Dù ở vào tình thế bất ổn do phải đương đầu với nhiều vụ chống đối trong hầu hết thời gian trị vì của 4 vị vua đầu triều Nguyễn, nhưng không vì thế mà công cuộc xây dựng kinh đô và các công trình quốc gia của vương triều bị đình trệ. Thậm chí, một số công trình của các triều đại trước cũng được nhà Nguyễn cho trùng tu để bảo vệ di sản của non sông. Điều đó đòi hỏi sự huy động trên quy mô lớn vật lực, nhân tài và nhân công của cả nước.
>>> Triều Nguyễn - cảm nhận đa chiều (kỳ 1)
Sự hao tổn tiền của và đày đọa nhân công trong việc xây dựng các công trình cho Nhà nước là một bi kịch của triều Nguyễn. Các vua Nguyễn đã lấy sức người, sức của vun xới cho công trình của triều đại khi cuộc sống nhân dân còn cơ cực, thiếu thốn; nhưng tầm vóc của một quốc gia rộng lớn nhất trong lịch sử dân tộc cũng đòi hỏi những công trình có quy mô tương xứng, nhất là ở kinh đô. Sự áp chế của Nhà nước trong cưỡng bức lao động ở các công trình khiến nhân dân phản ứng mãnh liệt, tiêu biểu nhất là khởi nghĩa của Đoàn Hữu Trưng ngay tại Huế năm 1866, mà có lúc người ta gọi là “Loạn Chày Vôi”.
Máu và mồ hôi của nhân dân thời đó đổ xuống là lời tố cáo đanh thép về việc đày đọa dân của vương triều Nguyễn; nhưng những tổn thương đó không hề uổng phí, bởi công trình làm ra lại có giá trị bền vững, là niềm tự hào của dân tộc và từ năm 1993 Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa chung của nhân loại.
Thật khó lọt tai nếu phải nói cảm ơn triều Nguyễn vì đã vắt sức dân, của dân đổi lấy quần thể công trình kiến trúc có giá trị. Nhưng chắc hẳn các quốc gia phong kiến trên thế giới cũng không dễ nhận được sự tán thành toàn tâm toàn ý từ phía dân chúng, mỗi khi Nhà nước huy động dân đi lao động công ích, xây dựng công trình!
Tương tự như vậy, triều Nguyễn đã lễ nghi hóa nhiều sinh hoạt văn hóa tinh thần, biến chúng thành lệ để phục vụ cho sự tôn vinh vương quyền, mà có lúc sử gia gọi là ăn chơi xa hoa, kiểu cách, tốn kém. Song sự kiểu cách của triều Nguyễn cũng là thuộc tính chung của chế độ phong kiến, và nhiều món trong di sản đó rất được nhân dân ưa chuộng, thậm chí từ năm 2003 được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (Nhã nhạc).
Cũng về mặt văn hóa, một điều đáng ngạc nhiên là trong 10 thế kỷ phát triển của chế độ phong kiến Việt Nam (tính từ nhà Ngô ở thế kỷ thứ X), các công trình về sử học, văn học, thiên văn, địa lý, y thuật, tư tưởng... được ấn loát dưới thời Nguyễn có khối lượng tương đương khối lượng sách vở các triều đại trong 9 thế kỷ trước đó cộng lại. Thử hình dung nếu không có sự phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội và văn hóa - giáo dục, làm sao nhà Nguyễn lại có thể tạo ra một số lượng trước tác đồ sộ đến thế!
Sự vững vàng của nền học thuật nước nhà (thể hiện một phần qua khối lượng trước tác nói trên) là chỗ dựa, sự tự tin để triều Nguyễn hoạch định kế sách quan hệ với thế giới bên ngoài.
Đã từ lâu lắm, triều Nguyễn mang tiếng bảo thủ nặng nề khi đề cao chính sách “bế quan, tỏa cảng”, khước từ mối quan hệ với thế giới bên ngoài; khiến đất nước mất cơ hội phát triển và trở nên tụt hậu quá xa so với thế giới, kinh tế lụn bại, xã hội lạc hậu, cuối cùng không đủ sức chống chọi với phương Tây và để mất nước.
Cách nhìn đó hiện nay không còn được đồng tình, vì có quá nhiều tư liệu để chứng minh ngược lại. Sự thật, nhiều phái bộ của Nhà nước được cử đi công cán liên tục mà bề ngoài là buôn bán, bên trong để thăm dò động tĩnh các nước Tây Dương và tình hình các nước lân bang để có quyết sách phù hợp. Thuyền nhà Nguyễn đi khắp Xiêm La (Thái Lan), Hạ Châu (Singapore), Hồng Kông, Trung Quốc, Pháp... và thậm chí định sang tận Mỹ. Thuyền bè của Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Mỹ, Trung Quốc... vẫn thường được triều đình tiếp đón ở cửa biển Đà Nẵng và một số nơi khác. Quan hệ buôn bán giữa nhà Nguyễn với các nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Trung Quốc, Hồng Kông được duy trì mãi đến những năm 1870-1880.
Tất nhiên, nói thế không đồng nghĩa triều Nguyễn chủ trương thỏa mãn yêu cầu tự do thông thương của phương Tây; bởi Nhà nước chỉ cho phép nước ngoài đến mua bán, trao đổi ở cửa Đà Nẵng và một vài cửa biển khác, dưới sự kiểm soát của cơ quan hải phòng sứ. Sự thận trọng của nhà Nguyễn rõ ràng đã gây ảnh hưởng không có lợi đến sự phát triển của ngoại thương Việt Nam; nhưng động lực của triều Nguyễn lại xuất phát từ ý thức phòng vệ chủ quyền của quốc gia trước tham vọng của phương Tây, bởi nhiều lãnh thổ chung quanh Việt Nam đã bị phương Tây kiểm soát.
Ý thức bảo vệ chủ quyền còn được thể hiện rõ nét qua chính sách cấm truyền đạo Thiên chúa ở Việt Nam của nhà Nguyễn. Tuy vua Gia Long chỉ mới tìm cách cầm chân các giáo sĩ ở Huế thông qua công việc nhờ dịch sách Tây sang Hán ngữ để họ có ít thời gian truyền đạo; nhưng đó là nền tảng để các vua kế nhiệm phát triển cao hơn bằng một chính sách cấm đạo dứt khoát. Thời vua Minh Mạng, từ chỗ ngăn cấm, bắt bớ rồi giam cầm giáo sĩ, nhà vua đã đẩy sự cấm đoán lên cao khi xuống dụ kết tội tử hình các giáo sĩ đã bị bắt. Tư tưởng cấm đạo đạt đến đỉnh điểm của sự cực đoan dưới thời vua Tự Đức, khi nhà vua xuống dụ kết tội tử hình tất cả giáo sĩ có mặt ở Việt Nam.
Tại sao nhà Nguyễn cấm đạo? Những chính sách cực đoan của nhà Nguyễn với Thiên chúa giáo không hề xuất phát từ đầu óc kỳ thị tôn giáo thuần túy, mà chính xuất phát từ nhận thức giữa Thiên chúa giáo với phương Tây là dấu nối như một thể đồng nhất. Vì thế, trong cách nhìn của triều Nguyễn, ngăn cấm Thiên chúa giáo là ngăn chặn phương Tây hiện diện tại Việt Nam, chứ không phải ngăn cấm một tôn giáo đơn thuần. Tuy nhiên, cách làm của nhà Nguyễn đã phản tác dụng, gây phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân, tạo vết hằn lịch sử đau thương giữa lương và giáo, đồng thời khiến phương Tây có lý do nổ súng xâm lược và lợi dụng đồng bào có đạo trong suốt thời gian thống trị.
Cuộc chiến tranh xâm lược khởi đầu ở Đà Nẵng vào 1-9-1858, và trên ngọn cờ soái của liên quân Pháp - Tây Ban Nha do Phó đô đốc Rigault de Genouilly chỉ huy vẫn còn ngân vang lời tuyên bố của Nữ hoàng Isabelle II của Tây Ban Nha là “mở một cuộc viễn chinh trả thù cho đạo”(!)
Nhưng Đà Nẵng đã đứng vững trong 18 tháng quân thù nỗ lực đánh chiếm, “cuộc dạo chơi” (theo cách nói ban đầu của người Pháp) của kẻ xâm lược đã kết thúc. Đoàn liên quân phải ngậm đắng nuốt cay rút quân về phương Nam, để lại một nghĩa địa “Tây Ban Nha” đầy mồ chôn lính viễn chinh liên quân trên bán đảo Sơn Trà. Kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của kẻ xâm lược thất bại thảm hại, buộc chúng phải chấp nhận chuyển sang kế hoạch đánh lâu dài, “chinh phục bằng những gói nhỏ” (theo cách nói của người Pháp).
Triều Nguyễn và nhân dân Đà Nẵng-Quảng Nam đã chận đứng cuộc chiến tranh “thần tốc” của địch. Đó là điểm nhấn sáng nhất trong cuộc chiến chống Tây xâm của dân tộc Việt Nam thời Nguyễn. Thắng lợi này bảo đảm cho Kinh đô Huế chưa bị tấn công, nền độc lập của quốc gia nhờ thế vẫn duy trì trong suốt mấy chục năm. Phải đến 5-7-1885, khi Kinh đô Huế thất thủ, vua Hàm Nghi và triều thần xuất bôn phát động phong trào Cần Vương giành lại nền độc lập, thực dân Pháp mới chính thức trở thành kẻ thống trị trên phạm vi cả nước sau 27 năm tiến hành chiến tranh xâm lược. (Còn nữa)
NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN (Đại học Khoa học Huế)
.
.
Triều Nguyễn - cảm nhận đa chiều (kỳ 2)
Thứ Ba, 21/10/2008, 07:50 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.