nhiều cơ quan hành chính đã có cách… chung sống với lụt bão hết sức linh hoạt.

“Treo” CPU chống bão, lụt

Các thiết bị máy tính luôn được các cơ quan, đơn vị bảo vệ chống ướt do mưa.

Nằm trong “rốn” bão lũ của cả nước, kinh nghiệm “xương máu” của doanh nghiệp viễn thông miền Trung là phải kiên cố hóa. Một số trụ sở làm việc của Viễn thông Đà Nẵng nhìn ngoài là biệt thự nhưng vào trong thì như…lô cốt. Bà Lê Thanh Thu Hà, Phó Giám đốc Viễn thông Đà Nẵng vẫn còn nhớ như in bài học kinh nghiệm từ chống cơn bão Xangsane năm 2006. Viễn thông Đà Nẵng  đã chủ động cử hai người trực tại mỗi nhà trạm để chống bão, nhưng bão quá mạnh đánh tan cửa kính, khiến nhiều nhà trạm phải ngưng hoạt động.
 
Sau cơn bão, Ban lãnh đạo Viễn thông Đà Nẵng đã quyết định đưa tất cả thiết bị trạm lên tầng 2 để chống lụt và xây bịt kín các cửa sổ tầng 2 để chống bão. Để bảo đảm mỹ quan cho nhà trạm, Viễn thông Đà Nẵng để nguyên cửa giả. Bất kỳ ai đứng bên ngoài nhìn vào đều thấy nhà trạm là một ngôi nhà thật đẹp nhưng khi vào trong thì nó lại là một “lô cốt” chống bão vững chắc.

Các Bưu điện - văn hóa xã ở thành phố Đà Nẵng luôn là những điểm thường bị ngập lụt trong mùa mưa bão, nên nhiều Bưu điện-văn hóa xã đã phải treo máy tính lên cao. Chính vì vậy, khi lắp đặt các máy tính, Bưu điện Đà Nẵng đã có sáng kiến rất hay là làm ròng rọc để chị em kéo máy lên cao khi lũ tới. Lũ lên, chị em chỉ cần quay ròng rọc, tức khắc các máy tính đều được treo trên cao.

Hiện ở Đà Nẵng có nhiều điểm bưu điện, cơ quan hành chính đóng tất cả các giá đựng vào tường để đặt CPU máy tính cao hơn mực nước lụt năm 1999 trên 20cm, vừa bảo đảm mỹ quan vừa bảo đảm an toàn. Ngoài ra, tất cả các bàn đọc sách, tủ đựng tài liệu tại các điểm Bưu điện-văn hóa xã đều được đóng bằng gỗ tốt, chân cao hơn mực nước lũ, chứ không được mua bàn ghế gỗ ép.

Ông Nguyễn Hữu Đê, Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ cho biết, dù phường mới thành lập, kinh phí hạn hẹp nhưng trang bị tủ đựng tài liệu thì phải dùng gỗ tốt. Giữa đêm hôm nước ngập vào cũng không bị hư hỏng. Ở Công ty Vật liệu xây dựng-xây lắp và kinh doanh nhà Đà Nẵng vào mùa mưa bão là huy động toàn bộ công nhân viên đóng gói hồ sơ tài liệu đem đi gửi ở nơi khô ráo. Có cơ quan, mùa mưa đến, máy móc cũng trang bị… thêm áo mưa. Hễ làm việc xong vào cuối ngày, các máy vi tính đều tắt nguồn điện và choàng thêm chiếc áo mưa để lỡ văn phòng bị thấm dột, cửa kính vỡ thì máy móc vẫn an toàn.

Tránh mất điện: đưa máy phát ngự tầng 2

Bão lũ có nhiều bất ngờ khó lường trước, Trung tâm Dịch vụ viễn thông khu vực 3 (VMS 3)  đã có không ít bài học thông qua thiệt hại về trạm BTS khi lũ về. Trước đây khi xây dựng các trạm BTS tại các tỉnh Tây Nguyên, VMS 3 đã chủ quan, không nghiên cứu kỹ khi lụt. Trận lụt do ảnh hưởng cơn bão số 2 năm 2007 khiến 2 trạm BTS tại huyện E Asúc (Đắk Lắk) và tại huyện Lương Sơn (Khánh Hòa) bị ngập, hư hỏng thiết bị. Do đó, VMS 3 cho biết, ngay từ các công đoạn xây dựng, các tiêu chuẩn kỹ thuật phải tính kỹ theo tình hình khí hậu, thời tiết, địa lý từng địa phương. Tất cả gần 1.800 trạm BTS của VMS 3 đều có máy phát điện tại chỗ và đặt các thiết bị trên tầng 2 của nhà trạm, không còn cảnh lũ bão tới, xe ô-tô chở máy phát điện chạy tứ phương.

Sau nhiều sự cố do lũ lụt, kinh nghiệm của các doanh nghiệp viễn thông miền Trung cũng như nhiều cơ quan, đơn vị khác là chủ động và kiên cố hóa. Hằng năm, không phải cứ đến đầu mùa lũ mới có kế hoạch phòng chống, mà họ đã có những tính toán ngay từ kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, và triển khai kế hoạch từ đầu năm. Trước mùa bão lũ 2008, các cơ quan, đơn vị ở Đà Nẵng đã an tâm hơn trong phòng chống bão lũ.

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.