Chiều ngày 27-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Quản lý nợ công. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Quảng Nam.
Về vay nợ của chính quyền địa phương, ĐB cho rằng, nếu để chính quyền địa phương trực tiếp đàm phán, ký kết vay nợ sẽ có cái được là tạo ra sự linh hoạt, tạo điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương; nhưng sẽ rủi ro vì Chính phủ khó kiểm soát. Do đó, ĐB đề nghị không nên giao chính quyền địa phương quyền này mà nên quy định chính quyền địa phương vay lại của Chính phủ.
Chủ trì thảo luận, ĐB Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, đưa ra thực tế hiện nay là Ngân hàng Nhà nước giữ vai trò đại diện cho Nhà nước ký kết các hiệp định vay nợ đối với một số tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB…; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đàm phán và ký kết các Điều ước quốc tế khung về ODA; Bộ Tài chính ký vay nợ với Chính phủ các nước và các tổ chức tài chính quốc tế khác.
Do vậy, ĐB đề nghị cần tập trung tất cả các nguồn vốn vay vào Quốc hội, cần quy định vay nước ngoài phải thông qua Quốc hội và giao trách nhiệm cho Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối, chủ trì trong việc quản lý nợ công. Bộ Tài chính là người chịu trách nhiệm tổng hợp cuối cùng, biết phải trả nợ bao nhiêu, cân đối nền kinh tế quốc gia. Vì vay hàng tỷ USD thì đòi hỏi phải có thời gian bàn bạc, ký kết, trong khi đó mỗi năm Quốc hội họp 2 lần nên Chính phủ hoàn toàn có thể báo cáo Quốc hội quyết định. Qua đó, ĐB Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh, Quốc hội biết được nợ bao nhiêu, đã trả bao nhiêu, còn nợ bao nhiêu nữa để cân đối hằng năm, tránh việc vay quá nhiều không kiểm soát được.
Đồng tình với ý kiến này, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, cần giao thẩm quyền phê duyệt chiến lược nợ dài hạn cho Quốc hội, không nên để Chính phủ quyết định. Vì đây là vấn đề liên quan đến việc bội chi ngân sách, để bảo đảm an toàn nền kinh tế và an ninh tài chính của quốc gia. ĐB đề nghị cần bổ sung vào luật quy định giao Quốc hội phê duyệt tổng mức vay và kế hoạch vay nợ, trả nợ mà Chính phủ trình.
Theo Tờ trình của Chính phủ, tính đến ngày 31-12-2007, tỷ lệ nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) vào khoảng 40,7% GDP, trong giới hạn an toàn theo Định hướng phát triển tài chính Việt Nam đến năm 2010 đã được Chính phủ phê duyệt (nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia đều ở mức không quá 50% GDP).
Về nợ nước ngoài, tính đến ngày 31-12-2007, tỷ lệ nợ tương ứng 32,75% GDP và 42,69% kim ngạch xuất khẩu. Theo Quyết định số 231/2006/QĐ-TTg ngày 16-10-2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xây dựng và quản lý hệ thống chỉ tiêu đánh giá, giám sát tình trạng nợ nước ngoài của quốc gia thì tỷ lệ này cũng đều trong giới hạn an toàn. Tỷ lệ nợ nước ngoài của quốc gia nói chung và của khu vực công nói riêng so với GDP có xu hướng ổn định và giảm dần trong trung hạn.
HỮU HOA