Cũng như ở nhiều nước đang phát triển, tai nạn giao thông (TNGT) ở nước ta đã trở thành phổ biến và làm nhiều người thiệt mạng, bị thương nhất. Hạ tầng giao thông cũng như ý thức tuân thủ pháp luật về giao thông của người dân còn kém là một mặt của vấn đề. Mặt khác, việc thi hành pháp luật về giao thông thiếu nghiêm cũng là một nguyên nhân cần xem xét.
Đi xe máy ngược chiều là một trong những nguyên nhân gây tai nạn ở Đà Nẵng. |
Tại Việt Nam, nhà báo David Lamp đã viết trên tờ New York Times: “Mũ bảo hiểm chỉ làm giảm các trường hợp chấn thương đầu nhưng không giảm được tai nạn xe cộ”. Lamp viết tiếp: “Chỉ với 8.530 dặm đường tráng nhựa (gần 14.000km), nhưng Việt Nam là nước có hệ thống đường giao thông gây chết người nhiều nhất thế giới. Mỗi ngày có khoảng 20 người chết do TNGT, tương đương với 1 chiếc Boeing 747 chở đầy khách cứ 3 tuần bị tai nạn một lần... Chỉ riêng Bệnh viện Chợ Rẫy, theo Lamp, mỗi ngày bình quân đã có 3 nạn nhân thiệt mạng do tai nạn xe máy, mặc dù mũ bảo hiểm đã giúp giảm số người chết và bị thương đến trên 80%.
Học sinh ung dung dàn hàng ngang trên phố. |
Những con số nêu trên cho thấy toàn cảnh của “đại dịch” TNGT ở nước ta. Trong cái nhìn cận cảnh, hầu như tin tức về TNGT mỗi ngày trên các trang báo là hết sức đậm đặc. Nhưng giải pháp khả thi để giải quyết, ngăn chặn những cái chết do TNGT gây ra là gì? Như đã dẫn, mũ bảo hiểm là hết sức cần thiết để giảm thương vong, nhưng để giảm tai nạn tận gốc thì ý thức của người điều khiển phương tiện và các nỗ lực quản lý Nhà nước (trong đó có việc thi hành pháp luật) là quan trọng nhất. Theo thiển ý của người viết: Cần thiết phải phạt thật nghiêm những người vi phạm luật là tiền đề. Trong các biện pháp xử phạt, có cả các mức phạt tiền thật nặng, tịch thu phương tiện, thu vĩnh viễn bằng lái và truy tố theo luật định. Muốn vậy, phẩm chất của đội ngũ cảnh sát giao thông cần được đặt lên hàng đầu. Họ cần được tuyển chọn đào tạo thường xuyên và đào tạo lại, có chính sách đãi ngộ tương xứng và cũng cần bị chế tài nghiêm khắc nếu vi phạm các quy định về nghiệp vụ, đạo đức. Có như vậy mới hy vọng tiêu diệt được tệ nạn “mãi lộ” lâu nay đang làm giảm uy tín của những người thi hành pháp luật giao thông.
Mặt khác, cần hạn chế quyết liệt phương tiện xe máy bằng hệ thống giao thông công cộng thuận tiện và hữu hiệu. Nếu vậy, ngay từ bây giờ, Chính phủ cần dừng ngay việc cấp phép sản xuất xe máy; khuyến khích-tạo điều kiện hỗ trợ (như thuế, vốn…) cho các nhà máy này chuyển đổi sang sản xuất các thiết bị của công nghiệp phụ trợ, nông-ngư cụ, ô-tô… Chuyển dần lượng xe máy hiện có ra ngoại thành và nông thôn bằng các biện pháp thích hợp…
Muốn tránh được đại dịch cần phải có quyết tâm và cách làm phù hợp từ Trung ương xuống địa phương.
NGUYỄN HOÀNG SA