Nhà vệ sinh công cộng - dù gọi bằng tên gì thì chúng vẫn chỉ để “giải quyết đầu ra” cho mỗi con người. Sẽ là vấn đề nan giải nếu một lúc nào đó trên đường phố tấp nập, khi bạn cần mà chẳng thấy nó đâu hoặc sẽ ngạc nhiên hơn khi nó sờ sờ ra đấy, nhưng lại bỏ hoang hoặc người ta cần nhưng không tới.
1- Cái toa-lét công đầu tiên tại đất Hàn
Nhà VSCC trước Bảo tàng Điêu khắc Chămpa. |
Bàn về vấn đề này, nhà sử học Dương Trung Quốc trong một lần chuyện phiếm nói với tôi: “Tôi cứ nhớ mãi cái bức biếm họa đăng trên tờ Phong Hóa vẽ cảnh bác Lý Toét (nhân vật điển hình cho mẫu người “nhà quê ra tỉnh” đang vén quần xả ngay vào chân tường trên đó có dòng chữ “Cấm không được đái”. Bị “thầy đội” bắt phạt, Lý Toét lý sự rằng: “Cứ theo cách cổ truyền (với chữ Hán) phải đọc từ phải sang trái thì dòng chữ này có nghĩa là “đái được không cấm”, cớ sao thầy đội lại bắt phạt tôi?!”… Chính cái lý sự “quê ra tỉnh” ấy khiến cho vấn nạn đái bậy tồn tại đến tận bây giờ!”.
Đầu thế kỷ 20, người Pháp cho xây dựng một nhà vệ sinh công cộng đầu tiên tại chợ Hàn của Đà Nẵng và giao cho người Hoa đấu thầu thu phí. Việc dọn dẹp vệ sinh tại đây được các chủ thầu người Hoa cam kết nếu để thành phố dơ bẩn, nhất là khu vực chợ và nhà ga thì ngoài việc phạt tiền, họ còn phải bị bắt bỏ tù hàng tuần! Tuy nhiên, trên tờ báo Dân số ra ngày 6-7-1938, tôi thấy có bài phản ánh tình trạng mất vệ sinh tại đây như sau: “Tourane là một thành phố nhượng địa, là một cửa bể lớn nhất Trung kỳ, chẳng những người Pháp ở nhiều mà khách du lịch Âu - Mỹ cũng thường ghé lắm. Một thành phố như thế đáng lẽ sạch sẽ mới phải chớ.
Đằng này lại trái hẳn: Cuối đường Verdun (một con đường lớn nhất Tourane) một bên ga chợ Hàn và chính trước mặt thành phố, chỗ hằng ngày tấp nập những người, một cái cầu tiêu (cầu tiêu công), cứ mỗi buổi chiều từ 5 giờ đến 8 giờ tối là khạc ra một mùi thối nồng nàn thiếu điều nứt mũi! Nhất là trong mùa nắng này, ai đi dạo mát qua con đường Quai Coubet hoặc Verdun thì phải nín thở mới có thể bước nổi!”. Mới đây, trong một chuyến khảo sát tư liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi phát hiện thấy một tài liệu nói về vụ này và người Pháp ngoài việc bắt giam người Hoa phụ trách cái toa-lét công nói trên, còn phạt bằng cách… đánh đòn.
2- Những “quận công” đương đại!
Xưa, việc giải quyết “đầu ra” được các cụ ta xếp vào một trong bốn “tứ khoái” (ăn, ngủ, làm tình, đại tiện) của con người. Trong dân gian có câu “nhất quận công/ nhì... ị đồng”. Không biết cái sự “khoái” ấy ngày xưa có làm ảnh hưởng đến quốc gia, xã tắc không, chứ bây giờ thì nó đang trở thành một vấn nạn trên cả nước, khi ngày càng có nhiều “quận công” có thói quen “ăn hè, tè đường”. Chỉ cần chạy một vòng quanh các đường phố Đà Nẵng, không khó để “chiêm bái” những “quận công” đang đứng dưới gốc cây, bụi rậm hay bờ tường để “giải quyết nỗi buồn”.
Có lần, khi khách du lịch nước ngoài đang dạo bước trên đường Bạch Đằng để thưởng thức các tác phẩm đá nghệ thuật ở đây thì tôi thấy một bác xích lô đang “tè” dưới gốc cây ngay bên cạnh làm họ sững sờ! Hiện nay, Đà Nẵng có rất nhiều quán nhậu, mà phần lớn những quán này nằm dọc theo các trục đường chính, tại những nơi này lại chưa có nhà vệ sinh công cộng nên các “quận công” khi đã no say lại vô tư “giải bầu tâm sự”… Tôi gặp ông Nguyễn Hạnh – người phụ trách nhà vệ sinh công cộng tại khu vực Đài tưởng niệm thì được ông cho biết: “Họ đến đây ăn nhậu rất nhiều nhưng khi tiểu tiện thì đi vào các bãi đất trống chứ nhất quyết không vào nhà vệ sinh công cộng.
Mình nhắc nhở có khi họ lại dọa đánh!”. Kể cũng lạ, người ta sẵn sàng bỏ ra hàng trăm ngàn, có khi cả triệu đồng để nhậu nhưng lại không muốn bỏ ra 500 đồng để vào nhà vệ sinh công cộng với đầy đủ tiện nghi để mà “đi tè”!
3- Nỗi buồn nhà vệ sinh công!
Nhà VSCC hầu như bỏ hoang trên đường Nguyễn Tất Thành. |
Việc xây dựng, bố trí nhà vệ sinh công cộng không hợp lý, vừa gây ra sự lãng phí mà lại càng không giải quyết được nạn “tè đường” đang rất bức xúc như hiện nay. Ông Phạm Xuân Ánh - Giám đốc Xí nghiệp Môi trường quận Hải Châu cho biết: “Trên địa bàn quận, xí nghiệp quản lý 8 nhà vệ sinh nhưng chỉ có các nhà vệ sinh công cộng trên đường Nguyễn Thái Học, Ngô Gia Tự và Lê Duẩn là hằng tháng có nộp tiền cho xí nghiệp, còn lại các nhà vệ sinh khác thì phải bù lỗ”.
Đáng chú ý nhất là 19 nhà vệ sinh công cộng trong tiểu dự án thuộc Dự án thoát nước và vệ sinh thành phố Đà Nẵng do Ngân hàng Thế giới tài trợ vừa được bàn giao vào tháng 6-2007 thì đến nay, cái thì hoang phế, cái thì phải chuyển công năng sử dụng. Khó hiểu nhất là những nhà vệ sinh công cộng được xây dựng ở những nơi chưa có dân cư như cuối đường Nguyễn Tất Thành, khu công viên Bắc tượng đài hoặc dưới chân cầu vượt Hòa Cầm... Nhiều cái trong số này hiện đang bỏ hoang, bị phá hoại hoặc bị lấy cắp vật dụng. Tôi thực sự bất ngờ khi biết cái toa-lét công dưới chân cầu vượt Hòa Cầm đã trở thành... văn phòng làm việc của một xí nghiệp!?
4- Lối đi nào cho toa-lét công?
Trên tờ báo “Tiền Phong” của Hội Văn hóa Cứu quốc theo lệnh của Cụ Hồ, vấn đề “toa-lét công” cũng được đề cập thường xuyên. Một bài báo lúc đó đã hô hào: “Một nhà ga đời sống mới phải có nhà xí. Một chợ đời sống mới phải có “chỗ phóng uế, chỗ chứa rác”. Một thành phố đời sống mới phải có “chỗ phóng uế cho thực nhiều”…
Thế mới biết vì sao, mỗi lần thăm cơ sở nào, vấn đề đầu tiên Cụ Hồ quan tâm là: Nhà bếp và nhà vệ sinh! Vậy, Đà Nẵng của chúng ta hiện nay đã đủ “toa-lét công” chưa? Theo tôi là chưa đủ, nếu không nói là cực kỳ thiếu. Một thành phố có gần 800 ngàn dân mà chỉ có chừng vài chục cái “toa-lét công” là điều không thể chấp nhận được. Xin đơn cử: Thành phố Bắc Kinh của Trung Quốc hiện có 5.174 nhà vệ sinh công cộng cho 17 triệu dân. Singapore hiện có 29.500 nhà vệ sinh công cộng cho 4,5 triệu dân thì số nhà vệ sinh công cộng của Đà Nẵng hiện có liệu có bõ bèn gì, trong khi Đà Nẵng đang phấn đấu là một thành phố môi trường.
Chúng ta nên xã hội hóa mạnh mẽ vấn đề nhà vệ sinh công cộng. Thành phố chọn những nơi cần xây dựng toa-lét, giải phóng mặt bằng và tổ chức đấu thầu cho người dân tự đầu tư xây dựng và thu phí nộp ngân sách cho thành phố. Thêm vào đó, bên cạnh việc tuyên truyền, phải tiến hành xử phạt thật nghiêm các trường hợp “tè bậy”.
Theo quy định của pháp luật, sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đến 100.000 ngàn đồng đối với hành vi tiểu hay đại tiện trên đường phố. Quy định là vậy, nhưng tại Đà Nẵng vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào xử phạt, vì thế nạn “tè đường” vẫn cứ tiếp diễn. Nên chăng, cùng với việc xây dựng “toa-lét công”, cần làm các bảng chỉ dẫn gắn trên các ngả đường dẫn đến khu vệ sinh công cộng gần nhất để khách thập phương biết mà sử dụng. Hay ít ra, trên bản đồ du lịch Đà Nẵng, bên cạnh việc ghi rõ những địa điểm tham quan du lịch, cần đánh dấu rõ những nhà vệ sinh công cộng để người dân và khách thập phương biết mà tìm đến mỗi khi cần.
LƯU HOÀNG GIANG