(ĐNĐT) - Ngày 24-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án.
ĐB Huỳnh Nghĩa phát biểu ý kiến tại hội trường. |
Theo ĐB, việc các ngành tố tụng đã dám nhìn thẳng vào sự thật, nhìn thấy cái sai, thừa nhận cái sai và đã sửa sai bằng các quyết định đình chỉ điều tra, tuyên xử bị cáo không phạm tội mà Viện kiểm sát truy tố là một việc làm không phải dễ dàng, nếu không muốn nói là rất khó khăn, nhất là khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 388 về bồi thường thiệt hại do oan sai trong tố tụng hình sự.
ĐB Huỳnh Nghĩa nhấn mạnh, việc thống kê số người bị khởi tố, điều tra, truy tố oan sai trong một năm không chỉ là một con số đơn thuần, bởi vì nó gắn liền với từng số phận, từng con người, từng gia đình, bởi bản thân những người này và kể cả người thân trong gia đình họ phải gánh chịu tai tiếng của dư luận, dòng họ mà không có bất kỳ một sự bồi thường nào có thể bù đắp được. Do đó, ĐB đề nghị: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 388 về bồi thường thiệt hại do oan sai trong tố tụng hình sự, thì cũng cần ban hành một Nghị quyết riêng quy định cụ thể về nội dung và hình thức xử lý trách nhiệm đối với những người tiến hành tố tụng đã trực tiếp gây ra oan sai cho công dân hoặc bỏ lọt tội phạm, trong đó quy định cụ thể hình thức kỷ luật, thậm chí khởi tố, điều tra, xử lý về hình sự nếu cán bộ đó biết oan, sai mà vẫn cố tình khởi tố, điều tra... Có như vậy thì mới đủ sức răn đe, hạn chế việc gây ra oan sai trong tố tụng hình sự. Đồng thời, hàng năm các ngành tố tụng cần báo cáo công khai cho Quốc hội biết danh sách các Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân đã trực tiếp làm oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm để Quốc hội và các Đoàn ĐBQH theo dõi, giám sát.
Về án treo, theo ĐB Huỳnh Nghĩa, qua thống kê cho thấy tỉ lệ các bị cáo bị xử phạt tù nhưng được tòa án cho hưởng án treo là khá cao, kể cả một số bị cáo bị xét xử về nhóm tội tham nhũng cũng được cho hưởng án treo là chưa nghiêm, nhất là khi Quốc hội đã ban hành Luật phòng chống tham nhũng.
Về việc tuyên án của tòa án, ĐB Huỳnh Nghĩa cho rằng, theo báo cáo thì số bản án, quyết định tuyên không rõ, có sai sót không giảm và có dấu hiệu ngày càng tăng lên. ĐB đề nghị Chánh án Tòa án nhân tối cao giải thích việc này cho Quốc hội rõ và đề ra hướng khắc phục tình trạng này trong thời gian đến. Vì nếu tòa án tuyên không rõ thì cơ quan thi hành án không thi hành được, mà như vậy thì sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.
Theo ĐB Huỳnh Nghĩa, có một số vụ án lớn, dư luận đặc biệt quan tâm, việc tiến hành điều tra chậm chạp, kéo dài, rồi đình chỉ vụ án, thay đổi tội danh... Đây là tình trạng thực thi pháp luật chưa nghiêm. ĐB đề nghị Quốc hội giao trách nhiệm cho Ủy ban Tư pháp thành lập Đoàn giám sát trực tiếp giám sát việc xử lý một số vụ án lớn, nghiêm trọng mà dư luận đặc biệt quan tâm, qua đó, tìm ra nguyên nhân vì sao lại có chuyện “đầu voi đuôi chuột”, vì sao quá trình điều tra kéo dài, xử lý chưa nghiêm... để nếu phát hiện có vi phạm thì dù bất kỳ là ai cũng đều phải được xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật.
HỮU HOA