Cả tháng rồi trời cứ làm mưa, áp thấp nhiệt đới, rồi bão gần, bão xa. Cả xóm ép dẻo, cân đồng hồ ngồi ngóng mắt ra ngoài: “Chậc! Mưa kiểu này không khéo lại về quê trú dăm bữa nửa tháng”!
Gần hai chục người là dân “ép dẻo”, “đo huyết áp, thử sức kéo” cùng quần cư thành một xóm trọ ở hai con hẻm đường Nguyễn Tri Phương-Đà Nẵng.
“Đội quân” đi bộ
Tranh thủ sửa máy ép dẻo, chuẩn bị “lên đường” kiếm sống. |
Anh Hà Tài Nam, mới chân ướt chân ráo vào Đà Nẵng làm ăn nửa tháng nay lại muốn phát khóc lên vì không chịu nổi đường xa. Anh cúi mặt: “Chuẩn bị tinh thần cả rồi mà vẫn không khỏi bỡ ngỡ, không hình dung nổi sẽ vất vả đến vậy!”. Chỉ vào khay trà ở giữa chiếu, anh bảo: “Không quen đường, nhiều khi muốn đi tới cái ấm, lại lòng vòng tới cái chén” (muốn đi tới đường A nhưng lại sang tận đường B - PV).
Vì đi suốt, chỉ trừ ngày mưa, anh Tính và nhiều anh em khác nắm rõ đường sá, hẻm kiệt như lòng bàn tay. Vũng Thùng, chợ Mả Vôi, Non Nước, Túy Loan, dốc Hòa Cầm, chợ Nam Ô... đôi lúc còn xa lạ với nhiều người dân địa phương, nhưng anh Tính lại kể vanh vách từng chốn nơi. Lâu lâu lại “cập nhật”: “Chợ Túy Loan mới xây lại 2 năm nay thôi”, “Chợ Nam Ô sắp dời rồi”, v.v...
Ở đâu có “đo cân nặng”, ở đó có người Hưng Yên
“Già làng” Tính khẳng định như vậy. Anh thuộc lớp đầu tiên từ xã Dạ Trạch, tỉnh Hưng Yên, lặn lội đến Đà Nẵng làm nghề này cách đây 7 năm. Vợ anh Tính tâm sự: “Ở quê mỗi người chỉ có 430m2 ruộng, quần quật quanh năm chỉ thu chừng 5 tạ thóc, lấy gì ăn, nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ già, nên dân làng tôi kéo nhau sang các tỉnh thành kiếm sống”.
Thấy nghề ép dẻo, cân nặng có thể sống được, người này rỉ tai, bày vẽ người kia, đến độ 7 phần dân số làng này (khoảng 2.000 người theo lời anh Tính) vay mượn, cầm cố ruộng vườn, nhà cửa để mua cân, mua máy ép khăn gói ra đi. Để có được khoảng 15 triệu đồng/cân, 6 triệu đồng/máy ép dẻo, có khi 2 nhà phải chung tiền mua, rồi chia nhau khoản lợi nhuận ít ỏi, cho tới lúc đủ tiền mua thêm một máy nữa. Người mới được các “liền anh, liền chị” chỉ cho cách sử dụng, đường đi nước bước trong mấy ngày đầu.
Vào khu trọ, người ta dễ có cảm giác đây là một xóm thực sự theo nghĩa “xóm làng”. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, vài anh tụ lại trong phòng trọ anh Tính, nhâm nhi ly trà Bắc, rít điếu thuốc lào, hoặc giúp nhau sửa sang máy móc trước khi “xuất quân”. Anh Nguyễn Văn Vương, làm nghề ép dẻo nói: “Chúng tôi vẫn giữ nguyên nếp sinh hoạt như hồi ở quê”. Ai có dịp về quê, lại mang vào vài cân thuốc lào, trà Bắc rồi chia đều cho cả khu, để dành xài quanh năm. Người này túng thiếu lại vay mượn người kia, đùm bọc sống qua ngày.
Vắng tiếng trẻ nói cười
Hầu hết mọi người đều sống có vợ có chồng, nhưng không mang con theo, mà để cả ngoài quê, nhờ ông bà hoặc họ hàng chăm sóc. Lễ, Tết, chủ nhật gần như không có trong khái niệm của họ. Nhiều năm rồi, anh Tính và nhiều người khác chưa biết tới mùi vị của cái Tết quê nhà. Anh tính nói: “Mỗi lúc vào - ra, mua cái bánh, bịch kẹo, sắm sửa đôi chút cũng gần 2 - 3 triệu bạc. Thôi thì ráng nhịn gửi về nhà cho bọn trẻ”.
Ốm nhẹ, cảm cúm “vớ vẩn” thì uống viên thuốc, và lại đi. “Chỉ sợ mưa. Mưa thế này không làm gì được, không khéo lại về quê, ăn uống đắp đổi gì đó chờ hết mùa bão lụt”, anh Vương cho biết. Đi cân thỉnh thoảng gặp phải tên say rượu không trả tiền, đòi đập máy, bị nhiều người coi thường... cũng cố nhịn. Trong lòng những người cha, người mẹ này, phải làm sao kiếm nhiều tiền mới là quan trọng nhất, để “dồn cả vào cho con ăn học, mong cho chúng không phải lam lũ vất vả kiếm sống”. Xóm trọ ấm tình làng xóm, mà vẫn không khỏi đìu hiu vì vắng tiếng xôn xao của con trẻ. Nhiều chị cứ đỏ hoe mắt, nhìn ra cửa: “Nhớ chúng nó quá...”.
Bài và ảnh: HẰNG VANG