.
THẢO LUẬN LUẬT QUY HOẠCH ĐÔ THỊ, ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG:

Muốn quy hoạch đô thị tốt, người duyệt quy hoạch phải có tầm nhìn và quản lý tốt

Chiều ngày 22-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Quy hoạch đô thị (QHĐT). Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với các Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Quảng Nam. Đại biểu (ĐB) Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, được phân công làm Tổ trưởng.

Chủ trì thảo luận, ĐB Nguyễn Bá Thanh đề nghị các vị ĐBQH tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng như phạm vi điều chỉnh của luật, tính phù hợp với thực tế nước ta về khái niệm “đô thị” và thông lệ quốc tế; các tiêu chí để xác định đô thị và phân loại đô thị; về Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng; việc lập quy hoạch, đồ án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, cấp Chứng chỉ quy hoạch và Giấy phép quy hoạch; việc quản lý quỹ đất đô thị.    

ĐB Nông Đức Mạnh (Thái Nguyên) cho rằng, chúng ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đang trong tiến trình đổi mới đất nước. Khi Luật QHĐT này được ban hành, nó sẽ điều chỉnh chúng ta có một tầm nhìn rộng hơn trong phạm vi cả nước để có một  mạng lưới đô thị hợp lý ở tất cả các vùng.

Hiện nay, trên tất cả các vùng miền, tốc độ đô thị hóa rất nhanh, nếu không ban hành luật này để có sự chủ động điều chỉnh về công tác quy hoạch  tổng thể một cách đồng bộ, thì sẽ hình thành nên những khu đô thị trên đất nước không phù hợp sự phát triển trong tương lai. ĐB nhấn mạnh, quy hoạch đô thị phải hiện đại nhưng phải có tính dân tộc, từng vùng phải có dáng kiến trúc độc đáo của vùng đó. ĐB Nông Đức Mạnh nhận xét, về quy hoạch, Đà Nẵng là một thành phố hiện đang cố gắng để đô thị hóa và xây dựng thành một thành phố đẹp ven biển.

ĐB Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, Điều 33 “Cải tạo, chỉnh trang đô thị, phát triển khu đô thị mới và trục đường mới trong đô thị” cần tách ra thành 2 Điều luật riêng. Theo ĐB Sơn thì việc cải tạo, chỉnh trang đô thị là vấn đề cần thiết để không có tình trạng manh mún, chật hẹp, thành phố không ra thành phố. Việc cải tạo không có nghĩa là phá bỏ cái cũ, làm cái mới mà cần giữ lại cái gì cần giữ. Có những khu đô thị cổ, nhà cổ, di tích lịch sử văn hóa phải bảo tồn và phát triển. Cần kết hợp giữa cái cũ bên cạnh cái mới. Đây là vấn đề mà Luật QHĐT cần quy định chặt chẽ và cũng là vấn đề nhạy cảm, tránh để xảy ra việc lợi dụng việc này.

Theo ĐB Nguyễn Bá Thanh, muốn QHĐT tốt thì người duyệt quy hoạch phải có tầm nhìn. Vấn đề quản lý quy hoạch cũng rất quan trọng, nếu quy hoạch đúng rồi nhưng quản lý không tốt thì cũng sẽ dễ dẫn đến tình trạng phá vỡ quy hoạch. ĐB Nguyễn Bá Thanh cho rằng, việc quy hoạch những khu đô thị lớn, tầm cỡ như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh… cần thiết phải thuê tư vấn nước ngoài, vì chúng ta chưa đủ tầm. ĐB cũng đưa ra một kinh nghiệm trong quản lý đô thị là nhiều lãnh đạo nhưng chỉ có một người chỉ huy, phải thực thi pháp luật trong quản lý đô thị một cách nghiêm túc.

ĐB Huỳnh Nghĩa, Phó trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng cho rằng Luật QHĐT ra đời sẽ tạo lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ và rõ ràng cho công tác quy hoạch và phát triển đô thị, đồng thời là công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong quy hoạch và phát triển đô thị ở nước ta, bảo đảm phát triển hệ thống các đô thị và từng đô thị phát triển bền vững.

Theo ĐB, không nên quy định Hội đồng kiến trúc quy hoạch của thành phố, thị xã thuộc tỉnh vì yêu cầu quản lý đô thị và điều kiện về đội ngũ chuyên môn về quy hoạch đô thị tại thành phố, thị xã chưa bảo đảm, chưa có sự liên kết quy hoạch đô thị trong tỉnh.

Trong trường hợp cần thiết thì có Hội đồng Kiến trúc quy hoạch cấp tỉnh và sẽ mời một số cơ quan chuyên môn, một số chuyên gia am hiểu về quy hoạch đô thị tại địa phương tham gia Hội đồng. ĐB cho biết, theo Luật Tổ chức HĐND và UBND, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh là quyết định quy hoạch phát triển đô thị nhưng trong dự thảo Luật QHĐT về các mục thẩm định phê duyệt; điều chỉnh quy hoạch đô thị không thấy nhắc đến nhiệm vụ của HĐND.

HỮU HOA

;
.
.
.
.
.