.

Triều Nguyễn - cảm nhận đa chiều (kỳ 3)

Thắng lợi của triều Nguyễn ở mặt trận Đà Nẵng đã không thể được tiếp tục phát huy tại cuộc chiến ở Nam Kỳ. Vẫn là danh tướng Nguyễn Tri Phương nắm giữ binh quyền lo việc tổ chức đánh Pháp; nhưng Đại đồn Chí Hòa ở Gia Định với quy mô lớn, quân số đông đã không đứng vững trước sức tấn công mãnh liệt bằng hỏa lực lợi hại của liên quân Pháp-Tây Ban Nha vào tháng 2-1861. Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long lần lượt rơi vào tay giặc. 

        >>> Triều Nguyễn - cảm nhận đa chiều (kỳ 2)
        >>>
Triều Nguyễn - cảm nhận đa chiều (kỳ 1)

Rõ ràng sông nước mênh mông ở Nam Kỳ đã cho phép chiến lược pháo thuyền của phương Tây phát huy tác dụng; vũ khí phương Tây trên chiến trường áp đảo hoàn toàn trước khí giới lạc hậu của quân đội nhà Nguyễn. Sự thua trận dường như không thể khác được. Điều đó đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của triều Nguyễn và nhân dân Việt Nam.

Kết quả, nội bộ triều đình Huế phân làm hai nhóm chủ chiến và chủ hòa, mà sự thắng thế của nhóm chủ hòa (xin nhấn mạnh chủ trương lúc đầu của nhóm này là hòa để chờ thời cơ thuận lợi thì đánh) đã dẫn đến Hiệp ước Nhâm Tuất (5-6-1862) cắt 3 tỉnh miền Đông cho Pháp. Trong khi đó, từ phía nhân dân, ý thức sự lạc hậu của đất nước là nguyên nhân thất bại trước phương Tây đã khiến tư tưởng canh tân được nhen nhóm, để rồi thổi bùng thành trào lưu cải khá rầm rộ trong hơn hai mươi năm trước khi mất nước.

Trào lưu cải cách duy tân dĩ nhiên được xếp trong nhóm chủ hòa. Chủ trương của tư tưởng này là hòa hoãn với Pháp để tạm thời ngăn bước tiến quân sự của chúng; đồng thời ra sức phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, mở rộng giao thương với bên ngoài, học hỏi kỹ thuật phương Tây, phát triển giáo dục thực nghiệp theo phương Tây, chiêu mộ và đào tạo nhân tài, trang bị và tổ chức lại quân đội, chấn chỉnh nền hành chính và quản lý đội ngũ quan lại...

Những nhà đề xướng cải cách đất nước tiếng tăm thời đó gồm đủ thành phần từ quan lại đến Nho sĩ và cả dân thường, cả dân lương lẫn dân giáo, như Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, Trần Đình Túc, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Lộ Trạch, Đinh Văn Điền, Lê Đỉnh, Nguyễn Thông, Bùi Viện, Nguyễn Hiệp....

Xuất phát từ động cơ muốn đất nước tiến bộ để đủ sức chặn đứng cuộc xâm lược của phương Tây, nhưng cuối cùng, mong ước của trào lưu cải cách đã không thành hiện thực. Nguyên nhân phải chăng là do triều Nguyễn không đủ năng lực thực hiện và quay lưng với yêu cầu cải cách, bất chấp sự đòi hỏi của dân tộc? Thật ra, nếu mở những trang sách Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép, có thể thấy rõ vua Tự Đức và triều thần dường như đã đọc không bỏ sót một bản điều trần nào của các nhà cải cách gửi về Huế; tổ chức luận bàn từng văn bản và sau đó đi đến kết luận là hợp thời hay không, tiếp thu để thực hiện toàn phần hay một phần.

Thái độ của nhà Nguyễn là tiếp nhận các điều trần cải cách chứ không quay lưng; đồng thời đã tổ chức thực hiện việc cải cách ở một số lĩnh vực như đẩy mạnh hoạt động khai mỏ, chấn chỉnh đê điều thủy lợi để phát triển nông nghiệp, mở thêm cửa biển để buôn bán với bên ngoài, cử người đi Sài Gòn, Hồng Kông, Tây Ban Nha học ngoại ngữ và kỹ thuật, đẩy mạnh hoạt động giao thương với nước ngoài, mua sắm thêm tàu hơi nước và vũ khí để trang bị cho quân đội...

Những việc làm của triều Nguyễn chưa nhiều và không đồng bộ, không thể tạo ra một cuộc cải cách thực sự như “Minh Trị duy tân” ở Nhật Bản, để rồi dang dở bất thành. Vậy vì sao vua Tự Đức và triều đình bất lực? Trước hết, cuộc cải cách của triều Nguyễn gặp phải hạn chế khách quan là không hề có những hậu thuẫn quan trọng về xã hội, thiếu hẳn một giai cấp đủ năng lực tiến hành cải cách. Thứ hai, giai cấp phong kiến Việt Nam chưa có khuynh hướng tư sản hóa nên số đông triều thần nhà Nguyễn đã bị tầm nhìn hạn hẹp và sự thủ cựu chi phối, năng lực bản thân hạn chế. Thứ ba, không có người biết tổ chức, quản lý, tay nghề không có, kỹ thuật yếu kém.

Thứ tư, sau khi Nam Kỳ mất, tiềm lực quốc gia hao mòn quá lớn, nguồn tài chính cạn kiệt, mất mùa đói kém triền miên, dân chúng nổi lên khắp nơi, nên sự đầu tư cho cuộc canh tân không đủ, nhiều chương trình học nước ngoài bị bỏ dở nửa chừng. Ngoài ra, không ít lần thực dân Pháp đã ngăn không cho du học sinh Việt Nam ra nước ngoài học; hoặc việc mua tàu máy, vũ khí của nước ngoài cũng bị Pháp phá hỏng...

Thất bại của trào lưu canh tân ở Việt Nam dưới thời Nguyễn chủ yếu do hạn chế khách quan của thời đại chi phối, và sự thất bại đó đồng nghĩa tiềm lực vật chất cần có để giúp triều Nguyễn giữ nước đã không thể bảo đảm. Suốt hơn 20 năm kể từ khi ký Hiệp ước Nhâm Tuất, triều Nguyễn đã không thể giải quyết mâu thuẫn giữa cải cách mới có thể chống Pháp thành công và muốn chống Pháp thành công thì phải cải cách; vì thế, triều Nguyễn đã để mất dần lãnh thổ và phải lần lượt ký kết nhiều hiệp ước bất bình đẳng với thực dân Pháp. Sự bế tắc này dễ làm người ta liên tưởng vua Tự Đức và triều đình Huế đã theo đuổi một đường lối chống Pháp nhu nhược, thỏa hiệp, cuối cùng chấp nhận đầu hàng giặc.

Hai hiệp ước Harmand (25-8-1883) và Patenôtre (6-6-1884) do triều Nguyễn ký kết với Pháp diễn ra sau ngày vua Tự Đức mất, nhưng đó là kết quả khó tránh khỏi của một kế sách dùng dằng, bế tắc của người tiền nhiệm. Chính sự ràng buộc ngày càng sâu vào sự bảo hộ của Pháp đã khiến triều Nguyễn mất đi quá nhiều sức mạnh; nhưng không vì thế mà triều Nguyễn chấp nhận chấm dứt cuộc đối đầu với Pháp bằng sự đầu hàng. Cuộc chiến giữa người Pháp và triều Nguyễn chưa thể chấm dứt vào năm 1884 như cách nói của nhiều người.

Trên tinh thần dân tộc, nhiều người trong hoàng tộc và quan lại triều đình Huế đã quyết tâm đeo đuổi cuộc đấu tranh chống Pháp đến cùng. Phái chủ chiến (mà thực ra chiếm đa số trong triều đình chứ không phải thiểu số) đã làm các cuộc đảo chính ngoạn mục, để liên tiếp đưa lên hai ông hoàng nhỏ tuổi Kiến Phúc và Hàm Nghi kể từ tháng 11-1883, đồng thời xác định lập trường chống Pháp dứt khoát của mình.

Lập trường cứng rắn của triều đình Huế từ 11-1883 đến 7-1885 và những công việc chuẩn bị chống Pháp tích cực, rầm rộ dưới triều vua Hàm Nghi đã dẫn đến cuộc đụng đầu quyết liệt với Pháp ngay tại Kinh đô Huế. Cuộc tấn công của 18.000 quân Nguyễn vào các vị trí đóng quân của Pháp ở Huế thất bại; quân Pháp đã phản công và chiếm đóng Kinh thành Huế vào sáng 5-7-1885. Sự nghiệp chống Pháp của nhà Nguyễn với tư cách một triều đại độc lập đến đây chấm dứt.

Nhưng vua Hàm Nghi và quan lại triều Nguyễn yêu nước vẫn chưa từ bỏ con đường của mình. Sự ra đi của Hàm Nghi đã tạo nên một làn sóng ủng hộ rộng rãi khắp nơi trong nước đối với quyết tâm giành độc lập của nhà vua, hình thành phong trào Cần Vương chống Pháp hết sức sôi động và kéo dài đến cuối thế kỷ XIX mới chịu kết thúc.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN (Đại học Khoa học Huế)

;
.
.
.
.
.